Thứ Bảy, 08/12/2012 09:16

Doanh nghiệp bi quan

Tăng trưởng kinh tế thấp đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn

Ngày 7-12, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã tổ chức hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng phát triển năm 2013”. Các ý kiến tại hội nghị cho thấy mặc dù Chính phủ đã có nỗ lực lớn trong điều hành nhưng kinh tế năm 2012 vẫn tăng trưởng rất thấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân.

Kinh tế suy thoái khiến đời sống người dân trở nên khó khăn hơn. Ảnh: HỒNG THÚY

Thu nhập thấp nhất trong khu vực

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, bà Phó Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, cho biết mặc dù kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước nhưng tính chung cả năm chỉ đạt khoảng 5,2%.

Dù ưu tiên hàng đầu không phải là tăng trưởng nhưng đây là một khác biệt trong xu hướng chung của các nước xung quanh. Vì cùng trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm nhưng Lào vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,3%, Thái Lan và nhiều nước khác vẫn có tốc độ phục hồi GDP đáng nể. Trong số các nước giảm tăng trưởng so với năm 2011 là Campuchia, Indonesia... thì mức giảm tăng trưởng của Việt Nam là sâu nhất (0,7 điểm %) và là nước duy nhất giảm tốc độ tăng trưởng 3 năm liên tiếp.

Tăng trưởng kinh tế thấp đã nảy sinh nhiều hệ lụy, đặc biệt là cộng đồng DN và người dân gặp nhiều khó khăn. Tính chung cả năm có khoảng 50.000 DN giải thể, dừng hoạt động. Kết quả sơ bộ điều tra khảo sát niềm tin kinh doanh tại Việt Nam quý III/2012 do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy trong số các DN còn hoạt động cũng không lạc quan về tương lai, 60% DN không tin tưởng kinh tế có thể phục hồi trong nửa đầu năm 2013. Mặc dù Chính phủ nỗ lực tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng nhưng 38% DN cho rằng hỗ trợ của ngân hàng chỉ đến với các DN lớn và có lãi.

Đáng lưu ý là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2012 ước đạt 33 triệu đồng/người. Con số này tăng so với 28,8 triệu đồng/người năm 2011 nhưng đáng lo ngại là tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người đang có xu hướng chậm lại. Cụ thể, tốc độ thu nhập bình quân đầu người năm 2012 chỉ tăng 4% trong khi mức tăng của năm 2011 là 4,6% và mức tăng trung bình của giai đoạn 2007-2011 là 5,6%.

Việc tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người luôn thấp hơn mức tăng giá cả cho thấy cuộc sống người dân đang gặp nhiều khó khăn hơn và nguy cơ nới rộng khoảng cách thu nhập với các nước láng giềng ngày càng rõ. Hiện nay, Việt Nam đang ở tốp cuối 3 nước có thu nhập thấp nhất trong khu vực.

Sa sút động lực tăng trưởng

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sụt giảm tăng trưởng của Việt Nam bắt nguồn từ sự sa sút của các động lực tăng trưởng truyền thống là vốn sản xuất và tiêu dùng nhưng các nhân tố mới chưa đủ mạnh để hỗ trợ. Vốn đầu tư năm 2012 đã giảm 0,9% so với năm trước trong khi năm 2011, vốn đầu tư đã giảm mạnh tới 9% so với năm 2010. Về phía cầu, tiêu dùng đã giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 4,7% năm 2012. Nhiều mặt hàng giảm giá mạnh để kích cầu nhưng tiêu dùng vẫn giảm sút chứng tỏ thanh khoản của cả khối DN và dân cư đều rất khó khăn...

Câu hỏi lớn đặt ra là vì sao Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy tăng trưởng nhưng mục tiêu giải cứu DN chưa đạt hiệu quả như mong đợi, thậm chí có chính sách còn bị đánh giá là gây khó khăn thêm như thời điểm điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu, tăng thuế, phí…?

Tại hội nghị, các nhà kinh tế đều thống nhất với dự báo kinh tế Việt Nam năm 2013 tuy có thể đạt tới mức tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn nhưng dư địa chính sách rất hẹp và mục tiêu này khá mong manh.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định rủi ro lớn nhất của năm 2013 là xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng bởi nợ xấu này gắn với khối DN Nhà nước, càng gỡ càng thấy khó. “Cơ quan chức năng không dám quyết, không dám nhận trách nhiệm giải trình vì phản ứng của xã hội rất đa dạng, lợi ích nhóm lại cản trở lớn” - TS Võ Trí Thành bức xúc.

Muốn tăng trưởng trong năm 2013, cần khơi thông bằng được tín dụng, giải quyết hàng tồn kho cả ở lĩnh vực bất động sản, công nghiệp và nợ xây dựng cơ bản 90.000 tỉ đồng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cứu bất động sản chỉ nên hướng đến nợ xấu có tài sản thế chấp và nhà ở xã hội, không cứu thị trường chung.

TS Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) 

 

3 kịch bản tăng trưởng năm 2013

Kịch bản thấp: GDP tăng 5%, lạm phát tăng 5,5%.

Kịch bản chủ đạo: GDP tăng 5,68%, lạm phát tăng 7,1%.

Kịch bản cao: GDP tăng 6,34%, lạm phát tăng 8,2%.

(Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia)


Tô Hà

người lao động

Các tin tức khác

>   Không trả nợ thay các tập đoàn (08/12/2012)

>   Dấu hiệu bất thường ở Coca Cola VN (08/12/2012)

>   Hitachi Asia cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam (07/12/2012)

>   EVN lỗ tại chính sách, lãi nhờ trời (07/12/2012)

>   Bia sủi bọt (07/12/2012)

>   Năng lực sản xuất của Việt Nam được dự báo vào top 10 thế giới (07/12/2012)

>   Nhà đầu tư Mỹ kêu gọi “cải cách cấp thiết” (07/12/2012)

>   Doanh nghiệp phập phồng lo hàng Tết (07/12/2012)

>   Điện mua Trung Quốc giảm 48,6% (07/12/2012)

>   Thoái vốn, khó như lên giời (07/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật