EuroCham kiến nghị tăng vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân
Gia tăng vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân, vận hành hiệu quả hệ thống vận tải - cung ứng và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ là các kiến nghị quan trọng được các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn tại Việt Nam đưa ra tại Sách trắng 2013.
Sách Trắng 2013 về thương mại và đầu tư và các kiến nghị được xuất bản lần thứ năm, do phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) thực hiện và công bố sáng 30.11, bao quát các kiến nghị liên quan đến việc hoạt động kinh doanh sản xuất của gần 800 doanh nghiệp thành viên EuroCham tại Việt Nam.
Theo đó, EuroCham cho rằng còn nhiều vấn đề làm cản trở nguồn vốn FDI của châu Âu vào Việt Nam. Các rào cản kinh doanh đang gia tăng trở lại do khâu giám sát và tình trạng quan liêu trong thực thi, trong khi tình hình cạnh tranh thu hút FDI ngày càng tăng. "Các doanh nghiệp thành viên liên lạc EuroCham dù vẫn lạc quan về giai đoạn trung hạn nhưng lại rất quan ngại về những tồn tại ngắn hạn không được cải thiện tại Việt Nam”, theo chủ tịch EuroCham, Preben Hjortlund.
Về kiểm soát giá cả, Chính phủ lưỡng lự với việc định giá theo thị trường tự do. Trong khi giá năng lượng như xăng dầu, điện, than được kiểm soát ở mức thấp hơn thị trường tự do thì các ngành khác khi muốn điều chỉnh giá phải được phê duyệt. "Việc kinh doanh được xác lập bởi chi phí và cạnh tranh nhưng cách thức kiểm soát giá này khiến nhà đầu tư lo ngại sẽ không thiết lập được giá theo thị trường, kiểm soát chi phí và lợi nhuận", phó chủ tịch EuroCham, ông Tomaso Andreatta cho biết.
EuroCham cho rằng khối doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải cạnh tranh thiếu bình đẳng trong nhiều ngành do doanh nghiệp nhà nước kiểm soát, làm cho nền kinh tế kém hiệu quả vừa là giảm sức hấp dẫn đối với dòng vốn FDI. Doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiền ưu đãi nhưng kinh doanh kém hiệu quả, để tạo ra 1.000 USD thu nhập, doanh nghiệp nhà nước phải đầu tư 1.500 USD, trong khi khu vực tư nhân chỉ đầu tư 400-500 USD.
Kiến nghị về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ông Thomas Treutler cho rằng nhà đầu tư lo ngại mất chỉ định địa lý quan trọng, mất thương hiệu do không được bảo vệ đủ. Theo đó họ phải hạn chế đưa công nghệ vào Việt Nam một khi các quyền sở hữu trí tuệ chưa được thực thi đúng mức. Dù các bộ luật về quyền sở hữu trí tuệ đã được Việt Nam ban hành nhưng việc thực thi lại chưa nghiêm túc, việc chế tài chưa đủ răn đe và Việt Nam cũng không đầu tư đủ cho nguồn lực thực thi.
"Việt Nam đang có nhu cầu chuyển dịch từ nền sản xuất dựa vào giá nhân công thấp sang các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn, tuy nhiên nhà đầu tư sẽ e ngại mang công nghệ mới vào khi các quyền sở hữu trí tuệ chưa được bảo vệ đúng mức". Theo ông Thomas, kinh nghiệm thành công của Thái Lan sau khủng hoảng 1997 là gửi ngay thông điệp đến các nhà đầu tư về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhờ đó nhà đầu tư yên tâm và kinh tế Thái lan nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Các thành viên EuroCham cũng kiến nghị nhà nước phải bảo đảm sự vận hành khỏe mạnh của hệ thống logistics để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm chi phí để cạnh tranh. Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng đang tiêu tốn nhiều ngân sách, cho nhiều dự án nhưng cần tập trung vào các dự án giúp nâng cao tính cạnh tranh như hải quan điện tử, hàng hải cảng biển, dịch vụ hậu cần…
EuroCham còn kiến nghị thay đổi trong một số lĩnh vực khác như mở rộng cơ hội cho nhà đầu tư tham gia vào các dịch vụ như công nghệ thông tin; đánh thuế trong lĩnh vực du lịch để tăng nguồn marketing thúc đẩy ngành này phát triển; gỡ bỏ giới hạn về chi phí quảng cáo; thả nổi thị trường sữa; được thành lập công ty dược 100% vốn nước ngoài…
Ông Paul Jewell, giám đốc điều hành EuroCham, cho rằng kỳ vọng của doanh nghiệp thành viên EuroCham là những vướng mắc được giải quyết, như là bước bước tiến thuận lợi trong đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam-EU.
Tuyết Ân
sài gòn tiếp thị
|