Doanh nghiệp phập phồng lo hàng Tết
Bước vào mùa chuẩn bị hàng phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, nhưng cả doanh nghiệp sản xuất lẫn đơn vị phân phối vẫn chần chừ, thận trọng trước sự thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng, cùng nỗi lo lắng hàng tồn.
Từ dự đoán sức mua Tết Quý Tỵ 2013 chỉ tăng khoảng 5 - 10%, nhiều doanh nghiệp đã giảm lượng hàng chuẩn bị; chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu có giá cả phù hợp, đồng thời, tổ chức tốt việc phân phối và hạn chế hàng tồn kho.
Thực phẩm giữ giá, chống tồn kho
Khác với những năm trước, khi dịp Tết chính là thời điểm “hốt bạc”, “làm một vụ, ăn cả năm”, thì năm nay nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lớn vừa chuẩn bị hàng Tết vừa tìm cách giải phóng lượng hàng tồn kho hiện có.
Điển hình là Công ty Vissan hiện tồn kho khoảng 3.000 tấn thịt heo, 200 tấn thịt trâu, bò nguyên liệu, 670 tấn thực phẩm chế biến, với tổng trị giá tồn kho ước khoảng 400 tỷ đồng. Vì vậy, mùa tiêu dùng Tết năm nay Vissan vẫn chuẩn bị đầy đủ, nhưng chắc chắn người dân sẽ không mua nhiều, doanh số “chỉ mong tăng khoảng 2% so với năm trước”. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Saigon Food, nêu thực tế hiện nhiều doanh nghiệp thực phẩm đang phải đẩy mạnh khuyến mãi, giảm giá để tiêu thụ hàng tồn kho. Nhưng hiệu quả ngày càng hạn chế do doanh nghiệp nào cũng khuyến mãi, thậm chí đến 50%, nếu không, sản lượng tiêu thụ hàng tháng của các công ty có thể giảm đến 40%.
Do đó, nhiều doanh nghiệp phải tính đến phương án an toàn, không dám mạo hiểm chuẩn bị nhiều hàng Tết hay tăng giá dù chi phí đầu vào tăng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn giữ nguyên kế hoạch sản xuất bình thường, dù vẫn cam kết không để thiếu hàng nếu nhu Bản thân Saigon Food chỉ chuẩn bị lượng hàng Tết tương đương năm ngoái (khoảng 500 tấn) và chuẩn bị thêm 200 tấn nguyên liệu bán thành phẩm, nếu thị trường cần thì đóng gói nhanh chứ không làm sẵn để tránh tồn kho.
Cách làm trên cũng được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp thực phẩm nhằm tránh tình trạng bị động, cũng như nguy cơ tồn kho.
Nhóm hàng bánh kẹo được đánh giá là có phần khởi sắc hơn, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ dám kỳ vọng sức mua vào... giờ chót.
Ông Trần Quốc Hoàng, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica, cho biết chỉ dám tăng sản lượng sản xuất lên 10% so với năm trước, lượng bánh kẹo mà Bibica chuẩn bị cho Tết năm nay ước khoảng 5 triệu hộp, tương ứng 150 tỷ đồng tiền hàng. Công ty Kinh Đô chuẩn bị khoảng 3.800 tấn bánh kẹo các loại.
Theo khảo sát của Bibica cho thấy, điểm sáng duy nhất của năm nay là, hầu như các mặt hàng Trung Quốc đều bị từ chối tại các chợ truyền thống. Bởi vậy đây sẽ là cơ hội tốt cho những doanh nghiệpViệt Nam đưa hàng vào chợ. Dù vậy, Bibica cũng sẽ không sản xuất hàng loạt mà đưa hàng ra thị trường từng đợt, tùy theo sức mua mà điều chỉnh kế hoạch để hạn chế tồn kho.
Không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà tình hình chuẩn bị hàng Tết tại các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chưa có dấu hiệu sôi động. Nguyên nhân là do sức mua hiện vẫn ở mức bình thường, thậm chí có mặt hàng còn giảm, cộng với tình hình giá cả đầu vào cao khiến giá sản phẩm tăng khiến tiểu thương không dám trữ hàng nhiều như mọi năm. Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp đã tập trung mở rộng kênh phân phối trực tiếp cho người tiêu dùng để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm.
Siêu thị mạnh tay khuyến mãi
Trong khi nhà sản xuất đang cắt giảm đầu tư thì các doanh nghiệp bán lẻ lại đẩy mạnh triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng sớm cho dịp Tết, đồng thời, đẩy mạnh cung cấp ra thị trường các sản phẩm mang nhãn hàng riêng, rẻ hơn từ 10 - 30% so với các hàng hóa cùng loại.
Đến thời điểm này, những nhà bán lẻ lớn như Sài Gòn Co.op, Big C, Hapro... đã hoàn tất công tác chuẩn bị phục vụ dịp Tết.
Tổng lượng hàng hóa Saigon Co.op dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết Quý Tỵ 2013 là 38.000 tấn, tăng khoảng 25% so với Tết Nhâm Thìn 2012.
Hệ thống siêu thị Big C dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết năm nay tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có hơn 250 tấn mứt, kẹo, khoảng 600 tấn thịt nguội, 1.000 tấn rau củ quả.
Còn Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) dự tính tổng lượng dự trữ hàng hóa, dịch vụ dịp Tết Quý Tỵ 2013 khoảng 996 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012. Hapro sẽ khai thác và dự trữ, tổ chức phục vụ hàng hóa với 10 nhóm hàng thiết yếu, góp phần ổn định giá cả thị trường gồm: 1.200 tấn gạo, 690 tấn thịt, 2.700 tấn thực phẩm chế biến, 1.000 tấn rau củ quả... Các chủng loại hàng hóa, dịch vụ của Hapro tập trung vào các sản phẩm chính: lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, bánh kẹo, ăn uống giải khát, quà tặng, đồ gia dụng, thời trang, điện máy...
Trước những lo ngại về nhu cầu tiêu dùng sẽ không được như kỳ vọng, ngay tại thời điểm này, các siêu thị đưa ra các chương trình kích cầu tiêu dùng cho dịp Tết. Ngay từ giữa tháng 11 đến cận Tết Quý Tỵ 2013, hệ thống siêu thị BigC dự kiến tung ra 9 chương trình khuyến mãi với hơn 3.000 mặt hàng có giá giảm từ 5 - 50%.
Với Saigon Co.op, cùng với việc thực hiện chương trình bình ổn giá, giữ giá ổn định các mặt hàng thiết yếu, dự kiến sẽ cùng với một số nhà cung cấp tham gia giảm giá thêm một số mặt hàng với mức giảm từ 10 - 50%.
Bên cạnh đảm bảo cung ứng hàng Tết đầy đủ, thì các địa phương cũng như doanh nghiệp đã tích cực triển khai hàng bình ổn thị trường.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho biết, đã có 43/63 tỉnh, thành phố gửi báo cáo triển khai chương trình bình ổn thị trường cuối năm, trong đó, có 21 sở Công Thương bắt đầu triển khai với tổng kinh phí trên 1.176 tỷ đồng.
Ngoài việc cung ứng nguồn hàng tham gia chương trình, nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia, tự bỏ vốn, không nhận kinh phí hỗ trợ nhằm tận dụng tối đa các kênh phân phối cố định và lưu động để tiếp cận được đến vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp tập trung. Điều này sẽ giúp các đối tượng thực sự cần hàng bình ổn giá sẽ được tiếp cận nhiều hơn với hàng bình ổn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đồng thời, cũng giúp doanh tiêu thụ được lượng hàng lớn và tạo đà cho sản xuất năm sau.
Phương Nguyên
Chính phủ
|