Thứ Sáu, 14/12/2012 16:45

Đề xuất Thủ tướng đứng đầu Ủy ban quản lý DNNN

Để tạo đột phá trong nâng cao hiệu quả quản lý DNNN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đề xuất nên thành lập Ủy ban quản lý, giám sát DNNN do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng đứng đầu.

Bước đột phá

Trong khuôn khổ Dự án “Tách chức năng chủ sở hữu DNNN với chức năng quản lý hành chính nhà nước, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện cam kết WTO”, CIEM vừa tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại DN”, với nhiều nội dung đáng chú ý. Một trong số đó là đề xuất thành lập Ủy ban quản lý, giám sát DNNN thuộc Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ hoặc một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch Ủy ban làm việc chuyên trách có chức danh tương đương Bộ trưởng…

Là một trong những tác giả của Báo cáo, ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và phát triển DN (CIEM) cho hay, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cũng như tính đến thực tiễn tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu nhận thấy có ít nhất 4 mô hình quản lý DNNN có thể áp dụng. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các ưu, nhược điểm của từng mô hình, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn phương án thành lập Ủy ban quản lý, giám sát DNNN. Cơ quan này có bộ máy chuyên môn, nghiệp vụ làm việc chuyên trách, thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước. Ủy ban được quyền thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá hoạt động DNNN, để thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Ủy ban trong việc đánh giá hoạt động của DNNN. Hội đồng gồm các chuyên gia tư vấn độc lập, nhà khoa học am hiểu sâu, rộng về các lĩnh vực hoạt động của DNNN.

Cùng với việc thành lập Ủy ban, ở cấp tỉnh có thể giao cho một Sở hoặc thành lập một bộ phận giúp UBND các tỉnh thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trực thuộc. Riêng Hà Nội và TP. HCM, do số lượng DNNN trực thuộc khá lớn, nên cần thành lập Ban Quản lý, giám sát DNNN trực thuộc UBND Thành phố, để thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước.

“Nếu mô hình trên được triển khai, sẽ tạo bước độ phá trong tách chức năng chủ sở hữu DNNN với chức năng quản lý hành chính nhà nước, bởi Ủy ban thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước, không phải là cơ quan hành chính nhà nước và không thực hiện chức năng quản lý nhà nước như các cơ quan hành chính nhà nước khác...”, ông Dũng nhìn nhận.

Cần tính toán kỹ lưỡng

Ý kiến của các chuyên gia cho rằng, tách chức năng chủ sở hữu DNNN với chức năng quản lý hành chính nhà nước lẽ ra phải được làm từ lâu, nhằm khắc phục nhiều hạn chế trong quản lý, giám sát DNNN tồn tại suốt thời gian dài. Qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu tại DNNN. Để đạt mục tiêu này, việc thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát DNNN là cần thiết. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng để tránh tình trạng phình thêm biên chế, nhưng hiệu quả không như mong đợi.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cảnh báo, việc thành lập Ủy ban giám sát và quản lý tài sản DNNN theo kinh nghiệm của Trung Quốc, cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong đó, cần làm rõ nguyên tắc vận hành, cấu trúc tổ chức và các điều kiện đảm bảo cho Ủy ban vận hành hiệu quả. Từ kinh nghiệm hoạt động của các ủy ban quốc gia ở nước ta cho thấy, sự liên kết kiểu “mặt trận” có tính liên bộ, liên ngành, không chịu trách nhiệm cụ thể; các nhân sự làm việc kiêm nhiệm nên thiếu chuyên môn, không chuyên nghiệp... thường kém hiệu quả.

Theo TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng CIEM, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, CIEM sẽ hoàn chỉnh Đề án đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại DN, để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt... Ngoài ra, để có cơ sở khoa học và thực tiễn sâu sắc hơn cho kiến nghị thành lập một đầu mối quản lý, giám sát DNNN, trong năm 2013, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách quản lý DNNN.

Theo CIEM, hiện cả nước có gần 1.900 DN có cổ phần nhà nước, chiếm trên 50% tổng số cổ phần phổ thông phát hành tại thời điểm cổ phần hóa. Có 573 DN 100% vốn nhà nước đang trong quá trình chuyển đổi sang công ty cổ phần. Đến đầu năm 2011, tổng vốn kinh doanh của DNNN là 3.492.601 tỷ đồng, chiếm 32,66% tổng vốn kinh doanh của các DN trong cả nước.

Hữu Đạo

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Ông Đinh La Thăng làm chủ tài khoản Quỹ bảo trì đường bộ (14/12/2012)

>   Giải thể doanh nghiệp: Bình thường hay bất thường? (14/12/2012)

>   Vẫn tắc cơ chế thoái vốn của cổ đông Nhà nước (14/12/2012)

>   Nguy cơ phá sản hàng loạt doanh nghiệp vận tải (14/12/2012)

>   Đã có “cây gậy” chống chuyển giá (14/12/2012)

>   Vỡ mộng FDI cảng biển nước sâu phía Nam (14/12/2012)

>   Điểm mặt những ‘ông lớn’ bị tố ‘làm nghèo’ đất nước (14/12/2012)

>   Chống chuyển giá, phải mạnh tay (13/12/2012)

>   Lựa chọn nhà thầu khai thác các bến cảng Cái Mép và Thị Vải (13/12/2012)

>   Hàn Quốc đứng thứ hai về đầu tư vào Việt Nam (13/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật