Thứ Năm, 20/12/2012 11:17

Hệ lụy tăng trưởng thấp

Mặc dù chấp nhận “đánh đổi” tăng trưởng thấp để duy trì ổn định vĩ mô, nhưng dường như các vấn đề căn bản năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, là nguyên nhân những bất ổn lâu nay của nền kinh tế Việt Nam, chưa được xử lý rốt ráo.

Ước tính, khoảng 55 nghìn DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2012, theo con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề lao động trên các bản báo cáo của cơ quan Chính phủ lại không đến mức bi quan như vậy. Cũng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản gửi đến đại diện nhà tài trợ mới đây cho biết, ngay trong năm 2012 vẫn có hơn 1,5 triệu lao động được giải quyết việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị chỉ tăng nhẹ lên 3,63%, thay vì 3,6% của năm ngoái.

Thế nhưng với nhiều người, dường như các con số về việc làm kể trên không phản ánh đúng với thực tế. “Tôi làm tiến sĩ ở nước ngoài mà giờ cũng thất nghiệp rồi, không ai thuê”, anh Đức - chuyên gia phân tích của một DN chứng khoán lớn tại TP. Hồ Chí Minh buồn rầu than thở. Đã 6 tháng nay, anh nghỉ việc về nhà trông cửa hàng Game online, công việc chẳng liên quan gì đến kiến thức cũng như khả năng được học trong vòng gần 6 năm tại Anh trước đó. Nhưng, những người như anh Đức gần đây không hiếm.

Câu chuyện tương tự cũng được ông Lê Đăng Doanh nói tại một hội thảo gần đây. Ông cho biết, cùng với thị trường bất động sản đi xuống, nhiều nhân lực cao cấp trong ngành này cũng đột ngột “bất động đậy” và trở thành người thất nghiệp.

“Vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn, nếu không nhìn chân thực vào thực tại”, ông Doanh cảnh báo. Với nhiều chuyên gia, câu chuyện thất nghiệp là một hệ lụy tất yếu của suy giảm kinh tế. TS. Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng cảnh báo điều này trong một hội nghị vào mùa Thu năm ngoái. Ông nói: “Chống lạm phát không phải một cuộc dạo chơi với hoa hồng và rượu champagne; mà là một cuộc chiến, có đổ máu, có hy sinh”. Hệ quả của xử lý bất ổn vĩ mô, theo ông Bá, sẽ tất yếu dẫn đến việc có những DN phải phá sản, phải có thất nghiệp, phải có đời sống một bộ phận người dân, thậm chí tất cả đi xuống…

Vấn đề chuyên gia đến từ CIEM đề cập xem ra đang hiển hiện ở nhiều con số về vĩ mô của năm nay. Theo một nguồn tin của Thời báo Ngân hàng, mặc dù rất thành công trong việc khống chế lạm phát cả năm chỉ khoảng 7%, nhưng tăng trưởng GDP trong năm 2012 ước chỉ đạt khoảng 5%, mức rất thấp trong một thập kỷ qua.

Đáng chú ý là lĩnh vực sản xuất công nghiệp chỉ đạt mức tăng trưởng thấp, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng quanh mức 4,8%, không cho thấy sự khởi sắc đáng kể ở giai đoạn cuối năm. Ngược lại, chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng khoảng 20% so với cuối năm ngoái, vẫn ở mức cao trong quan niệm của các cơ quan điều hành.

Mặc dù chấp nhận “đánh đổi” tăng trưởng thấp để duy trì ổn định vĩ mô, nhưng dường như các vấn đề căn bản về năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, là nguyên nhân những bất ổn lâu nay của nền kinh tế Việt Nam, chưa được xử lý rốt ráo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc. Hệ quả từ việc tăng trưởng GDP thấp đang tác động đến vấn đề việc làm và khả năng giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nhưng, triển vọng phía trước vẫn khá bi quan.

Cũng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, DN còn đối mặt nhiều khó khăn, số DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn đang tăng lên. Trong khi đó, các DN còn trụ lại được thì sức phục hồi chậm. Sức mua thị trường trong nước thấp khiến cho tồn kho một số ngành còn ở mức cao. Việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn...

“Đó là một bước lùi trong sự nghiệp”, anh Đức nhìn nhận. Nhưng theo cách hiểu của thống kê Việt Nam, những người vẫn có thu nhập như anh Đức không được đưa vào diện thất nghiệp. Mặc dù vậy, một sự lãng phí nguồn lực đang hiển hiện, khi những người như anh Đức tính chuyện trở lại làm việc ở các quốc gia mà họ từng học tập. Trường hợp của Linh là một ví dụ, cô đang mong từng ngày để chính quyền Canada chấp nhận cho cô định cư như một đại diện xuất chúng, khi có bằng loại ưu về kiến trúc tại chính quốc gia này. Tăng trưởng thấp có thể dẫn đến mất chất xám quốc gia, điều này đang được cảnh báo từ những ví dụ cụ thể nêu trên.

Anh Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   WB hạ dự báo tăng trưởng GDP 2012-2013 của Việt Nam (19/12/2012)

>   "Việt Nam cần năng động hơn trong hút vốn đầu tư" (19/12/2012)

>   TS. Nguyễn Xuân Thành trả lời về thách thức lớn nhất của kinh tế vĩ mô 2013 (17/12/2012)

>   Vì sao lạm phát không tăng mạnh? (16/12/2012)

>   Tình thế chưa lường hết (13/12/2012)

>   GDP nền kinh tế khoảng 136 tỉ USD (13/12/2012)

>   Hơn 56.000 khoản chi qua KBNN chưa đúng thủ tục (12/12/2012)

>   Năm 2012, giải ngân vốn FDI ước đạt 10,5 tỷ USD (12/12/2012)

>   Thêm nghi án Metro lỗ (12/12/2012)

>   Việt Nam tự tin vào chính sách điều hành (10/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật