Thứ Bảy, 15/12/2012 14:45

Doanh nghiệp lao đao vì bị nợ dây dưa

Kinh tế suy thoái, nguồn vốn ngân hàng thắt chặt, đối tác cù nhầy chậm thanh toán khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Công trình dự án ở Hoài Đức, Hà Tây bỏ hoang.

Treo lương vì bị nợ

Chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ tiền mua điện kéo dài của Vinacomin và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được báo chí nhắc nhiều trong thời gian qua nhưng doanh nghiệp (DN) thấm đòn ra sao khi bị nợ tiền mua điện, mua khí đến 14.000 tỷ đồng (tính đến tháng 10 vừa qua) chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Trả lời PV Tiền Phong, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho biết, EVN đã làm việc về số nợ trên theo hướng trả dần để đảm bảo hiệu quả sản xuất cho Tổng công ty Điện lực dầu khí vì đơn vị này cũng phải đi vay vốn của ngân hàng.

“Nợ của ngành điện đã gây nên nợ dây chuyền giữa các đơn vị thuộc PVN, làm cho bức tranh kinh tế của không ít các đơn vị thuộc PVN bị méo mó, ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa các Cty” - ông Thực nói.

Thị trường bất động sản trầm lắng từ giữa năm 2011 đến nay kéo theo nhiều doanh nghiệp xây dựng khác lao đao. Tổng Công ty Sông Đà cho biết, DN đang bị các đơn vị, đối tác nợ hàng nghìn tỷ đồng tiền thi công các công trình, chưa biết đến bao giờ được thanh toán.

Việc ít, nguồn thu giảm trong khi chi phí tăng nên khi đối tác chậm thanh toán, DN phải vay tiền ngân hàng với lãi suất cao để trả lương người lao động, thanh toán cho các đối tác, nhà thầu phụ khác để giữ uy tín.

“Làm mạnh tay, ráo riết đòi nợ hoặc kiện đối tác ra tòa không phải ý tưởng hay trong bối cảnh hiện nay. Họ đều là các đối tác lâu năm nên cũng khó xử lý - vị này chia sẻ.

Nguy hiểm nợ dây dưa

“Đối tác nợ tiền, chậm thanh toán từ cuối năm 2011 đến nay. Nhiều đối tác nợ cả chục tỷ đồng nhưng do gặp khó khăn, họ khất lần liên tục vì cũng bị DN khác nợ tiền. Đối tác chậm thanh toán khiến công ty phải nợ lương nhân viên, vài tháng mới tạm ứng một lần. Công ty phải lập tổ chuyên đi giục nợ các đối tác nhưng tình hình không mấy khả quan” - anh Khánh, Trưởng phòng Kỹ thuật một DN có trụ sở ở Thanh Xuân, Hà Nội kể.

Dù không gặp khó khăn về tài chính nhưng có trường hợp chủ đầu tư hành nhà thầu bằng cách gây khó dễ, kéo dài thời gian làm thủ tục thanh toán, thậm chí làm thất lạc hồ sơ, giấy tờ của nhà thầu.

Mới đây nhất, chịu không thấu việc bị chủ đầu tư hành, Công ty Vinaconex1 phải gửi đơn tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội “tố” việc bị Ban quản lý dự án của Sở Y tế Hà Nội làm khó, chây ỳ không chịu hoàn tất việc quyết toán dự án tòa nhà nghiệp vụ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội dù tòa nhà này đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 2-2011, thậm chí hết cả thời gian bảo hành.

Trong công văn gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội ngày 16-7-2012, lãnh đạo Vinaconex 1 phải gay gắt: Năng lực yếu kém của Ban QLDA Sở Y tế, sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo và một số cán bộ thừa hành khiến đến nay việc quyết toán số tiền hơn 800 triệu đồng vẫn chưa thể hoàn tất.

Chính việc nhiều lần điều chỉnh, bổ sung và chậm trễ trong thanh toán mà công trình bị đội giá lên hơn 5 tỷ đồng.

Sau khi bị “tố”, ngày 16-8-2012, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Văn Yên đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện UBND TP, các sở, ngành và đơn vị liên quan cam kết sẽ thanh toán các khoản tiền nợ trong thời gian sớm nhất do số tiền còn lại chưa thanh toán “không hề lớn”.

Thế nhưng đến nay đã qua hơn 2 tháng, mọi việc vẫn chưa thể hoàn thành. Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Nguyễn Văn Yên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ cho kiểm tra lại việc thanh toán cho nhà thầu trong thời gian sớm nhất vì trong thực tế việc thanh toán đã được hoàn thiện gần xong, chỉ còn hơn 250 triệu đồng.

Về việc DN bị nợ kéo dài, ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội cho rằng, với DN trong bối cảnh hiện nay, đối với DN, bị nợ lớn, không thu hồi được còn nguy hiểm hơn là bị hàng tồn kho cao, khó khăn không kể xiết.

Theo ông Vương, số nợ xấu mà DN đang nợ ngân hàng thì còn thống kê được nhưng số nợ xấu mà DN nợ DN, các công trình nhà nước còn nợ DN thì rất khó thống kê.

“Vướng mắc về pháp lý và thủ tục khiến cho các khoản nợ này ngày một phình to ra và không có cách giải quyết dứt điểm, DN làm ăn chân chính rơi vào tình trạng hụt hơi mà không được bảo vệ một cách thực thụ vì khó có thể đòi được nợ thông qua việc kiện ra tòa án”, ông nói.

Phạm Tuyên

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu nông sản: Chỉ có tiếng (15/12/2012)

>   Hơn 3.654 tỷ đồng xây dựng thủy điện Sông Bung 2 (14/12/2012)

>   Hơn 457 nghìn doanh nghiệp được miễn, giảm, gia hạn thuế (14/12/2012)

>   Thành phố Hồ Chí Minh 'rẻ' nhất Đông Nam Á (14/12/2012)

>   Nên độc lập trong thẩm định, xác định giá đất (14/12/2012)

>   Đề xuất Thủ tướng đứng đầu Ủy ban quản lý DNNN (14/12/2012)

>   Ông Đinh La Thăng làm chủ tài khoản Quỹ bảo trì đường bộ (14/12/2012)

>   Giải thể doanh nghiệp: Bình thường hay bất thường? (14/12/2012)

>   Vẫn tắc cơ chế thoái vốn của cổ đông Nhà nước (14/12/2012)

>   Nguy cơ phá sản hàng loạt doanh nghiệp vận tải (14/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật