Tình thế chưa lường hết
“Vấn đề ở hệ thống, ở cách làm khiến nền kinh tế phát triển bất bình thường như hiện nay”, TS. Trần Đình Thiên bình luận. Còn TS. Nguyễn Đình Cung thì gợi ý rằng, chỉ có vực dậy niềm tin thị trường mới đưa nền kinh tế tự thoát khỏi tình thế khó khăn này. Nhưng, mất bao nhiêu thời gian để làm việc này, chưa chuyên gia nào dám chắc...
Chưa thể yên tâm với vĩ mô
TS. Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói với Thời báo Ngân hàng: “Tôi nghĩ rằng, chưa ai lường hết được tình thế lại khó khăn đến mức này”. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ quan điểm này: “Chúng ta đang sống trong giai đoạn cực kỳ bất bình thường”. Nhiều chuyên gia kinh tế trong thời gian này cũng có cùng quan điểm với các phát biểu trên.
Theo phân tích của ông Cung, nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với những khó khăn lớn về quy mô và gay gắt về mức độ. Bức tranh kinh tế hiện nay là ổn định ở bề nổi, còn các vấn đề bất ổn về bản chất lại chưa được xử lý triệt để. Bởi lẽ về tổng thể, tăng trưởng GDP năm nay nhiều khả năng chỉ đạt 5,2% - thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khiến tăng trưởng GDP đạt thấp
|
Quan trọng hơn khi nhìn vào động lực tăng trưởng, tổng đầu tư xã hội so với GDP cũng thấp xuống nhanh chóng, ước chỉ còn khoảng 30% trong năm nay và năm tới, tức bằng khoảng 3/4 các năm trước đó. “Điểm sáng là xuất khẩu, nhưng động lực tăng kim ngạch chủ yếu đến từ DN FDI và cũng chỉ tập trung ở vài DN ngành điện tử. Điều này đặt ra câu hỏi tăng trưởng ngoại thương liệu có bền vững?”, ông Cung đặt vấn đề.
Thành tích vẫn thường được nhắc đến gần đây là kiềm chế lạm phát, song ông Cung lưu ý, mức độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay có thấp hơn năm trước nhiều, nhưng so với các chu kỳ ổn định giai đoạn trước năm 2007 còn khá cao. Chưa kể nếu so với các nước trên thế giới, mức tăng CPI tại Việt Nam năm nay thậm chí vẫn còn “vượt trội”. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn nảy sinh nhiều vấn đề mới là tồn kho và nợ xấu.
Bản chất thế nào?
“Ổn định vĩ mô mới chỉ là bước đầu, các nguyên nhân lại chỉ được xử lý ở phần ngọn nên các vấn đề nền tảng vẫn biểu hiện còn thiếu vững chắc”, ông Cung đúc kết. Giai đoạn chạy theo tăng trưởng khoảng 5-7 năm gần đây, sự vận động của nền kinh tế đi theo hướng khuyến khích những khoản đầu tư không thực chất, chạy theo địa tô, lợi nhuận “ảo” từ bong bóng tài sản… Theo ông Cung, những khoản lợi nhuận tạo ra được trong giai đoạn vừa qua chủ yếu đến từ đầu cơ theo kiểu “Tiền - Tiền - Tiền”, không đúng với quy luật tạo ra giá trị thặng dư thông thường là thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh: “Tiền - Hàng - Tiền”.
Đồng tình với các phân tích trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý: “Vì cơ hội kinh doanh nhiều lên ở giai đoạn đầu Việt Nam gia nhập WTO, nên chính sách lúc đó là khuyến khích DN phát triển về quy mô”. Tuy nhiên, các ưu đãi của Nhà nước đã được các DN đón nhận theo cách thức rất không bình thường, đặc biệt là DNNN. Nhiều “quả đấm thép” trở thành “người gác cổng” cho lĩnh vực của mình, “thu phí bán thương hiệu” của các DN khác muốn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh của họ. Những “hội chứng” xi măng, thép, gạch ốp lát cho thấy tốc độ tăng năng lực lên mức 2-3 lần chỉ sau 5 năm của giai đoạn 2006-2011, nhưng cùng với đó là nợ nần chồng chất.
Quy mô vốn bình quân tại DN (tỷ đồng)
|
Trong khi đó, hệ thống động lực của nền kinh tế quá chú tâm đến tăng trưởng về con số, không khuyến khích các nhân tố chất lượng, hiệu quả. “GDP tăng thêm 0,1-0,2% tất nhiên cũng là quan trọng, nhưng tài sản quan trọng nhất của nền kinh tế phải là DN”, ông Thiên nói. Nhiều quan điểm cùng chia sẻ rằng, trước mỗi lần khủng hoảng thế giới tác động, DN Việt Nam “đổ kềnh” nhiều hơn các nước khác, thậm chí là các quốc gia tâm điểm khủng hoảng. “Điều đó cho thấy, sức khỏe DN không lớn cùng quy mô”, ông Cung bình luận.
Kết quả là trong bối cảnh nền sản xuất hiện nay phải đối mặt với rất nhiều thách thức, chất lượng DN yếu đi trông thấy. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2012 có khoảng 55 nghìn DN giải thể, ngừng hoạt động. Con số này cao hơn năm ngoái khoảng 10%. TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lưu ý rằng, chỉ trong khoảng 2 năm gần đây, số DN giải thể, phá sản đã bằng khoảng 20% con số thành lập mới mà giai đoạn mở cửa vừa qua đã nỗ lực đạt tới. “Chất lượng DN kém đi nhiều, trong khi khó khăn trăm bề”, ông Cung đúc kết.
Khó co kéo chính sách
Có câu nói vui khá nổi tiếng trong một hội thảo quốc tế gần đây: “Vì hạn chế nhiều quá nên phải cắt bớt, còn điểm sáng lại ít nên phải dàn ra”. Câu nói đó là từ một chuyên gia kinh tế có uy tín, nêu trong lúc bàn về một vấn đề mang tính nền tảng của nền kinh tế, đó là tái cấu trúc. “Mẫu báo cáo” đó tồn tại đã nhiều năm nay, từ thời kinh tế kế hoạch hóa nên câu nói trên gợi lại để làm ấm hội trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác không cho đó là chuyện đùa. “Chúng ta trong văn bản đưa lên cứ phải hạn chế cái dở theo số gạch đầu dòng cái hay. Phần vì lý do này nên giải pháp đưa ra cũng là nhắm đến xử lý vấn đề bề nổi mà không đi vào bản chất”, một chuyên gia đến từ Bộ Tài chính nói thẳng.
Các giải pháp “sửa lỗi hệ thống” trong thời gian gần đây chủ yếu theo hướng Nhà nước can thiệp để kiểm soát và kiềm chế các vấn đề bề nổi chứ chưa đi sâu vào bản chất là thiết kế một động lực phát triển mới cho toàn nền kinh tế, theo hướng thị trường hóa và cổ xúy cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, ngay cả những can thiệp đó cũng khó có dư địa mở rộng thêm nữa. Nhiều chuyên gia cảnh báo, thời vốn rẻ đã qua. Trong giai đoạn tới, điều hành chính sách tiền tệ đã được tuyên bố sẽ theo tín hiệu thị trường. Nhiều tính toán cho rằng, tăng trưởng tín dụng hàng năm sẽ không thể vượt quá mức 15% trong giai đoạn ít nhất đến năm 2015.
Trong khi đó, chính sách tài khóa đang khó cân đối theo yêu cầu giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP. Nhiều động thái chính sách được ban hành gần đây, theo các chuyên gia, có biểu hiện “đá nhau” giữa chủ trương hỗ trợ DN và tận thu. “Mặt trái vấn đề là một tay buông, giảm thu khoản nọ khoản kia, nhưng tay kia vơ vào thậm chí mạnh hơn”, một chuyên gia từ Bộ Tài chính thẳng thắn nói. Nhiều ý kiến cùng đồng tình rằng, vấn đề chính yếu là chính sách từ trên có thể rất hợp lý, nhưng nhiều trong số đó khi “rơi xuống” các cấp thực hiện ở dưới đã không còn phát huy tính tích cực của chủ trương chung.
Là trưởng nhóm nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm nay, ông Edmund Malesky hiểu được quan ngại của các DN hiện nay. Bản đánh giá sơ lược báo cáo cảm nhận về triển vọng kinh doanh do ông công bố tại Diễn đàn DN Việt Nam mới đây cho thấy niềm tin kinh doanh đang đi xuống nhanh chóng, khi chỉ có 33,1% số DN được điều tra còn lạc quan về triển vọng kinh doanh sắp tới, thấp hơn mức khoảng 70-80% ở các lần điều tra trước.
“Vấn đề ở hệ thống, ở cách làm khiến nền kinh tế phát triển bất bình thường như hiện nay”, ông Thiên bình luận. Còn ông Cung thì gợi ý rằng, chỉ có vực dậy niềm tin thị trường mới đưa nền kinh tế tự thoát khỏi tình thế khó khăn này. Nhưng, mất bao nhiêu thời gian để làm việc này, chưa chuyên gia nào dám chắc...
Anh Quân
thời báo ngân hàng
|