Thứ Bảy, 15/12/2012 09:50

Xuất khẩu nông sản: Chỉ có tiếng

Các ngành hàng xuất khẩu như gạo, điều, tiêu công bố giữ vị trí đầu thị trường thế giới nhưng chỉ là về sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm lại không cao.

Đánh giá bức tranh xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2012, GS Võ Tòng Xuân cho rằng các kết quả đạt được của ngành tiếp tục cho thấy rõ sự phát triển thiếu bền vững mà trong đó, chịu thiệt nhất vẫn là người nông dân.

DN chưa làm hết vai trò chủ đạo

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn nhận định của mình về kết quả lĩnh vực xuất khẩu nông nghiệp năm nay?

GS Võ Tòng Xuân: Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp (DN) phá sản, hàng hóa ứ đọng, lạm phát tiếp diễn, ngân sách không đủ chi… thì nông nghiệp vẫn đứng vững, sản xuất ổn định, bảo đảm cái ăn cho người dân và có dư để xuất khẩu. Như vậy, khu vực nông nghiệp đã cứu vãn phần nào sự trì trệ của nền kinh tế. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu phần lớn ở dạng nguyên liệu thô, giá trị gia tăng không bao nhiêu. Kim ngạch thu về lại thấp nên thu nhập của nông dân quá thấp. Nhà nước và các DN xuất khẩu chưa làm hết vai trò chủ đạo của mình, đã để cho nông dân sản xuất tự phát.

Việc ngành hàng xuất khẩu có sản lượng đứng số một thế giới mà giá trị chỉ đứng thứ ba, thứ tư, thậm chí giảm mạnh so với mọi năm nói lên điều gì?

Tôi nêu một thí dụ để thấy cách làm của Việt Nam chỉ “có tiếng mà không có miếng”, mà suy cho cùng mới thấy ta không khôn ngoan như Thái Lan. Gạo xuất nhiều nhưng giá thấp chỉ để cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ đã làm thiệt hại nhiều cho nông dân trồng lúa nước ta. Đáng lẽ Việt Nam phải cùng Thái Lan tính toán để nâng mặt bằng giá gạo cho nông dân thu lợi cao hơn (như Nhật Bản đã từng làm từ năm 1961) thì ta đã bỏ lỡ cơ hội này. Thêm vào đó, vì phần lớn nông dân ta sản xuất tự phát, theo kinh nghiệm lâu đời nên chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó giá bán không cao được.

Nhà nước đang để mặc cho nông dân tự bơi trong một thị trường đông đặc mọi loại thương lái.

Vậy nguyên nhân giá trị xuất khẩu nông sản giảm là do chất lượng?

Chất lượng hàng xuất khẩu ít khi được các lãnh đạo DN chú ý. Ngay như mặt hàng gạo, hiếm có DN nào đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn nông dân trồng lúa đúng quy trình kỹ thuật cao để có loại gạo nguyên liệu tối hảo có thể xuất khẩu. Các DN chỉ xuất hàng thô hoặc hàng chế biến chất lượng kém thì giá phải thấp.

Mặt hàng cà phê là một ví dụ khác cho thấy sự yếu kém của DN nước ta. Họ thu mua hạt cà phê đã được thu hoạch hỗn tạp với nhiều cỡ hạt, đem khâu bóc vỏ, sấy khô rồi xuất khẩu thô không qua tuyển lựa… thì chỉ bán được giá thấp mà thôi. Công ty cà phê Singapore mua hạt cà phê như thế của mình đem về bên ấy, họ chỉ cần làm sạch, phân loại rồi đóng gói xuất đi, giá trị đã tăng gấp 2-3 lần.

Cần chiến lược vì nông dân

Trong tình hình kinh tế khó khăn mà các ngành hàng xuất khẩu nông nghiệp vẫn có thể tăng trưởng. Đó là do nỗ lực của bản thân DN hay do sự chỉ đạo điều hành tốt?

Chủ yếu nhờ nông dân ta. Sản xuất nông nghiệp, nhất là ở các tỉnh miền Nam phần lớn do sự tự phát của hàng triệu nông dân cần cù, sáng tạo. Nhà nước từ trung ương đến địa phương có quy hoạch vùng sản xuất, chỉ đạo sản xuất nhưng chỉ đến thế thôi! Không có sự ràng buộc nào cho nông dân phải theo đúng quy hoạch, không có sự bảo đảm nào cho tiêu thụ hàng hóa mà Nhà nước đã chỉ đạo sản xuất, hiếm có sự kiểm tra về quy trình sản xuất để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc bảo đảm cho mọi thứ như phân bón, nông dược không bị làm giả khiến mùa màng thiệt hại…

Chính vì như thế nên người nông dân phải tự lo lấy thân mình, mùa màng của mình. Họ tự trồng rồi tự chặt, rồi lại trồng. Quy hoạch ở đây là lúa thì họ trồng mía, hoặc thay vì trồng lúa thì họ trồng cam, khoai lang, thanh long…; thay vì trồng rừng thì lại trồng tiêu. Sự tự phát này đem đến nhiều nguyên liệu cho thương lái mua để cung cấp cho DN xuất khẩu, dù giá cả không theo ý muốn của nông dân. May thay gần đây đã có một số DN chịu tốn kém để học hỏi và áp dụng quy trình sản xuất theo kỹ thuật cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP. Họ có thể xuất khẩu sản phẩm giá cao nếu được xuất trực tiếp, không qua thương lái.

Theo ông, chính sách điều hành xuất nhập khẩu cần phải điều chỉnh những điều gì?

Các nhà khoa học đã kiến nghị Nhà nước nên có chính sách khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị với quy trình kỹ thuật cao, tức là hợp tác giữa nông dân trong hợp tác xã với DN chế biến sản phẩm có thương hiệu. Sản xuất càng không đúng quy trình kỹ thuật, nông dân càng tiêu tốn nhiều vật tư, đẩy cao giá sản xuất, không còn cạnh tranh được với sản phẩm đồng loại của các nước. Đáng lẽ với từng loại sản phẩm nguyên liệu, Nhà nước và DN đầu tư và tổ chức làm sao cho nông dân không tự phát nữa mà chỉ sản xuất có địa chỉ đầu ra, giá thành thấp nhưng vẫn đạt chất lượng tối hảo để có hàng tiêu chuẩn cao, bán giá cao.

Thế nhưng Nhà nước lại đang để mặc cho nông dân tự bơi trong một thị trường đông đặc mọi loại thương lái, kể cả thương lái quốc doanh. Nông dân hoàn toàn không có tiếng nói nào trong định đoạt giá cả và quyền lợi xuất khẩu. Những quyền lợi này Nhà nước chỉ giao cho những DN độc quyền nhà nước. Ngày nào nông dân không có tiếng nói trong thương trường, ngày ấy nông dân chưa giàu được.

Áp dụng quy trình kỹ thuật cao để nâng chất lượng

Dự báo về xuất khẩu các ngành hàng này năm 2013, GS Võ Tòng Xuân cho biết, dù biết rằng sản xuất không có lời bao nhiêu, nông dân nước ta vẫn phải sản xuất, bởi không lẽ nghỉ ở không. Nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng nông sản sẽ tăng thêm trong khi chất lượng không tăng bao nhiêu nếu chưa áp dụng quy trình kỹ thuật cao. Từ đó nông nghiệp vẫn sẽ xuất khẩu lượng lớn nhưng giá cả vẫn ở mức thấp vì chất lượng sản phẩm không cao. Cứ thế, nông dân vẫn không được lời cao vì sản xuất tự phát rất tốn kém. Mặt khác, Nhà nước ta chưa dám nâng mặt bằng giá cả nông sản cho nông dân giàu lên như thủ tướng Thái Lan đã làm vì nông dân Thái.


Quang Huy

Pháp Luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Hơn 3.654 tỷ đồng xây dựng thủy điện Sông Bung 2 (14/12/2012)

>   Hơn 457 nghìn doanh nghiệp được miễn, giảm, gia hạn thuế (14/12/2012)

>   Thành phố Hồ Chí Minh 'rẻ' nhất Đông Nam Á (14/12/2012)

>   Nên độc lập trong thẩm định, xác định giá đất (14/12/2012)

>   Đề xuất Thủ tướng đứng đầu Ủy ban quản lý DNNN (14/12/2012)

>   Ông Đinh La Thăng làm chủ tài khoản Quỹ bảo trì đường bộ (14/12/2012)

>   Giải thể doanh nghiệp: Bình thường hay bất thường? (14/12/2012)

>   Vẫn tắc cơ chế thoái vốn của cổ đông Nhà nước (14/12/2012)

>   Nguy cơ phá sản hàng loạt doanh nghiệp vận tải (14/12/2012)

>   Đã có “cây gậy” chống chuyển giá (14/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật