Tận dụng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang Ấn Độ
Theo AITIG, Ấn Độ đã cam kết 24 điểm trong lộ trình cam kết giảm thuế, mở ra nhiều thuận lợi về thủ tục, cơ chế giải quyết tranh chấp… đối với các nước ASEAN.
Sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - Ấn Độ có hiệu lực vào năm 2010, kim ngạch xuất khẩu từ VN sang Ấn Độ liên tiếp tăng cao.
Nhờ doanh nghiệp FDI
Cụ thể, VN xuất khẩu sang Ấn Độ hàng hoá với tổng giá trị 992 triệu USD vào năm 2010, tăng hơn gấp hai lần so với năm 2009, và đạt 1,55 tỉ USD vào năm 2011, tăng 56,5% so với năm 2010. Trong 9 tháng đầu năm 2012, VN xuất khẩu sang Ấn Độ 1,22 tỉ USD.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), không cho rằng tăng trưởng trên nhờ DN VN tận dụng tốt FTA ASEAN - Ấn Độ, mà là nhờ khối DN FDI.
Trong năm 2011, điện thoại di động và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của VN sang Ấn Độ, chiếm gần 24% tổng kim ngạch nhập khẩu của VN sang thị trường này. Theo ông Huy, đây chủ yếu là xuất khẩu điện thoại di động của Samsung. Tại thị trường Ấn Độ, Samsung thành công hơn Apple.
Ngoài ra, máy móc thiết bị đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu của VN sang Ấn Độ, chiếm 14,4%, và cũng chủ yếu nhờ việc công ty Doosan Vina xuất khẩu nồi hơi sang thị trường này.
Trong khi đó, các sản phẩm thuần túy của VN, như nông sản, than đá, hạt tiêu, hóa chất, gỗ… lại có kim ngạch xuất khẩu khá khiêm tốn sang thị trường Ấn Độ.
Ngoài ra, tỉ lệ tận dụng FTA ASEAN-Ấn Độ của VN hiện khá thấp. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị hàng hoá VN xuất khẩu sang Ấn Độ có sử dụng C/O form AI để hưởng ưu đãi thuế quan FTA chỉ khoảng 150 triệu USD, chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của VN sang thị trường này.
Theo ông Huy, nguyên nhân là hiệp định trên mới có hiệu lực cách đây hai năm và chưa đến thời điểm hai bên hoàn tất cam kết cắt giảm thuế quan. Ngoài ra, có những DN VN và Ấn Độ không đáng tin cậy, dẫn đến những tranh chấp trong hợp đồng.
Hãy tận dụng lợi thế... thuế
Được biết, các sản phẩm mà VN có lợi thế lại thuộc danh mục nhạy cảm của Ấn Độ, tức có lộ trình cắt giảm thuế chậm, như may mặc, da giày, sản phẩm plastic, máy móc, thiết bị, phụ tùng. Còn thủy sản, rau quả, thực phẩm chế biến, sản phẩm dệt may, phương tiện vận tải,.. lại thuộc danh mục loại trừ, tức Ấn Độ không cam kết giảm thuế. Hiện nhiều mặt hàng của VN được hưởng thuế 0-7% khi vào thị trường Ấn Độ, như điện thoại các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, cao su, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hoá chất, gỗ và sản phẩm gỗ.
Theo ông Huy, chỉ cần được giảm thuế một điểm phần trăm, hàng hoá VN đã có lợi thế khi thâm nhập thị trường Ấn Độ, do cách tính thuế của Ấn Độ. Chẳng hạn, một lô hàng trị giá 1.000 Rupee xuất khẩu vào Ấn Độ, với thuế suất cơ bản 10%, với cách tính thuế của Ấn độ, tiền thuế phải nộp là 244 Rupee, tức mức thuế đã lên 24,42%.
Do đó, chỉ cần được giảm một điểm phần trăm thuế thì khoản tiền thuế phải đóng cũng được giảm nhiều qua công thức tính thuế của Ấn Độ, ông Huy nói.
Trong khi DN VN chưa tận dụng được thị trường Ấn Độ tiềm năng, với dân số 1,2 tỉ người, thì DN Ấn Độ khá năng động. Hiện có hơn 100 văn phòng đại diện của DN Ấn Độ tại thị trường VN để kết nối xuất khẩu hàng hoá.
Hiện DN VN nhập khẩu khá nhiều sản phẩm của Ấn Độ, chủ yếu là những nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, như mực sống, vải, bông, thức ăn gia súc và nguyên liệu, da, sợi,…
Hiện nhiều mặt hàng của VN được hưởng thuế 0-7% khi vào thị trường Ấn Độ. |
Theo một số DN, sản phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ phần lớn có giá cạnh tranh, chất lượng khá và vận chuyển nhanh. Chẳng hạn, một kg bông của Mỹ hiện có giá khoảng 2 USD với thời gian vận chuyển là từ 1,5-2 tháng, trong khi đó của Ấn Độ là 1,85 USD, với thời gian vận chuyển là một tháng. Hiện dược phẩm từ Ấn Độ cũng có giá trung bình thấp hơn dược phẩm Châu Âu từ 60-70%.
Các sản phẩm trên thuộc 33,8% các dòng thuế đang hưởng thuế suất ưu đãi 0-9,4% khi vào thị trường VN, theo cam kết của VN khi thực hiện FTA ASEAN-Ấn Độ. Chẳng hạn như, thức ăn gia súc, dược phẩm, máy móc, thiết bị, ngô, bông, chất dẻo nguyên liệu, hoá chất, xơ, sợi dệt…
Ông Abhay Thakur - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM nhận định, do là đối tác truyền thống của Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực, nên chắc chắn, VN đang và sẽ nhận được nhiều ưu đãi, giảm hàng rào thuế quan trong các lĩnh vực thương mại…
“Đáng lưu ý là, từ năm 2018, Ấn Độ cam kết giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu từ 90 - 100% xuống còn 45% đối với cà phê và chè đen; 50% với hạt tiêu của VN. Đây là các mặt hàng được coi là khá nhạy cảm với Ấn Độ, nhưng đã được nước này thông qua. Đây cũng được coi là tiến triển quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước” - bà Cao Thanh Diệp, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết và khẳng định thêm: các DN Việt hơn lúc nào hết cần tận dụng lợi thế này.
N.Thanh
diễn đàn doanh nghiệp
|