Kế hoạch liên minh ngân hàng vấp trở ngại đầu tiên
Kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) và Liên minh châu Âu (EU) đã vấp phải trở ngại đầu tiên tại cuộc họp ngày 4/12 của các bộ trưởng tài chính 27 nước thành viên EU, khi nhiều vấn đề liên quan đến Cơ chế giám sát chung còn gây tranh cãi.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovi
|
Hai đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức và Pháp đang có những quan điểm khác biệt về việc cơ quan giám sát ngân hàng khu vực sẽ được phép giám sát bao nhiêu ngân hàng và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có quyền hạn đến đâu.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici khẳng định quan điểm của Pháp trước sau như một là tất cả các ngân hàng phải được giám sát, trong khi Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói Quốc hội Đức sẽ rất khó thông qua một thỏa thuận mà theo đó tất cả các ngân hàng nước này sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan giám sát ngân hàng khu vực.
Quan điểm của Đức là cơ quan giám sát chung chỉ có trách nhiệm với những ngân hàng lớn nhất châu Âu, còn Pháp ủng hộ việc giám sát toàn bộ 6.000 ngân hàng có giấy phép hoạt động tại khu vực. Ngoài ra, Đức lo ngại ECB sẽ độc lập trong trường hợp phải cứu trợ ngân hàng của một nước thành viên, trong khi Pháp cho rằng ECB phải đứng ở vị trí cao nhất trong mạng lưới giám sát chung, chịu trách nhiệm về toàn bộ hệ thống ngân hàng khu vực.
Bên cạnh đó, một trở ngại khác liên quan đến việc một số nước không phải là thành viên Eurozone cũng đang muốn tham gia vào hệ thống giám sát. Chẳng hạn, với trường hợp của Ba Lan và Thụy Điển, do không là thành viên Eurozone, hai nước này không có tiếng nói trong ECB.
Các kế hoạch được đưa ra cho vấn đề quyền bỏ phiếu trong ủy ban giám sát chung đối với các nước không nằm trong Eurozone hiện vẫn chưa có được bước đột phá. Nhìn chung, nhiều bộ trưởng tài chính muốn tách biệt rạch ròi giữa quyền giám sát của ECB và nhiệm vụ chính của ngân hàng này trong việc điều tiết chính sách tiền tệ của 17 nước sử dụng đồng euro.
Ngoài ra, một vấn đề nữa cũng đang được đặt ra là sự phối hợp giữa ECB và Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu (EBA) trong vai trò giám sát. EBA được thành lập năm ngoái như nỗ lực đầu tiên của EU nhằm tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, khi nợ xấu tăng làm ảnh hưởng tới bản quyết toán của cả các chính phủ và các ngân hàng, việc thiết lập một hệ thống mới mà trong đó không đơn thuần chỉ là sự kết hợp giữa các cơ quan giám sát quốc gia đã chứng minh sự cần thiết của nó. Tuy nhiên, nếu ECB tham gia hệ thống mới với tư cách là đại diện cho 17 nước Eurozone, 10 nước nằm ngoài liên minh tiền tệ này sẽ khó chấp nhận.
Đồng thời, một vấn đề cũng đang gây tranh cãi là về khung thời gian. Hồi tháng 10, các nhà lãnh đạo EU muốn đạt được thỏa thuận khung vào cuối năm nay và từng bước triển khai trong năm tới.
Tuy nhiên, trong khi các quốc gia vùng Địa Trung Hải mà đang chịu sức ép từ các thị trường trái phiếu muốn đẩy nhanh việc thực hiện thì Đức lại không vội vàng. Theo Cao ủy phụ trách các thị trường của EU Michel Barnier, ECB sẽ được tùy ý quyết định việc khi nào sẵn sàng thực thi các nhiệm vụ mới.
Lê Minh
vietnam+
|