Doanh nghiệp lo ngại tăng lệ phí thị thực
Các công ty du lịch đã bày tỏ quan ngại quy định tăng lệ phí cấp thị thực có giá trị một lần tăng từ 25 đô la Mỹ lên 45 đô la Mỹ từ ngày 1-1-2013 sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút khách của ngành du lịch Việt Nam.Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trao đổi với ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, về vấn đề này.
TBKTSG Online: Cùng với quy định tăng lệ phí thị thực, có thông tin cho rằng, có thể du khách từ một số nước sẽ không còn được miễn thị thực khi đến du lịch Việt Nam. Là đại diện của doanh nghiệp lữ hành và khách sạn trong cả nước, thông tin về vấn đề này mà hiệp hội có được như thế nào, thưa ông?
- Ông Vũ Thế Bình: Chúng tôi có nhận được văn bản của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đề nghị góp ý để bộ lấy ý kiến đóng góp cho Chính phủ xem xét việc có nên bỏ chính sách miễn thị thực cho du khách 7 nước gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và 4 nước Bắc Âu hay không. Chúng tôi đã trả lời rằng cần phải duy trì chính sách miễn thị thực vì chính sách này mang lại sự tăng trưởng tốt cho du lịch Việt Nam. Trong năm nay, đã có hơn một triệu lượt khách từ Nhật Bản và Hàn Quốc đến Việt Nam hay như khách Nga - niềm hy vọng lớn của ngành du lịch cũng tăng trưởng vượt bật. Chính sách thị thực thông thoáng cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng nên cần phải giữ cũng như không nên tăng lệ phí thị thực vào lúc này.
Ngành du lịch sẽ bị tác động như thế nào khi lệ phí thị thực tăng và khi kế hoạch bỏ chính sách miễn thị thực cho một số thị trường có thể được thực hiện?
- Khách quốc sẽ giảm sút ngay lập tức. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều điểm đến đang khuyến mãi, nới lỏng chính sách thị thực để thu hút khách nên nếu Việt Nam lại làm ngược lại thì sẽ bị tác động tức thì. Khi tăng, lệ phí thị thực vào Việt Nam sẽ cao hơn các nước lân cận trong khi giá dịch vụ cũng cao hơn thì không thể cạnh tranh được, đặc biệt là trong bối cảnh mà số lượng hợp đồng doanh nghiệp ký cho năm 2013 đang ít đi như hiện nay. Khách quốc tế giảm không chỉ gây thiệt hại cho ngành du lịch mà còn cho cả nền kinh tế.
Một vấn đề khác là bỏ thị thực không chỉ liên quan đến chuyện khách phải chi thêm vài chục đô la Mỹ mà còn là tiết kiệm thời gian làm thủ tục, tạo thêm tiện lợi để khuyến khích du khách đi du lịch. Vì thế, nếu phải tốn thêm tiền, tốn thêm thời gian thì du khách sẽ cân nhắc chuyển sang các điểm đến khác đang mời chào họ.
Theo ông, liệu những phản ứng của doanh nghiệp có góp phần thay đổi được quy định mới này không?
- Chúng tôi vẫn tiếp tục kiến nghị và hy vọng sẽ tác động đến cơ quan hoạch định chính sách để có thể giữ hoặc nếu có tăng lệ phí thì cũng chờ đến khi ngành du lịch vượt qua năm khó khăn 2013. Mới đây, trước nhiều ý kiến bức xúc của doanh nghiệp trong cuộc họp về du lịch tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có đưa ra ý kiến là đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm văn bản trình Thủ tướng xin lùi thời hạn tăng lệ phí thị thực thêm sáu tháng hoặc một năm. Phó Thủ tướng cũng đồng ý là việc bỏ thị thực cho du khách từ 7 thị trường trên đã có tác động tốt với ngành du lịch, việc gì tốt thì không nên thay đổi. Hai ý kiến của Phó Thủ tướng đưa ra trong cuộc họp chính thức đã làm chúng tôi hy vọng, mong rằng sẽ có những thay đổi thông thoáng để doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã thu hút gần 6,04 triệu lượt khách quốc tế trong 11 tháng của năm 2012. Ngành du lịch hy vọng sẽ đón được 6,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong cả năm nay, tăng 11% so với năm 2011. |
Đào Loan
TBKTSG
|