Thứ Ba, 13/11/2012 10:45

Nhà thầu giao thông căng mình tiêu vốn

Điều kiện giải ngân tương đối ngặt nghèo khiến mục tiêu tưởng như rất vừa tầm - tiêu 4.000 tỷ đồng mỗi tháng lại trở nên hết sức khó khăn với chủ đầu tư vàcác nhà thầu ngành giao thông.

Giải ngân vốn ngân sách đang trở thành thách thức đối với nhiều dự án hạ tầng giao thông

Tính đến thời điểm này, Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT) là đơn vị đầu tiên “tung cờ trắng” trong nỗ lực giải ngân vốn ngân sách ứng trước năm 2013.

Tại cuộc họp kiểm điểm kết quả giải ngân các dự án trọng điểm của Bộ GTVT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Vân, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 85 đã phải xin “trả” lại bộ chủ quản 240 tỷ đồng vốn ngân sách không “tiêu” được tại Dự án Đường nối từ sân bay Nội Bài tới cầu Nhật Tân. Lý do của việc bị “khê” một lượng khá lớn vốn là do lãnh đạo đơn vị này không lường hết được tính phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng tại TP. Hà Nội.

“Chúng tôi chỉ có thể giải ngân được 260 tỷ đồng/500 tỷ đồng vốn ứng trước kế hoạch năm 2013, do nhiều hộ dân ở huyện Đông Anh không chịu nhận tiền, dù hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng đã được chính quyền địa phương phê duyệt”, ông Vân lý giải,

Bất chấp việc phần vốn đối ứng bị dư nêu trên ngay lập tức sẽ được điều chuyển cho các dự án ODA khác, lãnh đạo Ban quản lý dự án 85 nhiều khả năng khó thoát khỏi “án kỷ luật” từ Bộ GTVT do đăng ký vốn không sát thực tế.

Được biết, không chỉ riêng Ban quản lý dự án 85, áp lực hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn ngân sách năm 2012, bao gồm cả phần ứng trước kế hoạch 2013 đang đè nặng lên nhiều chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), hiện mới chỉ có Sở GTVT Thanh Hóa, Ninh Bình và Ban quản lý dự án Thăng Long cán đích sớm, còn lại đều phải nỗ lực rất lớn nếu không muốn bị đọng vốn, nhất là khi thời hạn giải ngân chỉ được phép đến hết ngày 31/1/2013.

“Ngoại trừ phần vốn đối ứng cho các dự án ODA, áp lực giải ngân tại các dự án trong nước sử dụng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ từ Bộ GTVT sẽ lại được các chủ đầu tư dồn xuống các nhà thầu thi công”, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư cho biết.

Thống kê từ đơn vị theo dõi thực hiện, giải ngân vốn đầu tư của Bộ GTVT cho thấy, đến hết tháng 9/2012, Bộ GTVT còn khoảng 4.653 tỷ đồng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ giao từ đầu năm 2012 chưa giải ngân. Nếu tính cả phần vốn ứng trước kế hoạch năm 2013, bình quân mỗi tháng trong quý IV/2012, các chủ đầu tư và nhà thầu phải giải ngân 3.973 tỷ đồng.

Có 2 lý do khiến việc giải ngân khối lượng vốn ngân sách trong những năm trước được coi là “vừa miếng” lại trở thành thách thức lớn đối các đơn vị thi công.

Rào cản đầu tiên chính là việc năm nay, cả nguồn vốn trong kế hoạch và vốn bổ sung đều được ghi khá muộn. Trong đó, đến ngày 20/9/2012 mới được các bộ, ngành phân khai cụ thể nguồn vốn bổ sung kế hoạch năm 2013 cho các dự án.

Lý do thứ hai là việc Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư chỉ được giải ngân cho các khối lượng mới, mà không được tiến hành ứng trước, hoặc trả nợ hoàn thành cho các đơn vị thi công.

Theo đánh giá của một số nhà thầu, yêu cầu này của Bộ GTVT, tuy đảm bảo vốn được dồn cho việc thi công các hạng mục còn lại để có thể hoàn thành dứt điểm dự án, song do hầu hết các doanh nghiệp xây lắp gặp khó khăn trong việc huy động tài chính, nên không dễ có sản lượng mới để được giải ngân.

“Đây là lý do khiến các nhà thầu mất khá nhiều thời gian để huy động lại công trường sau hơn 1 năm ngồi chơi xơi nước”, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị phải giải ngân 1.260 tỷ đồng giải thích.

Được biết, để góp phần gỡ khó khăn tài chính cho các doanh nghiệp xây lắp, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu 2 chủ đầu tư có khoản nợ các nhà thầu lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (nợ 1.057 tỷ đồng) và Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (nợ 585 tỷ đồng) chậm nhất đến hết tháng 11/2012 phải thanh toán dứt điểm.

“Nếu khoản tiền này về sớm, sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực đáng kể để chúng tôi hấp thụ hết số vốn ngân sách mới được ghi cho các gói thầu”, ông Lưu Đình Tiến, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy cho biết.

Anh Minh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Vinashin vẫn khó trăm bề (13/11/2012)

>   91% người dân tăng tiết kiệm, ít mua sắm (13/11/2012)

>   Đắt như cước vận tải: Đủ thứ làm đội giá (13/11/2012)

>   Tồn kho trên 17.000 tấn giấy (13/11/2012)

>   Doanh nghiệp “ngoại” nở nồi, nội teo tóp - Kỳ 2: Thôn tính” mì gói, bánh kẹo (13/11/2012)

>   Đang đàm phán 22 hiệp định vay nợ nước ngoài (12/11/2012)

>   Lương “khủng” của Petrolimex: “Sẽ báo cáo bằng văn bản” (12/11/2012)

>   Hàn Quốc đứng đầu danh sách đầu tư vào Hà Nội (12/11/2012)

>   Luật Hợp tác xã mới: Xóa bỏ tình trạng doanh nghiệp trá hình (12/11/2012)

>   Rót hàng trăm tỷ cho truyền tải điện, khai thác nhỏ giọt (12/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật