Công nghiệp hỗ trợ… cần được hỗ trợ nhiều thứ
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là rất quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư, công nghệ nước ngoài, cũng như tạo công ăn việc làm, định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu... Thế nhưng, trong hội thảo mới đây, vẫn tồn tại những tiếng kêu lạc lõng của doanh nghiệp, những đề xuất như lĩnh vực mới hoàn toàn, chứng tỏ chính sách hỗ trợ chưa đủ.
Nhân viên công ty Brother Việt Nam giới thiệu với khách hàng thông tin các thiết bị ngành in ấn và hình ảnh, in nhãn và máy may tại Triển lãm các ngành công nghiệp phụ trợ Việt – Nhật tổ chức tháng 10.2012.
|
Ông Sanobe (hiệp hội CNHT TP Kawasaki, Nhật Bản) chia sẻ: “Đã tham gia CNHT, công ty không cần đông người, không cần vốn nhiều… mà chính là cần công nghệ. Nhà sản xuất không cần công ty CNHT nhiều vốn mà họ chỉ cần bạn tham gia vào một bộ phận rất nhỏ, chỉ cung cấp ốc vít là đã đủ sức cho doanh nghiệp tồn tại. Vấn đề quan trọng là sản phẩm phải đạt chất lượng”.
Công nghệ cần đi trước
Không xét doanh nghiệp FDI hoặc liên doanh, doanh nghiệp CNHT Việt Nam không chỉ ít người, ít vốn mà còn… ít công nghệ đạt tiêu chuẩn. Trong một khảo sát cuối năm 2011 của trung tâm Phát triển doanh nghiệp CNHT (bộ Công Thương) thực hiện tại 346 doanh nghiệp, có đến 182 doanh nghiệp nhỏ (dưới 200 lao động). Trong số doanh nghiệp trên, cơ khí là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp tham gia nhất – 59 doanh nghiệp, tiếp theo là lĩnh vực nhựa – cao su (63 doanh nghiệp), điện – điện tử (30 doanh nghiệp) nhưng đối tác của họ là các nhà sản xuất trong nước, chưa thể tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài chỉ vì công nghệ còn quá thấp.
TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu là bốn địa phương có nhiều doanh nghiệp tham gia CNHT, nhưng theo xác nhận của lãnh đạo của bốn địa phương trên, các doanh nghiệp CNHT, vì điểm yếu lớn nhất là công nghệ nên các doanh nghiệp trong nước “không đủ tự tin” để tiếp cận với các khách hàng nước ngoài. Ông Lê Tuấn Anh, tổng giám đốc công ty Cát Thái, xác nhận: “Yếu tố đầu tiên khi làm việc với các đối tác, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài, bao giờ họ cũng yêu cầu về công nghệ, sau đó mới là giá thành”. Ông Vương Trọng Sánh, trưởng phòng quản lý công nghiệp (sở Công thương Đồng Nai) cho biết, Đồng Nai hiện có 588 doanh nghiệp CNHT nhưng “lọt mắt xanh” với các nhà sản xuất nước ngoài quá ít, chỉ vì hạn chế về công nghệ. Ông Trương Văn Lộc, giám đốc chất lượng của Cát Thái, chia sẻ: “Kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp CNHT Nhật Bản và Hàn Quốc chính là sản phẩm, dù là con ốc hay hộp nhựa, nhưng hoàn chỉnh công nghệ và tích hợp nhiều giá trị công nghệ nên thuyết phục được khách hàng. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng học tập mô hình này nhưng vì chưa đủ lực nên thất bại”.
Số thống kê cũng... chưa có
Bà Trương Thị Chí Bình, giám đốc trung tâm Phát triển doanh nghiệp CNHT cho biết, trong đối tác của Toyota Việt Nam, Việt Nam chỉ có hai doanh nghiệp được chọn. Trong khi đó, để sản xuất một chiếc ôtô, nhà sản xuất cần 30.000 linh kiện với 2.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất. Theo đánh giá của viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, hiện nay, Việt Nam chỉ có 50 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và liên doanh) đủ năng lực cung cấp phụ tùng cho các nhà sản xuất ôtô, trong khi đó Indonesia có 250 doanh nghiệp, Malaysia có 400, Thái Lan có 2.500 doanh nghiệp.
Chưa có con số thống kê về độ lớn của CNHT cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm mặc dù đã có các cơ quan, tổ chức của các bộ ngành theo dõi về CNHT. Bà Bình nói: “Đây là ngành công nghiệp có số lượng doanh nghiệp tham gia đông, số lao động lớn và tạo giá trị tài sản cho xã hội không nhỏ, nhưng không hiểu sao đến giờ tổng cục Thống kê vẫn chưa có con số đầy đủ về lĩnh vực này”. Chia sẻ thêm với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Bình cho biết thêm, hiện có các ngành sản xuất: xe gắn máy, điện gia dụng, gia công kim loại, thiết bị văn phòng, xe tải và xe chở khách có 32 lĩnh vực cần doanh nghiệp CNHT trong nước tham gia.
Làm sao kết nối?
Giám đốc doanh nghiệp cơ khí Tam Hiệp Thành (Đồng Nai) cho rằng, có nhiều đơn hàng từ các đối tác nước ngoài như Nhật, Hàn nhưng chưa hề nhận được hợp đồng nào từ các doanh nghiệp trong nước. “Vì họ không biết đến chúng tôi hay là họ thiếu thông tin? Để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm được khách hàng, tôi nghĩ Nhà nước cần có kho dữ liệu thông tin để kết nối khách hàng và doanh nghiệp”, vị giám đốc Tam Hiệp Thành đề xuất.
Bà Trần Thị Hường, giám đốc sở Công thương Bà Rịa – Vũng Tàu, ủng hộ ý kiến trên: “Sắp tới sẽ cùng các tỉnh/thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương xây dựng kho dữ liệu, trong đó nhấn mạnh đến thế mạnh và năng lực của từng doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT”. Ý tưởng trên được ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc công ty CNCTech (Bình Dương) ủng hộ...
Gia Vinh
sài gòn tiếp thị
|