Thứ Tư, 05/12/2012 11:45

"Con hổ” kinh tế Philippines đang bắt đầu tỉnh giấc

Cuối tuần trước, Ban Điều phối Thống kê Quốc gia (NSCB) của Philippines thông báo trong quý 3/2012, nền kinh tế nước này đã đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 7,1%, cao nhất trong số 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào thời điểm hiện nay.

Thủ đô Manila

Điều đáng nói là Manila đã đạt được thành tựu này trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều đang phải đối mặt nguy cơ suy giảm tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo Philippines, vốn vẫn bị coi là “con bệnh của châu Á,” sẽ sớm trở thành con hổ kinh tế mới của châu lục này.

Khi con hổ tỉnh giấc

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Philippines đã từng là quốc gia giàu có thứ hai ở châu Á sau Nhật Bản. Tuy nhiên, sau đó, những bất ổn về chính trị cộng với sai lầm trong chính sách kinh tế và tình trạng tham nhũng đã biến Philippines thành một trong những nước nghèo nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nền kinh tế Philippines đã thực sự suy sụp trong những năm đầu thập niên 80 dưới chế độ của Tổng thống Ferdinand Marcos.

Sau khi Tổng thống Marcos bị hạ bệ, nền kinh tế Philippines dần dần hồi sinh. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 lại giáng một đòn mạnh vào các nỗ lực phục hồi kinh tế của nước này. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Philippines giảm từ 5% năm 1997 xuống còn 0,6% năm 1998.

Để vực dậy nền kinh tế, Chính phủ Philippines đã tiến hành các biện pháp cải cách với mục tiêu đạt được tỷ lệ tăng trưởng tương đương với các nước công nghiệp mới ở Đông Á. Nhờ vậy, nền kinh tế lớn thứ 44 thế giới tính (theo xếp hạng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế trên cơ sở GDP danh nghĩa năm 2011) đã dần hồi phục và đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 3% năm 1999. Con số này đã tăng lên 4% năm 2000 và hơn 6% vào năm 2004.

Năm ngoái, bất chấp những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Philippines vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,2%. Con số này đã tăng lên 6% trong quý 1 và 2/2012. Đến quý 3/2012, Philippines đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,1%, cao nhất kể từ năm 2010.

Nhiều người dự báo quốc gia đông dân thứ 12 thế giới này có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với mục tiêu là 5 đến 6% trong năm nay.

Trong khi đó, kết quả thăm dò mới nhất của Bloomberg cũng cho thấy quốc đảo này sẽ là một trong số 10 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong năm nay.

Ông Joey Salceda, người đã từng làm cố vấn kinh tế cho nhiều đời tổng thống ở Philippines, nói: “So với tốc độ tăng trưởng 6,2% của Indonesia, 5,2% của Malaysia, 4,7% của Việt Nam, 3% của Thái Lan và 0,3% của Singapore, tốc độ tăng trưởng GDP của Philippines trong quý 3/2012 là cao nhất trong khu vực. Thậm chí, về tốc độ tăng trưởng, nước này còn có thể so sánh với Trung Quốc – quốc gia chỉ tăng trưởng 7,7% trong cùng kỳ.”

Chuyên gia kinh tế này cho rằng việc Philippines đạt được tốc độ cao chưa từng có như vậy là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước này đã trở thành “một con hổ kinh tế mới” ở châu Á.

Trong khi đó, trong thư gửi tới các nhà đầu tư, ngân hàng HSBC viết: “Không thể phủ nhận rằng Philippines sắp có một năm tuyệt vời bất chấp những làn gió ngược mạnh trên toàn cầu... Điều này có được chủ yếu nhờ vào việc các nhà hoạch định chính sách nước này đã có các biện pháp kịp thời để chống lại sự suy giảm về nhu cầu đã được dự báo từ trước ở Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cũng như khả năng phục hồi nhanh của nền kinh tế hướng vào ngành dịch vụ này.”

Bí quyết tăng trưởng

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng thần kỳ của Philippines trong giai đoạn đầy khó khăn của nền kinh tế thế giới hiện nay là sự kết hợp của các nhân tố như tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ hợp lý và chi tiêu công cũng như nhu cầu trong nước đều tăng.

Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn tiếp tục lan rộng và tình trạng bất ổn đang xảy ra ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới nhưng Philippines vẫn giữ được kinh tế vĩ mô ổn định.

Ở quốc gia đông dân thứ hai Đông Nam Á này, lạm phát chỉ đứng ở mức hơn 3% và lãi suất vào khoảng 4%, trong khi tỷ lệ nợ công trên GDP đang ở mức thấp kỷ lục.

Điều này cũng lý giải tại sao nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini của Mỹ lại coi Philippines là một trong những nền kinh tế ở châu Á có khả năng phục hồi nhanh chóng nhất trước các cuộc khủng hoảng lớn có quy mô toàn cầu.

Trong báo cáo “Tình hình Kinh tế Toàn cầu Roubini,” nhà kinh tế học Roubini, người đã dự báo chính xác về sự sụp đổ của thị trường nhà đất ở Mỹ và cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 2008-2009, cho rằng Philippines có dư địa tài chính - tiền tệ đáng kể để đối phó với sự biến động đang gia tăng ở các nền kinh tế lớn trên thế giới (như Eurozone, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc) và các yếu tố bất ổn về địa chính trị ở Vịnh Persian.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích cho rằng việc chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino tăng chi tiêu công lên mức kỷ lục trong năm nay và đang tìm kiếm hơn 17 tỷ USD vốn đầu tư vào các dự án xây dựng đường bộ và sân bay là một nhân tố khác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Philippines.

Mặt khác, theo chuyên gia Salceda, việc áp dụng cơ chế lãi suất thấp và các dòng kiều hối chảy mạnh từ nước ngoài về đã giúp Philippines chống chọi được với “các làn gió ngược” là sự phục hồi không chắc chắn của nền kinh tế Mỹ, sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc và tình trạng yếu kém đang lan rộng trong Eurozone.

Cùng chung quan điểm đó, nhà kinh tế Trinh Nguyen của ngân hàng HSBC Holdings Plc ở Hong Kong nói: “Ngân hàng Trung ương BSP và Chính phủ Philippines đã đưa ra các điều chỉnh chính sách kịp thời và những điều chỉnh này đã thúc đẩy xu hướng tăng trưởng. Với động lực mạnh như vậy, chúng tôi nghĩ rằng BSP sẽ giữ nguyên lãi suất và kết thúc chu kỳ nới lỏng tiền tệ.”

Ổn định chính trị - nhân tố quyết định

Mặc dù sự ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ hợp lý và tăng chi tiêu công đóng vai trò quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế của Philippines, nhưng theo các chuyên gia phân tích, nhân tố quan trọng nhất giúp quốc đảo này đạt được thành tựu như vậy chính là sự ổn định về chính trị và những thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Sau một thập kỷ đầy bất ổn do các cuộc đảo chính dân chủ và tình trạng bất mãn gia tăng trong dân chúng, Philippines đã bước vào giai đoạn ổn định về chính trị dưới thời chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino III.

Đáng chú ý, Tổng thống Aquino đã thành công trong việc ký kết một “hiệp định khung” với nhóm phiến quân chính Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF). Đây được coi là điểm khởi đầu cho tiến trình hòa giải, tái thiết và phát triển bền vững ở đảo Mindanao ở phía Nam nước này.

Bên cạnh đó, kể từ khi nhậm chức vào năm 2010, Tổng thống Aquino, người chủ trương nhổ tận gốc căn bệnh tham nhũng đã bén rễ trong bộ máy Nhà nước, đã thành công trong việc đưa ra ánh sáng các quan chức bị cáo buộc tham nhũng.

Mặt khác, để đấu tranh chống lại tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng, Tổng thống Aquino đã xây dựng chương trình “hỗ trợ tài chính có điều kiện” lớn cho các ngành dễ bị tổn thương nhất.

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền Aquino, nền kinh tế Philippines đã đạt được tốc độ tăng trưởng thần kỳ như đã nêu ở trên. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế này cũng tăng lên đáng kể.

Trong tháng 10/2012, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng cấp xếp hạng tín nhiệm của Philippines lên một bậc. Hiện nay, nền kinh tế ốm yếu một thời của châu Á chỉ còn cách mức xếp hạng “khuyến nghị đầu tư” một bậc.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia phân tích, Philippines vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi trở thành “con hổ” kinh tế mới của châu Á. Đặc biệt, nước này phải vực dậy các ngành công nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, bởi vì, theo báo cáo Điều tra Tình hình Kinh doanh năm 2012 của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Philippines mới được xếp ở vị trí 136 trong tổng số 183 nước về môi trường đầu tư.

Thanh Tùng

Vietnam+

Các tin tức khác

>   4 trở lực khiến kinh tế Mỹ chùn bước (05/12/2012)

>   Dự báo kinh tế Anh vẫn đối mặt với nhiều thách thức (04/12/2012)

>   Nhật Bản và Ấn Độ ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (04/12/2012)

>   Nguyên nhân châu Âu gặp khó khăn kinh tế lâu dài (04/12/2012)

>   Chủ tịch Eurogroup sắp từ chức (04/12/2012)

>   Quan điểm mới của IMF về quản lý các chu chuyển vốn (04/12/2012)

>   Australia hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục (04/12/2012)

>   Nguyên nhân khiến châu Âu khó khăn kéo dài (04/12/2012)

>   Chính phủ Hy Lạp mua lại nợ từ khu vực tư nhân (04/12/2012)

>   Hàn Quốc thắt chặt giám sát đầu tư nước ngoài (03/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật