Giải pháp 3 chân kiềng hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2012 cho biết, một giải pháp mang tính tổng thể sẽ được đề xuất cụ thể nhằm phục hồi sự năng động của nền kinh tế.
Ngay trước thềm VBF 2012, thông tin về tình trạng đóng cửa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam liên tục được đưa ra. Trong số DN nộp tờ khai thuế của Hà Nội, hơn 70% báo lỗ. Khó khăn đang bao trùm toàn bộ cộng đồng DN Việt Nam?
Tới thời điểm này, bức tranh DN Việt Nam đã phân nhóm khá rõ. Thứ nhất là nhóm DN có sức cạnh tranh, đang phát triển đúng hướng. Đa phần trong số nàyï có quy mô vừa. Thứ hai là các DN rất yếu, hầu như không đủ năng lực cạnh tranh. Còn lại là những DN có tiềm lực, có khả năng cạnh tranh, nhưng đang gặp khó khăn do những tác động chính sách bất lợi.
Chúng ta cần nhìn nhận như vậy để có giải pháp phù hợp cho từng nhóm DN. Chúng tôi đã dự thảo giải pháp tổng thể 3 chân kiềng gửi tới Chính phủ trong VBF 2012.
Có nghĩa là, các nhóm giải pháp sẽ tương ứng với các nhóm DN trên?
Trước hết, phải nói tới giải pháp quan trọng, có ý nghĩa gây dựng lại lòng tin của giới đầu tư, kinh doanh trong nước và quốc tế, đó là nhóm giải pháp cải cách thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cộng đồng DN đang cần một thông điệp chính sách và hành động cụ thể từ Chính phủ, thể hiện quyết tâm chính trị trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hệ thống ngân hàng, DN nhà nước, đầu tư công, hướng tới phát triển dài hạn của nền kinh tế. Thông điệp này sẽ tạo điều kiện để DN định hướng vận động của mình. Đây chính là cơ sở để lấy lại điểm về môi trường kinh doanh Việt Nam từ con mắt các nhà đầu tư.
Nhóm giải pháp thứ hai là sự hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đó là các hoạt động về thông tin, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại đầu tư… Lúc này, DN cần sự ra quân đồng loạt trong các hoạt động này để tối đa hoá các nguồn lực. Nội dung này chưa được quan tâm đầy đủ. Trong khảo sát của Câu lạc bộ DN dẫn đầu của TP.HCM mới đây, rất bất ngờ khi chỉ 15% DN biết và chuẩn bị cho năm 2015, thời điểm Việt Nam thực hiện các cam kết với Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Mặc dù có trách nhiệm của DN, song sự hỗ trợ về thông tin, định hướng, kỹ năng cho DN là rất cần thiết.
Giải pháp cho các nhóm DN cụ thể thì sao, thưa ông?
Nhóm giải pháp cấp cứu DN vượt qua giai đoạn hiện nay vẫn phải tiếp tục. Phải nói ngay là, đối tượng của nhóm giải pháp này là nhóm DN thứ ba, đang gặp khó khăn, nhưng có cơ hội, năng lực để phát triển. Họ cần sự hỗ trợ trực tiếp, như khoanh nợ, hỗ trợ cho vay, để giải quyết dứt điểm dự án dở dang nhưng có đầu ra tốt…
Nhóm DN thứ hai phải chấp nhận đào thải. Số DN này chắc không nhỏ, vì giai đoạn phát triển nóng vừa qua của nền kinh tế đã đẻ ra nhiều DN đầu cơ, năng lực thấp. Nhóm DN này, nếu còn tồn tại, sẽ ảnh hưỏng đến năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Sẽ không dễ dàng xác định đúng các đối tượng theo phân nhóm trên?
Sẽ khó đảm bảo chính xác 100%, song theo tôi, giải pháp tháo gỡ cần được thực hiện không chỉ ở từng ngành, lĩnh vực, mà là từng dự án, từng DN với địa chỉ cụ thể.
Cần có sự tham gia của ngân hàng, chính quyền địa phương, hiệp hội để có thông tin đầy đủ, nhằm đánh giá cụ thể từng dự án, từng DN dựa trên báo cáo tài chính DN, hiệu quả dự án, thị trường… Nguyên tắc là đủ điều kiện thì mới đuợc hỗ trợ. Trong lúc này, ngân hàng cần lưu thông vốn, DN cần vốn. Vấn đề là đảm bảo được nguồn lực đang hữu hạn đến đúng địa chỉ.
Khánh An
đầu tư
|