Gửi tiết kiệm: Kênh đầu tư tạm trú
Nhiều nhà đầu tư vẫn đang phân vân chưa biết đầu tư vào kênh nào để có hiệu quả nhất, ít nhất là trong ngắn hạn.
Để phần nào giúp nhà đầu tư tự quyết định chọn kênh đầu tư thích hợp, xin điểm qua diễn biến trên các kênh đầu tư chủ yếu trong 11 tháng qua.
Dựa theo biểu đồ phản ánh tốc độ tăng, giảm giá trên các kênh đầu tư chủ yếu trong 11 tháng qua có thể thấy, kênh gửi tiết kiệm có tốc độ tăng cao nhất, tiếp đến là Chỉ số VN-Index (chứng khoán), giá hàng hoá - dịch vụ; giảm nhiều nhất là bất động sản.
Tất nhiên, đó là diễn biến của quá khứ, vậy trong thời gian tới, sẽ có những yếu tố nào tác động đến các kênh đầu tư trên?
Trước hết, xét về kênh hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, bởi đây không chỉ là kênh đầu tư, mà còn là “thước đo” để xác định lãi hay lỗ của các kênh khác. Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng từ tháng 12/2012, với tác động của nhiều nguyên nhân sau. Trước hết, từ việc nới lỏng chính sách tài khoá - tiền tệ; do việc tăng giá một số loại hàng hoá, dịch vụ thời gian qua (điện, xăng dầu...) sẽ chuyển vào giá hàng hoá, dịch vụ ở thời gian tới; có nguyên nhân do trong 11 tháng, giá lương thực giảm 5,79%, giá thực phẩm chỉ tăng 0,67% (đây là hai nhóm chiếm tỷ trọng tới gần 40% tổng chi tiêu dùng của dân cư và đã góp phần làm cho CPI tăng thấp trong 11 tháng đầu năm, sẽ có xu hướng tăng dần trở lại). Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang đến gần, trong khi chăn nuôi gia súc, gia cầm giảm về số lượng (trâu giảm 3,1%, bò giảm 4,5%, lợn giảm 2,1%, gia cầm giảm 4,4%). Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ yếu tố tâm lý, thể hiện ở việc giá vàng tăng cao trở lại, liên tục ở mức trên 46 triệu đồng/lượng, cao hơn nhiều so với giá thế giới. Chứng khoán, giá nhà đất giảm, nợ xấu cao, việc cơ cấu lại nền kinh tế đòi hỏi phải chi phí không nhỏ. Tuy nhiên, đầu tư vào hàng hoá, dịch vụ không dễ, đòi hỏi phải có địa điểm, có kinh nghiệm...
Vàng đang đứng trước nhiều yếu tố tác động. Giá vàng trên thị trường thế giới có xu hướng tăng, do Mỹ tung ra gói nới lỏng định lượng QE3, do các ngân hàng trung ương nhiều nước và các quỹ đầu tư vàng lớn mua ròng... Giá vàng trong nước vẫn ở mức cao; nếu tỷ giá VND/USD tăng và yếu tố tâm lý không ổn định, thì giá vàng ở trong nước sẽ bị tăng “kép”. Tuy nhiên, giá vàng ở trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới; thị trường vàng miếng sẽ được thực hiện theo các quy định mới của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tổng hợp cả hai yếu tố trên, giá vàng trong nước sẽ không tăng và tính chung cả năm sẽ tăng, nhưng thấp hơn nhiều so với 11 năm trước đó, đặc biệt là 3 năm gần đây (năm 2009 tăng 64,32%, năm 2010 tăng 30%, năm 2011 tăng 24,09%). Do đó, đầu tư vào vàng không đem lại lợi nhuận lớn, có thể còn bị lỗ.
Tiếp theo là kênh đầu tư vào USD. Tỷ giá VND/USD đã ổn định trong thời gian khá dài và tính chung sau 11 tháng vẫn còn giảm so với cuối năm trước. Dù trong tháng 12 có tăng, thì cả năm 2012 tỷ giá cũng cũng không tăng - đó là điều đặc biệt so với 4 năm trước (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%, năm 2010 tăng 9,68% và năm 2011 tăng 2,24%). Nguyên nhân chủ yếu do cán cân thương mại, cán cân thanh toán được cải thiện; lượng ngoại tệ vào nước ta qua các nguồn đạt khá. Trong 11 tháng, xuất siêu của cả nước đạt 14 triệu USD; vốn FDI thực hiện đạt 10 tỷ USD, dự báo cả năm sẽ đạt tương đương như 2 năm trước (năm 2010 và 2011 đều đạt 11 tỷ USD). Vốn ODA giải ngân năm nay có thể đạt trên 3,5 tỷ USD. Lượng kiều hối được dự báo sẽ đạt trên 10 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay...
Kênh chứng khoán. VN-Index đã xuống dưới 400 điểm, song vẫn cao hơn mức cuối năm ngoái (351,55 điểm). Đây là thời cơ cho các nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài) mua ở đáy, vì khó có khả năng giảm sâu hơn nữa. Hiện chứng khoán vẫn là kênh có lãi suất cao nhất so với các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, đây là thị trường cao cấp, song trong bối cảnh Nhà nước đang tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại..., thì thị trường chứng khoán sẽ khó “bốc” lên được.
Do giá bất động sản đang ở mức thấp hơn so với trước đây, nên kênh này cũng có sức hấp dẫn nhất định đối với người mua, nhưng dự báo, thị trường sẽ chỉ “ấm” lên vào cuối năm 2013, đầu năm 2014.
Gửi tiết kiệm tại ngân hàng vừa là kênh đầu tư truyền thống đối với nhiều cá nhân, hiện có lãi suất thực dương. Cả năm nay, thì dù CPI có tăng trên dưới 7,5% thì lãi suất tiết kiệm (hiện phổ biến ở mức 9%/năm) vẫn đạt thực dương. Vừa an toàn, vừa có lãi suất thực dương - đó là điều hấp dẫn đối với những người có tâm lý tích cốc phòng cơ, những người có tiền, nhưng chưa biết đầu tư vào đâu hoặc sợ rủi ro... Qua phân tích, có thể thấy, gửi tiết kiệm là kênh tạm trú, nhưng có khả năng sinh lời tốt cho các nhà đầu tư chờ thời.
Minh Nhung
đầu tư
|