Doanh nghiệp “ngoại” nở nồi, nội teo tóp - Kỳ 2: Thôn tính” mì gói, bánh kẹo
Không chỉ dệt may, nhựa, cơ khí..., những ngành hàng tiêu dùng chủ lực như bánh kẹo, mì gói, nước chấm, gia vị... hiện thị phần trong nước cũng rơi dần vào tay các tập đoàn nước ngoài.
Sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài giờ đây có mặt từ các quầy kệ ở siêu thị đến các tiệm tạp hóa vùng ven...
>>Kỳ 1: Nhường sân cho nước ngoài
Các nhãn hàng dầu gội, sữa tắm, bánh kẹo, mì gói... của các thương hiệu nước ngoài được bày bán tại các cửa hàng tạp hóa (ảnh chụp tại một cửa hàng ở quận 12, TP.HCM) -
|
Trong lĩnh vực tiêu dùng, giữa khi doanh nghiệp trong nước phá sản hàng loạt thì nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng trưởng rất mạnh.
Tăng trưởng 300%
"Thị trường tiêu dùng VN đang chứng kiến sự tăng tốc của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực thực phẩm và thâm nhập những ngành nghề thực phẩm truyền thống bằng nguồn tài chính dồi dào và kinh nghiệm thị trường dày dặn"
Ông Diệp Nam Hải (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex)
|
Trên sạp tạp hóa của bà Phương, đường Trần Não (quận 2, TP.HCM) từ nhiều tháng qua xuất hiện la liệt hàng hóa như bánh kẹo, nước mắm, nước tương, mì gói, bột giặt, nước rửa chén... hầu hết đều từ các thương hiệu có vốn đầu tư nước ngoài. Bà Phương cho hay những sản phẩm của công ty nước ngoài thường bán chạy hơn vì hàng hóa lúc nào cũng có, hôm trước tivi quảng cáo, hôm sau khách ra sạp hỏi mua là có liền. Bản thân người bán cũng thích nhập những mặt hàng này vì nhân viên bán hàng chăm sóc chu đáo, lại hay có chương trình khuyến mãi dành cho người bán hàng. “Tuần rồi tôi nhập mấy thùng dầu ăn được tặng thêm một chai” - bà Phương khoe.
Giám đốc một công ty thực phẩm trong nước thừa nhận hầu hết đại gia trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng hiện nay tại thị trường VN đều là gương mặt nước ngoài. Những cái tên Acecook, Uni President, Maggie hay Unilever... ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng khi phát triển mạng lưới phân phối nhanh chóng.
Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (TP.HCM), cho biết siêu thị phải khống chế diện tích quầy kệ, nếu không một số thương hiệu nước ngoài sẵn sàng thuê hết. Thực tế hiện ở nhiều siêu thị, các gian hàng bột giặt, dầu gội hay bánh kẹo, mì gói... dễ nhận thấy sự áp đảo của những thương hiệu ngoại.
Đại diện Công ty cổ phần Acecook cho biết độ bao phủ thị trường cả nước của công ty hiện hơn 90% với 500 đại lý. Chỉ sau gần 20 năm gia nhập thị trường VN, Acecook hiện là nhà sản xuất mì ăn liền đứng đầu VN với doanh thu hằng năm hơn 4.500 tỉ đồng, có trong tay 11 nhà máy, gần đây đơn vị này còn lấn sang mảng nước chấm, gia vị.
Mới đây, Acecook VN đã quyết định tăng vốn thêm 10 triệu USD và đưa vào hoạt động dây chuyền hai nhà máy sản xuất mì ăn liền quy mô hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á tại TP.HCM. Ông Hoàng Cao Trí, phó tổng giám đốc Acecook VN, cho biết tăng trưởng doanh số trung bình của công ty những năm gần đây là 10%, riêng trong năm 2011 tăng trưởng đến 30%, các sản phẩm của công ty như mì ăn liền, cháo, dầu ăn, nước mắm... chiếm khoảng 50% thị phần cả nước. “Chúng tôi tăng thị phần nhanh chóng là nhờ nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng và ra được nhiều sản phẩm mới” - ông Trí nói.
Lĩnh vực bánh kẹo hiện cũng bị doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh dữ dội. Tham gia thị trường VN năm 2004, Công ty URC (Philippines) chủ yếu nhập khẩu sản phẩm từ Thái Lan, thế nhưng nhìn thấy sức hấp dẫn của thị trường, URC VN đã xây dựng nhà máy sản xuất bánh kẹo năm 2005, đến năm 2006 tham gia lĩnh vực nước uống. Với quy mô 40.000 tấn bánh kẹo/năm và 400.000 tấn nước giải khát không cồn/năm, trong bảy năm qua URC VN luôn giữ mức tăng trưởng bình quân 300% tại thị trường nội địa.
Theo ông Edwin Canta - tổng giám đốc URC VN, năm 2012 mặc dù kinh tế khó khăn nhưng doanh thu của URC vẫn tăng hai con số so với năm trước. Hiện nay công ty Philippines này vừa thuê thêm đất để mở rộng đầu tư sản xuất các dòng sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát mới tại nhà máy ở Bình Dương và Hà Nội.
Cũng có mức phát triển đáng ao ước là Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina chuyên sản xuất thành phẩm, bán thành phẩm bánh kẹo các loại. Trong năm 2011, khi các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước phải chật vật giải phóng hàng tồn thì đơn vị này có lợi nhuận 3 triệu USD, từng đứng đầu trong số 51 doanh nghiệp Hàn Quốc có lãi cao nhất trong năm 2011 tại VN.
Lấy mạnh đè yếu
Theo ông Nguyễn Chí Nguyện - chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài là tất yếu và hoàn toàn được dự báo trước. Các doanh nghiệp này trước khi vào VN đều có chiến lược phát triển bài bản, chỉ cần nắm bắt được thị trường họ dễ dàng nhanh chóng chiếm lấy. Theo ông Nguyện, thời cơ hiện nay của các doanh nghiệp nước ngoài là sự chống cự của doanh nghiệp VN quá yếu do chịu lãi suất cao, sức mua thấp, dẫn đến xuất hiện những lỗ hổng trên thị trường.
Ông Diệp Nam Hải, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex (TP.HCM), thừa nhận số doanh nghiệp trong nước có năng lực thâm nhập thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn doanh nghiệp trong nước vừa làm vừa học hỏi, tích lũy về tài chính trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có sẵn nguồn tài chính. Bởi vậy chỉ trong một thời gian ngắn các công ty này có thể đẩy sản phẩm lên một cách nhanh chóng, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ có thể áp dụng cách “mưa dầm thấm lâu”. Chẳng hạn với sản phẩm gia vị dùng để kho thịt, cá hay nấu canh chua... Cholimex đã có hơn 10 năm nay nhưng người tiêu dùng mới thật sự biết và quen sử dụng khi các công ty đa quốc gia nhập cuộc vào thị trường này.
Theo đại diện Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa - Miliket, xét về công nghệ sản xuất doanh nghiệp trong nước không hề thua kém, nhưng điểm yếu của doanh nghiệp VN là nguồn lực tài chính có hạn, quản trị chưa chuyên nghiệp. “Điều này khiến doanh nghiệp bị thua thiệt trên mặt trận truyền thông, quảng cáo xây dựng thương hiệu” - bà này cho biết.
Ngành mì ăn liền, nước chấm những năm gần đây các doanh nghiệp trong nước chật vật giữ thị trường thì doanh nghiệp nước ngoài luôn có mức tăng trưởng 20-30%. Ông Hoàng Cao Trí cho rằng ngoài tài chính và kinh nghiệm, yếu tố thương hiệu nước ngoài cũng đóng góp thành công cho các sản phẩm của công ty không nhỏ. “Chúng tôi thừa hưởng những kinh nghiệm sản xuất công nghệ từ nước phát triển, lợi thế trong việc nghiên cứu sản phẩm mới” - ông Trí nói. Theo nghiên cứu thị trường mới nhất, VN đứng thứ tư thế giới về sức tiêu thụ sản phẩm mì ăn liền với mức tăng trưởng đang có là 15-20%. Tuy nhiên, thực tế thị trường mì ăn liền lại đang rơi vào tay của những công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng mì ăn liền cao cấp.
Nếu như tiếp cận được vốn...
Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Bibica, cho biết trong lĩnh vực bánh kẹo, công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang có nhiều ưu thế vì khi vào VN họ đã có những sản phẩm bán chạy được nghiên cứu thị trường từ trước. Có những doanh nghiệp ban đầu vào VN chỉ sản xuất vài mặt hàng, nhưng nhìn thấy tiềm năng của thị trường họ mở rộng sang lĩnh vực bánh kẹo từ 2-6 sản phẩm, chỉ sau năm năm đã đến vài chục sản phẩm. “Hiện nay các doanh nghiệp VN đã dần tiếp cận được công nghệ, nếu có sự hỗ trợ về vốn và đầu tư hệ thống phân phối tốt, doanh nghiệp trong nước vẫn có thể cạnh tranh được” - ông Thiện nói.
|
NHƯ BÌNH
Tuổi Trẻ
|