Nhiều lĩnh vực kinh tế đang có độc quyền nhóm
Trong 10 lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam được nghiên cứu, có tới 7 lĩnh vực đang tồn tại độc quyền nhóm như bột giặt, dầu thực vật, ô tô tải, bảo hiểm phi nhân thọ và truyền hình trả tiền. Điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.
Đó là một trong những phát hiện của Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế năm 2012 vừa được Cục Quản lý cạnh tranh công bố sáng 12/12. Dự án này nằm trong khuôn khổ của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO (B-WTO) cho Việt Nam giai đoạn 2012-2013.
Năm nay, 10 lĩnh vực được chọn để đánh giá bao gồm 5 lĩnh vực sản xuất là ô tô tải, kính xây dựng, bột giặt, giấy, dầu thực vật; 5 lĩnh vực dịch vụ là phân phối dược phẩm, vận tải biển, bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo và truyền hình trả tiền.
Bà Trần Phương Lan, Trưởng Ban giám sát và quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh cho hay, qua nghiên cứu, nhiều lĩnh vực đang có sự tập trung thị trường lớn. Thước đo cho vấn đề này là tỷ lệ nắm giữ thị phần của số ít các DN lớn. Theo Luật Cạnh tranh, đó là tỷ lệ CR3 lớn hơn 65%, tức 3 DN lớn nhất nắm giữ thị phần vượt quá 65% thì được coi là vị trí thống lĩnh thị trường hay còn gọi là độc quyền nhóm.
Ngành vận tải biển vẫn có tính cạnh tranh cao dù có Vinashin hay Vinalines
|
Cụ thể, trong 5 lĩnh vực sản xuất được nghiên cứu, ngoại trừ ngành giấy, 4 ngành ô tải, kính xây dựng, bột giặt và dầu thực chất đều tồn tại cấu trúc này. Trong đó, lĩnh vực bột giặt có mức độ tập trung độc quyền nhóm cao nhất với 3 DN đã nắm giữ trên 98% thị phần. Tiếp đó, ngành dầu thực vật có 3 DN nắm 80,44% thị phần, ôtô tải cũng có 3 DN nắm giữ trên 65% và lĩnh vực kính xây dựng cũng có TOP 3 DN nắm trên 62,5% thị phần.
Ở 5 lĩnh vực dịch vụ được nghiên cứu, bà Lan cho biết, 2 lĩnh vực là bảo hiểm phi nhân thọ và truyền hình trả tiền có mức độ tập trung cao nhất. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ có 3 DN dần đầu nắm giữ thị phần là 76,7%, lĩnh vực truyền hình trả tiền có 3 DN nắm giữ thị phần 65%.
Riêng ở lĩnh vực vận tải biển, mảng kinh doanh cảng biển có mức độ tập trung khá cao khi có 3 DN lớn nhất đã nắm trên 65% thị phần.
Việc một số ít những DN dẫn đầu nắm giữ thị phần lớn sẽ dẫn tới nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, như lạm dụng vị trí thống lĩnh hay các thỏa thuận để hạn chế cạnh tranh. Biểu hiện rõ nét nhất là thao túng thị trường, lũng đoạn giá cả, gây thiệt hại không chỉ cho các DN nhỏ mà còn cho cả người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là ở các lĩnh vực sản xuất hiện vẫn chưa thấy xuất hiện hành vi hạn chế cạnh tranh. Trong khi đó, vấn đề này lại đang khá nhức nhối ở các ngành dịch vụ. Nổi lên thời gian qua là quảng cáo với nhiều dạng hành vi rèm pha nhau, nói xấu nhau, cố tình đưa ra các chỉ dẫn gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng thương hiệu đối thủ. Đặc biệt, đó là tình trạng liên kết nhóm để áp phí ở lĩnh vực bảo hiểm và áp giá cao ở lĩnh vực truyền hình trả tiền.
Bà Lan cũng cho biết, những lĩnh vực có mức độ cạnh tranh lớn hơn thì lại tồn tại tình trạng, DN trong nước vẫn chủ yếu làm thầu phụ, vệ tinh, đại lý cho DN nước ngoài, Ví dụ ở như lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, vận tải biển và quảng cáo.
Từ thực trạng này, nhóm nghiên cứu đã đề nghị phải nâng cao vai trò của Hiệp hội trong việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh, đồng thời vẫn cần tăng cường sự giám sát thị trường của cơ quan cạnh tranh, để kiểm soát hoạt động cạnh tranh và các giao dịch M&A.
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|