Thứ Bảy, 15/12/2012 16:00

Không thể ngồi nhìn đổ vỡ

Nguồn vốn của nhà nước, tài sản của nhà nước (thực tế là tài sản của nhân dân) trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được sử dụng kém hiệu quả, nhiều năm qua. Nhưng đây không chỉ còn là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà mang ý nghĩa sống còn của cả nền kinh tế.

Trong năm 2011, 5 tập đoàn, TCty có lỗ hợp nhất là 5.823 tỉ đồng. Trong đó, EVN lỗ 2.589 tỉ đồng, PVN lỗ 2.390 tỉ đồng...

Với khoảng 3,5 triệu tỉ đồng, chiếm 1/3 tổng vốn kinh doanh của các DN trong cả nước, nguồn vốn do các DNNN kinh doanh không hiệu quả thì đất nước sẽ đi về đâu? Đến đâu? Câu chuyện này không giải quyết được sẽ có đổ vỡ lớn… Đây là nhận xét của một số chuyên gia khi góp ý vào dự án tách chức năng sở hữu DNNN với chức năng quản lý hành chính nhà nước nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

20 năm vẫn ì ạch

Vấn đề sắp xếp, đổi mới DNNN đã được đặt ra từ những ngày đầu đổi mới nhưng đến nay nhìn lại thì làm chẳng được là bao. TS Lê Xuân Bá – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, từ năm 1994, cố Thủ tướng Nguyễn Văn Kiệt đã từng nói, cần phải tách bộ chủ quản ra khỏi các DNNN. Vậy mà đến nay, dường như công việc lại bắt đầu lại từ đầu. Đây cũng là một trong những lý do, Chính phủ đang giao cho CIEM thực hiện những báo cáo cũng như đề xuất phương án “Đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại DN”.

Tuy nhiên, muốn cải thiện được chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN thì cần phải làm rõ vấn đề này bị “hỏng” từ đâu? Nguyên nhân nào khiến nó không thể cải thiện được trong nhiều năm qua? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên đặt vấn đề nào là “nhạy cảm” để né tránh. Nếu cứ cố né tránh, không dám đi thẳng vào những sai sót thì chẳng thể giải quyết được gì.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, DNNN lâu nay vẫn được hưởng quá nhiều thiên vị, ưu đãi, đặc quyền. Một cơ chế xin - cho hay nói cách khác là xin - chia tồn tại quá lâu, làm xấu đi các quan hệ của kinh tế thị trường.

Đổi mới mô hình thực hiện chức năng chủ sử hữu phần vốn và tài sản trong DNNN là những vấn đề đã nói từ nhiều năm nay nhưng hầu như chỉ loanh quanh việc ai sẽ nắm quyền này. Nếu muốn đổi mới cần chú trọng những mục tiêu quan trọng khác nữa như: tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước và các DNNN đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước giao cho các DNNN sử dụng. Người đại diện phần vốn cũng như người quản lý, điều hành DNNN phải có trách nhiệm phát triển đồng vốn đó. Đồng thời, chúng ta phải xây dựng một cơ chế đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ đề những tài sản đó được sử dụng hiệu quả nhất vì lợi ích chung của cả nền kinh tế.

Có thay đổi, đổi mới đến đâu mà con người không thay đổi thì cũng khó giải quyết được vấn đề. Ông Hà Minh Hoạt – đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, thời gian qua, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về khu vực DNNN đã được ban hành xong đều không đạt hiệu quả gì đáng kể. Cứ nói là cần tách bạch quản lý nhà nước ra khỏi chức năng sở hữu vốn và tài sản DNNN, nhưng thực tế thì các Luật DN, Luật Đầu tư…đã tách khá rõ chức năng này khỏi quản trị DN. Vậy, tại sao vẫn thất thoát, vẫn kém hiệu quả? Lỗi chính là ở con người.

Giải pháp từ những kinh nghiệm

Ông Bá cho rằng, việc làm đầu tiên và cũng mang tính giải pháp căn cơ là thu hẹp mô hình DNNN. Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra, khu vực DNNN kinh doanh không ở đâu tốt cả. DNNN chỉ nên làm những việc mang tính công ích, kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ dân doanh không làm. Từ đóng góp gần 30% GDP như hiện nay, DNNN chỉ nên rút xuống còn khoảng 5% là hợp lý. Việc tách chức năng Bộ quản lý ra khỏi các DNNN cũng khó có thể làm ngay được, đặt mục tiêu 5 năm đã là quá tốt rồi.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, VN hoàn toàn có thể học hỏi và có được lợi thế của người đi sau. Ví dụ mô hình Trung Quốc thành lập Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước. Mô hình của Singapore thành lập Tập đoàn Temasek đầu mối quản lý vốn nhà nước. Tập đoàn này được giao quyền chủ động hoạt động, đầu tư phát triển. VN cũng đã thành lập SCIC theo mô hình này những chưa hiệu quả. Kinh nghiệm của Indonesia là thành lập Bộ DNNN… Tuy nhiên, không phải mô hình nào của các quốc gia đi trước cũng có thể áp dụng ngay vào VN.

Thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Bùi Văn Dũng - Trưởng ban cải cách và phát triển DN đã đưa ra 4 mô hình sở hữu VN có thể áp dụng. Mô hình 1 là thành lập cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước thuộc Chính phủ. Đây là một cơ quan không thực hiện chức năng quản lý các phần vốn như cơ quan quản lý nhà nước khác. Cơ quan này sẽ được tổ chức dưới hình thức các ủy ban quản lý, giám sát DNNN.

Tất cả các quốc gia trên thế giới đều phát huy hiệu quả của DNNN nhờ xây dựng tốt cơ chế giám sát cộng đồng.

Mô hình 2 không thực hiện quyền chủ sở hữu tại Trung ương mà thành lập các cục, vụ ở các bộ. Mô hình 3 là Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN thông qua TCty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước như của Singapore. Mô hình 4 là Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước và phân công, phân cấp cho Thủ tướng, Bộ, UBND cấp tỉnh.

Theo quan điểm của CIEM mô hình 1 là ưu việt nhất và đề nghị Chính phủ áp dụng mô hình này. Trước tiên cho thành lập một UB quản lý, giám sát DNNN tại trung ương. Mỗi tỉnh có thể thành lập một bộ phận thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Tiếp đến chuyển giao quyền chủ sở hữu nhà nước cho UB này và TCty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.

Mặc dù, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về các mô hình sở hữu nhà nước tại các DNNN. Tuy nhiên, các chuyên gia đều thống nhất những điểm cơ bản như: Trước tiên cần phân tích và làm rõ tính cấp bách của việc phải tái cơ cấu khu vực DNNN. Vì đây là khu vực có sức cạnh tranh yếu nên cần giảm nhanh sở hữu nhà nước tại DNNN. Lĩnh vực nào DN dân doanh làm được thì chuyển giao cho thị trường. Đồng thời, phải xóa bỏ ngay những ưu đãi, đặc quyền của khu vực DNNN.

Cho dù có áp dụng mô hình nào thì, việc xây dựng một cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ cũng đều phải là ưu tiên hàng đầu. Cùng với việc tập trung về một đầu mối thực hiện chức năng sở hữu nhà nước tại các DNNN, cần công khai minh bạch thông tin của cơ quan này cũng như những người trực tiếp quản lý, điều hành DNNN để cộng đồng xã hội giám sát. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều phát huy hiệu quả của DNNN nhờ xây dựng tốt cơ chế giám sát cộng đồng.

“Tay không nên làm việc của chân”

PGS TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho rằng, tài sản nhà nước, DNNN phải được sử dụng đúng chức năng mà nền kinh tế thị trường quy định.

Theo ông Thiên, trong kinh tế thị trường, mỗi khu vực DN thực hiện một chức năng như những bộ phận của một cơ thể. Nếu khu vực nào được giao quá nhiều nhiệm vụ thì nó sẽ không thể hoàn thành.

- Như vậy, DNNN sẽ thực hiện nhiệm vụ nào, thưa ông?

Các nền kinh tế thị trường đều có DNNN. Tuy nhiên, DNNN chỉ làm những việc công ích, sản xuất kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu quan trọng của nền kinh tế mà các khu vực khác không làm. Có nghĩa là nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực buộc phải có, còn lĩnh vực mà các khu vực DN khác làm được thì không cần nắm giữ.

Nếu đánh giá về năng lực cạnh tranh của DNNN thì ở các quốc gia hầu như đều yếu nên họ chỉ rút lại đầu tư ở khu vực này trong một giới hạn rất nhỏ. Nhà nước hầu như không kinh doanh mà chỉ làm việc quản lý về hành chính. Nhà nước sẽ tạo hành lang, tạo cơ chế cho người dân kinh doanh phát triển kinh tế.

- Vậy còn việc phân tách rõ chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng sở hữu vốn và tài sản tại các DNNN cũng phù hợp với xu thế này, thưa ông?

Ở VN đang có tình trạng chỗ cần nhà nước thì ít thấy, chỗ không cần thì lại quá nhiều. Đây không phải là “lỗi vận hành” mà là “sai thiết kế”. Một người đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ, kiêm nhiệm đủ thứ thì không làm việc gì tốt được cả. Quản lý nhà nước và chức năng sở hữu nhà nước là hai nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau.

Từ cơ quan quản lý nhà nước đến DN nên chuyên sâu và một thứ cho thật tốt. Chính vì vậy, cần nhanh chóng thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN. Nếu chưa làm được việc này thì khó mà xác lập được mô hình sở hữu hay nói cách khác là chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DNNN. Tuy nhiên, vấn đề gốc dễ là nhóm lợi ích và xung đột lợi ích phải xử lý được thì mới làm được những việc trên.

- Tách bạch và làm rõ từng nhiệm vụ cụ thể của mỗi thành phần liệu đã đủ chưa, thưa ông?

Một việc khác cũng vô cùng quan trọng là có cơ chế giám sát thật tốt, đặc biệt những mô hình sở hữu độc lập. Cần có một cơ chế thưởng phạt đối với những người đại diện sở hữu và người điều hành, sử dụng (kinh doanh) vốn nhà nước. Không thể có chuyện đồng vốn của nhà nước (thực tế là của người dân) được sử dụng kém hiệu quả, người đại diện vốn và người điều hành kinh doanh vẫn lương cao.Công khai minh bạch và có sự tham gia giám sát của cả xã hội là một trong những việc làm cần phải lưu ý hàng đầu. Người dân là chủ của những tài sản, nguồn vốn đó thì họ phải có quyền được giám sát, được biết người ta sử dụng nó ra sao.

- Xin cảm ơn ông!

4 mô hình sở hữu VN có thể áp dụng:

* Mô hình 1 là thành lập cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước thuộc Chính phủ. Đây là một cơ quan không thực hiện chức năng quản lý các phần vốn như cơ quan quản lý nhà nước khác. Cơ quan này sẽ được tổ chức dưới hình thức các Ủy ban quản lý, giám sát DNNN.

* Mô hình 2 không thực hiện quyền chủ sở hữu tại trung ương mà thành lập các cục, vụ ở các bộ.

* Mô hình 3 là Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN thông qua TCty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước như của Singapore.

* Mô hình 4 là Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước và phân công, phân cấp cho Thủ tướng, Bộ, UBND cấp tỉnh.

 

Bá Tú

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp lao đao vì bị nợ dây dưa (15/12/2012)

>   Xuất khẩu nông sản: Chỉ có tiếng (15/12/2012)

>   Hơn 3.654 tỷ đồng xây dựng thủy điện Sông Bung 2 (14/12/2012)

>   Hơn 457 nghìn doanh nghiệp được miễn, giảm, gia hạn thuế (14/12/2012)

>   Thành phố Hồ Chí Minh 'rẻ' nhất Đông Nam Á (14/12/2012)

>   Nên độc lập trong thẩm định, xác định giá đất (14/12/2012)

>   Đề xuất Thủ tướng đứng đầu Ủy ban quản lý DNNN (14/12/2012)

>   Ông Đinh La Thăng làm chủ tài khoản Quỹ bảo trì đường bộ (14/12/2012)

>   Giải thể doanh nghiệp: Bình thường hay bất thường? (14/12/2012)

>   Vẫn tắc cơ chế thoái vốn của cổ đông Nhà nước (14/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật