Xuất khẩu gạo: Làm nhiều hơn, tiền ít hơn!
Nhiều năm nay, chúng ta vẫn tự hào với ngôi thứ nhì thế giới và tại thời điểm hiện tại đã soán “ngôi vương” trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Ngành lúa gạo năm nay đang hướng tới kỷ lục mới về khối lượng xuất khẩu, thế nhưng giá trị kim ngạch lại giảm.
Điều này cho thấy sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn không đồng nghĩa với nhiều tiền hơn. Đằng sau câu chuyện thành công của ngành lúa gạo Việt Nam, có nhiều cái mất cần được đong đo.
Ngành lúa gạo Việt Nam đang hướng tới kỷ lục mới về xuất khẩu nhưng giá trị kim ngạch lại giảm sút.
|
Mặc dù còn 1,5 tháng nữa mới kết thúc năm 2012, nhưng những ngày qua ngành lúa gạo Việt Nam rộ lên 2 thông tin vui.
Thứ nhất, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa thu hoạch năm nay sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới với 43,4 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm trước. Con số này được tính toán trên cơ sở ước tính tổng diện tích trồng lúa cả năm 2012 (gộp tất cả các vụ) đạt gần 7,75 triệu ha (tăng 1,2% so với năm 2011); năng suất bình quân ước đạt 56 tạ/ha (tăng 0,6 tạ/ha).
Thứ hai, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến 31/10/2012, Việt Nam đã vươn lên trị trí số 1 về xuất khẩu gạo và các doanh nghiệp đang nỗ lực phấn đấu để đến cuối năm, Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. VFA đưa ra dự kiến Việt Nam sẽ thiết lập kỷ lục mới với 7,5 triệu tấn gạo, nhưng đang phấn đấu đạt mức 7,7 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm nay.
Việt Nam được coi là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thế nhưng nhìn lại toàn ngành lương thực hạt cốc, thực chất chúng ta vẫn đang nhập siêu. |
“Chở củi về rừng”
Nhưng, đằng sau thành tích đó, là biết bao nỗi lo. Đó là, nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống cũng đã gần bằng tiền thu về do xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhập khẩu phân bón 10 tháng đầu năm ước đạt 3,05 triệu tấn với giá trị nhập khẩu 1,33 tỷ USD (tăng 0,9% về khối lượng và 8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước). Thuốc trừ sâu và nguyên liệu nhập khẩu 10 tháng tiêu tốn 550 triệu USD (tăng 20,2% so cùng kỳ năm trước). Rõ ràng thặng dư thương mại của ngành sản xuất lúa gạo khi cân đối đầu vào - đầu ra là không đáng kể.
Ngành lúa gạo năm nay đang hướng tới kỷ lục mới về khối lượng xuất khẩu, thế nhưng giá trị kim ngạch lại giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 6,9 triệu tấn, giá trị 3,14 tỷ USD, tăng 8,3% về lượng nhưng giảm 8,7% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Tức là nông dân làm việc nhiều hơn, nhưng tiền thu về lại thấp hơn. Hầu hết gạo đã được xuất khẩu lúc giá rẻ. Hiện giá lúa gạo đang tăng trở lại nhưng lúa hàng hóa trong dân không còn bao nhiêu.
Việc ồ ạt xuất khẩu gạo đã khiến nguồn gạo gối cho năm sau giảm mạnh, tức là vào đầu năm 2013 khi giá gạo xuất khẩu tăng cao thì ta sẽ không còn nhiều gạo để xuất khẩu. Theo VFA, nếu năm nay xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo, thì lượng gạo còn tồn chuyển sang năm tới chỉ còn khoảng 500.000 tấn. Khối lượng này quá thấp so với con số trung chuyển hàng năm khoảng 1-1,2 triệu tấn, sẽ ảnh hưởng đến khối lượng gạo xuất khẩu của năm 2013.
Việt Nam được coi là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thế nhưng nhìn lại toàn ngành lương thực hạt cốc, thực chất chúng ta vẫn đang nhập siêu. Mỗi năm nước ta phải chi khoản ngoại tệ lớn hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu gạo để nhập khẩu: ngô, đậu tương, lúa mì.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhập khẩu nhóm mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc 10 tháng tính từ đầu năm 2012 ước tiêu tốn 1,92 tỷ USD, trong đó riêng ngô và khô dầu đậu tương đã lên hơn 1,5 tỷ USD. Nước ta cũng đang phải nhập khẩu lượng đậu tương và lúa mì rất lớn để phục vụ cho các ngành chế biến thực phẩm, bánh kẹo, dầu ăn.
Tính trong 10 tháng qua, cả nước đã nhập khẩu 2,36 triệu tấn lúa mì, tốn phí 743 triệu USD, so cùng kỳ năm 2011 tăng 29,4% về khối lượng và 19,4% về giá trị. Khối lượng đậu tương nhập khẩu 10 tháng là 1.248 ngàn tấn với giá trị 742 triệu USD, đây là mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng hơn cao so với năm 2011, tăng 87,9% về khối lượng và tăng 94,3% về giá trị.
Đằng sau câu chuyện thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là nhiều cái mất. Tình trạng khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, thể hiện ở việc tăng diện tích, mật độ canh tác và sử dụng ngày càng nhiều đầu vào sản xuất. |
Nhiều hơn là tốt hơn?
Vậy là một quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, thế nhưng vì sao lại phải “chở củi về rừng” như vậy? Phải chăng, ngành nông nghiệp nước ta đang quá “say mê” với những thành tích về khối lượng xuất khẩu, tự mãn với những ngôi vị nhất nhì thế giới của gạo, mà không đếm xỉa đến những loại cây lương thực quan trọng khác. Trong khi, trên thị trường thế giới, gạo đang mất giá liên tục, còn ngô và đậu tương đã tăng giá chóng mặt thời gian qua.
Đằng sau câu chuyện thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là nhiều cái mất. Tình trạng khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, thể hiện ở việc tăng diện tích, mật độ canh tác và sử dụng ngày càng nhiều đầu vào sản xuất.
Phương châm “nhiều hơn là tốt hơn” này đã dẫn tới tình trạng lạm dụng giống cây trồng, phân bón, hóa chất nông nghiệp và tài nguyên nước. Việt Nam là quốc gia nhập khẩu phân bón nhiều thứ 3 thế giới (sau ấn Độ và Brazil).
Hiện mỗi năm Việt Nam sử dụng gần 9 triệu tấn phân bón, cao gấp đôi so với cách đây 5 năm. Trong đó, phân bón dùng cho sản xuất lúa gạo chiếm tỷ trọng lớn nhất, mức sử dụng bình quân cao gấp đôi so với mức sử dụng của Indonesia. Tổ chức Oxfam khuyến cáo: “Đã đến lúc phải gây dựng lại! Với tất cả những áp lực ngày càng tăng này, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam cần phải tạo ra “nhiều hơn từ ít hơn”.
GS.TS C.Peter Timmer, Trung tâm phát triển toàn cầu, Đại học Stanford Hoa Kỳ nhận định: tiêu thụ gạo giảm trong khi thu nhập đầu người tăng và gạo ngày càng trở thành lương thực cho người nghèo. Viễn cảnh nhu cầu về gạo đang giảm sút, trong khi áp lực từ nhiều quốc gia sản xuất lúa vẫn đang tiếp tục phải tăng năng suất lúa, tăng nguồn cung để đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ. Vì vậy, Việt Nam không nên quá chú trọng vào việc tăng sản lượng lúa gạo, mà cần phải xây dựng chiến lược phát triển chuỗi sản xuất – thương mại lúa gạo bền vững hơn, giải quyết các nghịch lý để thực sự đem lại lợi nhuận cao.
CHƯƠNG PHƯỢNG
TBKTVN
|