Chủ Nhật, 02/12/2012 23:12

Èo uột khu kinh tế vùng biên

Hơn 10 năm nay, các tỉnh vùng biên giới Tây Nam đua nhau mở các khu kinh tế cửa khẩu nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biên mậu. Thế nhưng hiện nay, hàng loạt khu kinh tế đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan

Theo một chuyên gia, các tỉnh thường có “cái tật” rất lớn là hễ thấy ai làm gì thì muốn làm theo để cho “bằng chị, bằng em”. Việc xây dựng các khu kinh tế (KKT) biên mậu là một ví dụ. Dù nguồn vốn có hạn nhưng lại đầu tư một cách dàn trải nên cuối cùng, chẳng nơi nào ra nơi nào. Mọi hậu quả đều do người dân gánh chịu.

Đổ tiền tỉ

Nhờ có đường biên giới dài trên 100 km nên An Giang được xem như cầu nối giao thương giữa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ với Campuchia và các nước ASEAN. Hiện tỉnh này có 3 KKT ở cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) và Khánh Bình (huyện An Phú) với tổng diện tích trên 26.500 ha. Các KKT này có nhiều phân khu chức năng như khu bảo thuế, kho ngoại quan, trung tâm thương mại (siêu thị miễn thuế), đô thị, chợ nông sản, khu vui chơi giải trí… Theo Ban quản lý các KKT tỉnh An Giang, tổng số vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ở 3 KKT cửa khẩu này là trên 124 tỉ đồng.

Tại tỉnh Đồng Tháp, hiện có 2 KKT ở cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng) với tổng diện tích gần 32.000 ha (dự kiến sẽ còn tiếp tục mở rộng). Theo ban quản lý các KKT tỉnh này,  từ năm 2005 đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho các KKT khoảng 225 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng là 175 tỉ đồng và 2 khu dân cư khoảng 50 tỉ đồng. Nơi đây cũng sẽ có các công trình như KCN, trung tâm thương mại, bãi đậu xe, cao ốc văn phòng, nhà phố, chợ nội địa, quảng trường, khu kiểm hóa hải quan...

Với lợi thế là tỉnh nằm ven vịnh Thái Lan và có đường bộ tiếp giáp Campuchia, từ năm 2000 đến nay, Kiên Giang cũng đã xây dựng KKT tại thị xã Hà Tiên với tổng diện tích 1.600 ha. KKT bao gồm: Khu dân cư có diện tích khoảng 320 ha; hệ thống các công trình công cộng hơn 262 ha; khu các công trình cơ quan như bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm dịch quốc tế, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, cửa hàng miễn thuế 15 ha; các công trình thương mại quốc tế và nội địa như hội chợ triển lãm văn phòng đại diện, ngân hàng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, khách sạn, nhà hàng, kho hàng… khoảng 18,5 ha; kho ngoại quan gần 32 ha; KCN phục vụ chế biến hàng nông, lâm, hải sản khoảng 83 ha; khu rừng bảo tồn sinh thái phục vụ du lịch hơn 304 ha và các cảng biển được thiết kế với quy mô hàng ngàn tấn/năm… Tính đến nay, vốn ngân sách từ Trung ương và địa phương đã đầu tư vào KKT này là hơn 2.000 tỉ đồng.

Lo phá sản vì… vướng đủ thứ

Theo ban quản lý các KKT ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, khó khăn nhất hiện nay đối với các KKT là vấn đề thu hút đầu tư vì hệ thống giao thông chưa được quan tâm xây dựng tương xứng. Chính sách thiếu tính ổn định lâu dài cũng khiến nhà đầu tư lúng túng, gặp nhiều rủi ro, thậm chí có thể phá sản.

Vấn đề này được thấy rất rõ đối với tỉnh An Giang. Hệ thống cầu, đường trên tuyến Quốc lộ 91 đi qua tỉnh này đã xuống cấp nhiều năm nay nhưng chậm được sửa chữa, nâng cấp. Chính vì thế mà một KCN ven biên trong KKT thuộc cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên phải “trùm mền” và sau đó đã chuyển công năng sử dụng.

Trong khi đó, chính sách bán hàng miễn thuế 500.000 đồng/người/ngày theo quy định của Chính phủ cũng sắp hết hạn vào cuối năm nay. Điều này khiến khoảng 40 doanh nghiệp kinh doanh ở đây đứng trước nguy cơ lâm nợ và gần 500 lao động cũng đang chờ thất nghiệp nếu các siêu thị đồng loạt đóng cửa. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư từ Trung ương đối với KKT trọng điểm quốc gia này cũng chỉ mang tính nhỏ giọt để xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức vốn mồi…

Gặp nhiều khó khăn và bất cập nhất hiện nay chính là KKT tại cửa khẩu quốc tế Thường Phước. Từ khi địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng đến nay đã hơn 8 năm mà KKT này mới hình thành được khu tái định cư, một ngôi chợ và con đường láng nhựa về khu vực cửa khẩu. Các hạng mục công trình khác vẫn còn nằm trên giấy vì vướng khâu giải phóng mặt bằng.

Thậm chí, một khu đất nằm sát cửa khẩu quốc tế Thường Phước đang được người dân tận dụng để... dựng chuồng trại nuôi trâu, bò. Một người dân ở đây cho biết sở dĩ KKT này chưa có doanh nghiệp nào dám đầu tư hoặc đến rồi nhưng rút lui là vì đường sá đi lại phía nước bạn Campuchia rất lầy lội, nhất là vào những ngày mưa...

Công trình bề thế bỏ hoang

Tại KKT cửa khẩu Thường Phước, chúng tôi thật sự choáng ngợp với vẻ bề thế của chợ Thường Phước. Đó là một ngôi chợ với mặt tiền rộng thênh thang nằm trên trục Tỉnh lộ 841. Thế nhưng, nhìn từ ngoài vào trong chợ, chúng tối chẳng thấy một bóng người. Các lô sạp trong nhà lồng chợ này giống như những chuồng trại chăn nuôi gia súc. Một phụ nữ ở đây cho biết: “Chợ này được khánh thành khoảng 7 năm nay. Mấy tháng đầu, chính quyền địa phương vận động người dân vô chợ buôn bán. Nhiều người cũng đem hàng vô nhưng không lâu lại cuốn gói ra ngoài vì ế ẩm”.

Thốt Nốt

Người lao động

Các tin tức khác

>   Cam kết hỗ trợ nhà đầu tư Myanmar (02/12/2012)

>   Cổ phần hoá, 105 người lao động Tổng công ty Dâu tằm tơ mất việc (02/12/2012)

>   Khởi công xây nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh (02/12/2012)

>   Kiên Giang: Sân bay quốc tế Phú Quốc chính thức hoạt động (02/12/2012)

>   EuroCham kiến nghị tăng vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân (02/12/2012)

>   Tái cơ cấu EVN (02/12/2012)

>   Viettel “tiến quân” vào Cameroon (02/12/2012)

>   Việt Nam sẽ đầu tư mạnh vào Myanmar (01/12/2012)

>   Siemens VAI cung cấp thiết bị cho nhà máy thép (30/11/2012)

>   VN xếp thứ tư thế giới về xuất khẩu cao su (30/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật