Tái cơ cấu EVN
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2012 - 2015.
EVN đang xây dựng phương án tổ chức lại sản suất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các DN thành viên
|
Theo đó, EVN sẽ có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện; cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội. Sau khi đánh giá lại tài sản vốn điều lệ của EVN là 143.404 tỉ đồng.
4 ngành, nghề kinh doanh
Theo Đề án tái cơ cấu, EVN có 4 ngành, nghề kinh doanh chính gồm : Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng, chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; XNK điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây chuyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện.
EVN cũng được kinh doanh các ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính gồm : XNK nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện; xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị nhà máy điện, thiết bị đường dây và trạm biến áp, thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin; sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu cách điện, vật liệu cách nhiệt, trang bị bảo hộ lao động; đầu tư, kinh doanh cơ khí điện lực...
Đề án cũng nêu rõ, EVN tái cấu trúc quản trị DN, tập trung vào các nội dung : sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; Hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của EVN đối với người đại diện vốn của EVN tại DN khác. Đồng thời kiện toàn tổ chức của các tổ chức đảng, đoàn thể trong EVN.
Năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn tại 6 DN
Sau khi đánh giá lại tài sản vốn điều lệ của EVN là 143.404 tỉ đồng. |
Theo đề án, 14 đơn vị được giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Cty mẹ - EVN, 9 DN do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ , 5 DN do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, 6 DN do EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, giữ nguyên mô hình, cơ cấu tổ chức hoạt động đến năm 2015 đối với 4 cơ sở đào tạo là Trường Đại học Điện lực, Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM, Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung và Trưởng Cao đẳng Nghề điện. Đề án cũng nêu rõ, đến hết năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn của EVN tại 6 DN.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng thành viên EVN xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt; Triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 854/QĐ – TTg ngày 10/7/2012. EVN xây dựng phương án tổ chức lại sản suất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các DN thành viên phù hợp với nội dung đề án này và để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong quý IV/2012 và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt. Có lộ trình và phương án cụ thể để đến hết năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn đã đầu tư vào các DN. Thực hiện giảm vốn góp của EVN tại Cty tài chính cổ phần điện lực; Tiếp tục đảm bảo các điều kiện cần thiết đề các TCty điện lực đi vào hoạt động; Thủ tướng cũng yêu cầu EVN xây dựng, triển khai thực hiện các quy chế, quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, đánh giá hiệu quả hoạt động của Cty con, của cán bộ theo quy định.
Hoàng Oanh
diễn đàn doanh nghiệp
|