Năng lực sản xuất của Việt Nam được dự báo vào top 10 thế giới
Trong vòng 5 năm tới, xếp hạng về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất của Thái Lan có thể giảm từ vị trí thứ 11 xuống vị trí thứ 15, sau Việt Nam.
Nhiều nhà sản xuất đang chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận có chi phí rẻ hơn như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.
|
Trong khi đó, Việt Nam được nhận định sẽ lọt vào top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới về sản xuất, theo một báo cáo do hãng kiểm toán Delotte Touche Tohmatsu vừa công bố.
Báo cáo trên cho biết, 5 năm nữa, Trung Quốc vẫn sẽ giữ được ngôi vị nước có năng lực cạnh tranh về sản xuất số 1 thế giới, nhưng khu vực Đông Nam Á sẽ nổi lên thành một điểm sáng mới. Trong đó, Indonesia được dự báo sẽ chiếm vị trí thứ nhì thế giới trên phương diện này.
Theo ông Nualjai Kittisrisomboon, trưởng bộ phận nghiên cứu về lĩnh vực sản xuất của Deloitte tại Đông Nam Á, báo cáo “Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành sản xuất toàn cầu 2013” do hãng kiểm toán này thực hiện cho thấy, các quốc gia ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam hiện đều nằm trong top 20 quốc gia có năng lực sản xuất cạnh tranh nhất. Trong đó, Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 18.
Báo cáo cũng nhận định, 5 quốc gia này có khả năng sẽ thăng hạng cao hơn trong 5 năm tới, đặc biệt là Indonesia và Việt Nam, hoặc chí ít cũng sẽ duy trì được vị trí hiện tại.
Indonesia, quốc gia đứng ở vị trí thứ 17 trong năm nay, có thể tiến lên vị trí thứ 11. Ấn Độ được dự báo sẽ chiếm vị trí thứ 2 từ vị trí số 4 hiện nay. Việt Nam được nhận định sẽ thăng hạng từ số 18 hiện tại lên vị trí thứ 10.
Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang là những địa chỉ sản xuất hàng đầu thế giới, trên thực tế, các nhà sản xuất đã dịch chuyển sang các thị trường nhỏ hơn cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi phân phối. Điều này thể hiện rõ qua việc nhiều nhà sản xuất đang chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận có chi phí rẻ hơn như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.
Báo cáo của Deloitte nhận định, những “công xưởng” sản xuất của thế kỷ 20 như Mỹ, Đức và Nhật Bản sẽ gặp thách thức trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh trước những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Theo dự báo được đưa ra, trong 5 năm tới, nước Mỹ sẽ tụt hạng về vị trí thứ 5 từ vị trí thứ 3, Hàn Quốc sẽ rớt về vị trí thứ 6 từ vị trí thứ 5 hiện tại. Nước Đức có khả năng sẽ không duy trì được vị trí số 2 hiện tại và lùi xuống vị trí số 4 sau Brazil, quốc gia sẽ nhảy lên vị trí thứ 3. Nhật Bản được cho là sẽ lùi từ vị trí số 10 hiện nay xuống vị trí thứ 12.
Báo cáo khẳng định, sự sa sút về năng lực cạnh tranh ngành sản xuất của các quốc gia châu Âu sẽ mở ra nhiều cơ hội cho châu Á. Đây là báo cáo được thực hiện trên cơ sở phân tích chuyên sâu kết quả khảo sát từ hơn 550 giám đốc điều hành (CEO) và lãnh đạo cấp cao của các công ty sản xuất toàn cầu.
An Huy
tbktvn
|