Đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý Giám sát DNNN
Đó là một trong những nội dung đề xuất được đưa ra tại Hội thảo Công bố báo cáo Đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10-12 tại Hà Nội.
Theo báo cáo, từ năm 2005 đến nay, mô hình tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với DNNN chưa đồng bộ và thiếu nhất quán trong hệ thống quy phạm pháp luật về chủ thể giám sát. Hơn nữa, ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN thuộc CIEM, cho rằng chức năng giám sát của chủ sở hữu bị buông lỏng, không hiệu quả do thiếu năng lực, công cụ và bộ máy thực hiện. Các cơ quan được phân công thực hiện không có thông tin chính xác về tình hình các DNNN, việc triển khai thực hiện các quyết định của chủ sở hữu...
Để đổi mới cơ chế chủ sở hữu, CIEM đề xuất thành lập cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu thuộc Chính phủ, được tổ chức dưới hình thức Ủy ban Quản lý Giám sát DNNN. Đứng đầu ủy ban này là thủ tướng hoặc phó thủ tướng chuyên trách, tiến hành chuyển giao quyền chủ sở hữu tại các DNNN theo cơ cấu giảm dần số lượng DNNN, giám sát theo chuẩn mực kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. DN nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện sẽ được chuyển giao trước…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cơ chế kiểm tra, giám sát này sẽ hạn chế nguy cơ quan liêu, tham nhũng gây lãng phí nguồn lực quốc gia. Ngoài ra, Nhà nước cần tạo thẩm quyền lớn hơn, thực chất hơn đối với Quốc hội và HĐND trong việc giám sát, đánh giá thực hiện chủ sở hữu và DNNN; mở kênh giám sát trực tiếp của nhân dân thông qua các công cụ thích hợp, chủ yếu là các báo cáo công khai, minh bạch, được giải trình rõ ràng về hoạt động của các DNNN.
Trà Phương
pháp luật tpchm
|