Thứ Ba, 13/11/2012 14:39

Cà phê trước nguy cơ bị độc chiếm vùng nguyên liệu

Vượt qua Brazil, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê số một thế giới, với 1,4 triệu tấn cà phê được xuất khẩu trong niên vụ năm nay, đem lại kim ngạch đạt trên 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả khả quan này cũng không khắc phục được điểm yếu của thị trường trong nước, khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang lấn át các DN nội, làm lũng đoạn thị trường cà phê.

Nguy cơ DN ngoại độc chiếm vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu hoàn toàn có thể xảy ra


Thua do yếu chiến lược

Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng 2012, ngành cà phê đã xuất khẩu được 1,41 triệu tấn cà phê với giá trị lần đầu tiên vượt ngưỡng 3 tỷ USD, tăng 37,7% về lượng và 32,7% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Dự báo, sản lượng cà phê niên vụ 2011- 2012 của Việt Nam ước đạt trên 1,6 triệu tấn, xuất khẩu mức kỷ lục khoảng 1,5 triệu tấn so cùng kỳ 2011, tăng 23% về lượng và 24% về giá trị. Những con số khả quan trên đã cho thấy tiềm năng to lớn của ngành cà phê Việt Nam trong thời gian tới. Song, nghịch lý lại nằm ở chỗ, có tới 60-70% lượng cà phê xuất khẩu thuộc về các DN FDI.

Cũng như nhiều ngành nghề nội bị lép vế khác, câu trả lời vẫn nằm ở cả khâu chính sách lẫn nội lực của DN Việt. Trên thực tế, dù luôn là nước xuất khẩu cà phê lớn với sản lượng trên 1,2 triệu tấn cà phê mỗi năm, nhưng cà phê Việt Nam vẫn có giá trị thấp, các loại cà phê chế biến sâu như cà phê bột, cà phê hòa tan chiếm chưa tới 10% tổng sản lượng. Do đó, nhằm nâng cao giá trị cho cà phê Việt Nam, tăng nguồn thu cho ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định 23/2007/NĐ-CP, khuyến khích các DN FDI đầu tư chế biến sâu, song không được thu mua trực tiếp nguyên liệu từ người nông dân. Hưởng ứng quy định này, tại các vùng thủ phủ cà phê Việt Nam như Tây Nguyên, UBND tỉnh đều có những chính sách ưu đãi với các DN FDI. Tuy nhiên, ở Luật Đầu tư nước ngoài 2006 lại không cấm điều này, nên các DN FDI dễ dàng "lách” luật bằng cách thu mua qua hệ thống đại lý, DN TNHH trong nước, tiến hành đầu cơ thu mua cà phê hạt, phân loại và xuất khẩu. Với những lợi thế vốn có của mình, các DN FDI dễ dàng đẩy DN nội vào thế yếu. Một kết quả đáng buồn do Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam Vicofa thông báo, hiện các DN FDI đã thu mua khoảng 60% tổng sản lượng cà phê Việt Nam. Nguy cơ DN ngoại độc chiếm vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu hoàn toàn có thể xảy ra.

Thừa nhận thực trạng này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên phân tích, ngành cà phê nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế do quy hoạch, chiến lược tầm quốc gia của ta còn yếu. Trong khi những DN FDI đã có kinh nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới, đủ điều kiện về nguồn lực như đầu ra, mạng lưới phân phối, chiến lược phát triển sâu và dài hạn, đồng bộ, thì tiềm lực của DN Việt còn hạn chế. Gia nhập WTO, DN Việt có nhiều cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh song tư duy, chiến lược của nhiều DN vẫn yếu. Đa số các DN Việt không thể trực tiếp bán sản phẩm cho các nhà rang xay nước ngoài mà phải thông qua trung gian. Kết quả như hiện nay là điều đã được dự đoán trước.

Trong hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2011-2012 được tổ chức đầu tháng 11, các DN xuất khẩu cà phê còn phản ánh thực trạng DN TNHH trong nước thu mua cà phê với giá cao hơn thị trường rồi bán lại cho DN xuất khẩu. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của chính các DN trong nước đã đẩy bản thân DN vào ngõ cụt.

Bên cạnh đó, ngành cà phê Việt Nam vẫn tiếp tục đối diện nhiều vấn đề như phát triển tràn lan, không theo quy hoạch. Diện tích trồng cà phê hiện đã lên tới 586.000 ha, trong khi quy hoạch cả nước đến năm 2020 là 500.000 ha. Công tác quản lý chất lượng cà phê còn hạn chế, chưa hình thành các tổ chức liên kết trong sản xuất cà phê, công tác thu hái, chế biến còn bất cập, chưa phân loại cà phê trước khi xuất khẩu...

Chủ động giành lại thị trường

Để gỡ khó cho DN trong nước, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, các cơ quan ban ngành có liên quan cần đưa ra giải pháp đồng bộ, trong đó, đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị trong cà phê. Nếu làm được điều này, mỗi năm ngành cà phê có khả năng mang lại 20 tỷ USD/năm, thay vì mức 3 tỷ như hiện nay. Vấn đề căn cơ nữa nằm ở chính bản thân hệ thống DN Việt, phải tự thay đổi, nâng cao năng lực, tư duy cạnh tranh, kinh doanh, tăng dần chất lượng cà phê để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới chuỗi giá trị toàn cầu.

Về phía các cơ quan chức năng, việc ưu đãi với các DN FDI cũng cần phân loại, tập trung cho các DN đầu tư vào dự án cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm giá trị khác. Đặc biệt, do nguồn vốn vay luôn là điều kiện tiên quyết với DN cà phê, bởi vậy, để tháo gỡ khó khăn cho niên vụ cà phê 2012-2013, các DN đều cho rằng, NHNN nên có ưu đãi về vốn cho DN, giúp DN chủ động thu mua cà phê ngay từ đầu vụ, đặc biệt, DN cần được tiếp tục vay vốn ngoại tệ, giảm áp lực cạnh tranh với DN FDI, vì DN FDI vay vốn USD chỉ với lãi suất từ 3,5-4,5%/năm, trong khi DN nội phải vay vốn VNĐ với lãi suất rất cao.

Bên cạnh đó, để đạt ngưỡng xuất khẩu cà phê trên 1,5 triệu tấn, Nhà nước cũng nên có cơ chế, chính sách phù hợp hơn, tạo điều kiện hành lang pháp lý hợp lý cho DN nội thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê, chủ động giành lại quyền kiểm soát thị trường.

Nguyễn Nga

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Nhà thầu giao thông căng mình tiêu vốn (13/11/2012)

>   Vinashin vẫn khó trăm bề (13/11/2012)

>   91% người dân tăng tiết kiệm, ít mua sắm (13/11/2012)

>   Đắt như cước vận tải: Đủ thứ làm đội giá (13/11/2012)

>   Tồn kho trên 17.000 tấn giấy (13/11/2012)

>   Doanh nghiệp “ngoại” nở nồi, nội teo tóp - Kỳ 2: Thôn tính” mì gói, bánh kẹo (13/11/2012)

>   Đang đàm phán 22 hiệp định vay nợ nước ngoài (12/11/2012)

>   Lương “khủng” của Petrolimex: “Sẽ báo cáo bằng văn bản” (12/11/2012)

>   Hàn Quốc đứng đầu danh sách đầu tư vào Hà Nội (12/11/2012)

>   Luật Hợp tác xã mới: Xóa bỏ tình trạng doanh nghiệp trá hình (12/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật