Thứ Hai, 12/11/2012 15:34

Doanh nghiệp bưu chính tung "chiêu" giảm nợ xấu

Tìm hiểu kỹ khả năng tài chính của khách hàng trước khi phục vụ, kiểm soát tốt việc thu hồi công nợ… đang là những chiêu thức giúp các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát hạn chế được tình trạng bị khách xù nợ, nợ đọng cước kéo dài.

Đối mặt với nợ xấu

Đặc thù hoạt động của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ bưu chính chuyển phát là thường cho các khách hàng lớn, khách hàng DN được sử dụng dịch vụ trước, sau đó định kỳ 1 hoặc 2 tháng khách hàng mới thanh toán cước. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng quy trình cung cấp dịch vụ kể trên tiềm ẩn nhiểu rủi ro đối với các DN bưu chính chuyển phát.

Trao đổi với báo BĐVN, ông Nguyễn Đức Thế - TGĐ Netco cho biết, gần đây số nợ khó đòi của các khách hàng dùng dịch vụ chuyển phát Netco cung cấp đã tăng cao. Trước đây, các khách hàng thường chỉ nợ cước “gối đầu” từ tháng này sang tháng kế tiếp nhưng hiện nhiều khách hàng nợ kéo dài 3-4 tháng vẫn chưa trả. Thống kê sơ bộ, số nợ cước tồn đọng hàng tháng của khách hàng Netco khoảng một vài tỷ đồng.

“Điều này rất vướng cho Netco, bởi trong khi nhiều khách hàng kéo dài thời hạn thanh toán cước thì chúng tôi vẫn phải thanh toán ngay các khoản chi phí sản xuất như: xăng dầu, vận tải hàng không, đường bộ đồng thời phải trả lương cho CBCNV đúng kỳ hạn”, ông Thế chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo ViettelPost, Tín Thành và SaigonPost đều thừa nhận họ đã và đang phải đối mặt với khó khăn do một số khách hàng DN hoạt động chật vật, phá sản nên kéo dài thời hạn thanh toán cước hoặc “bùng” nợ cước.

Tại cuộc tọa đàm chủ đề “Mở cửa thị trường bưu chính: Cơ hội và thách thức” diễn ra tháng 5/2012, TGĐ ViettelPost Lương Ngọc Hải cho hay, một khó khăn lớn với DN bưu chính là một số khách hàng DN ngấp nghé bờ vực phá sản, vẫn dùng dịch vụ bưu chính của 1 DN nhưng nợ cước, sau đó lại chuyển sang dùng dịch vụ của DN khác. Tâm lý các DN bưu chính muốn “giữ chân” khách hàng nên thường cho nợ tiền cước vài tháng, vì thế đến khi DN đó chính thức tuyên bố phá sản thì số nợ xấu mà các DN bưu chính phải gánh đã lên tới 500 triệu - 1 tỷ đồng.

Còn ở thời điểm hiện tại, theo ông Hải, vẫn có hiện tượng khách hàng chây ỳ công nợ cũng như khó có khả năng trả nợ cước do chuẩn bị phá sản song số lượng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng doanh thu của ViettelPost, công nợ tồn hiện nay chưa đến 500 triệu đồng.

Tương tự như ViettelPost, với Tín Thành và SaigonPost, tỷ lệ khách hàng xù, bùng nợ cước sử dụng dịch vụ vẫn có nhưng không lớn. Đơn cử, với SaigonPost, số công nợ bị “xù” chiếm chưa tới 1% tổng doanh thu hàng tháng của DN.

Kiểm tra "sức khỏe" khách hàng mới

Giải thích cho việc hiện nay số nợ khó đòi cũng như các trường hợp khách hàng “xù” nợ cước đã giảm đáng kể, ông Lương Ngọc Hải cho biết, từ giữa năm 2012 đến nay, Bưu chính Viettel đã đưa vào hoạt động Ban công nợ khó đòi do một Phó TGĐ điều hành, theo dõi hàng tuần tình hình thu hồi công nợ tại tất cả đơn vị trực thuộc. Với ViettelPost, các khoản nợ trên 3 tháng được coi là nợ khó đòi và với khách hàng có khoản nợ cước trên 100 triệu đồng/tháng thì Ban thu hồi công nợ khó đòi sẽ thẩm tra cũng như quản lý chặt về tiến độ thu hồi nợ. Từ khi Ban thu hồi công nợ khó đòi đi vào hoạt động, chỉ tiêu thu hồi công nợ hàng tháng của ViettelPost đều ở mức trên 98%, các khoản nợ trên 4 tháng đã được thu hồi và còn rất ít nợ khó đòi.

Đại diện SaigonPost cho hay, lường trước được nguy cơ kinh tế khó khăn sẽ khiến một số khách hàng DN chây ỳ, nợ cước kéo dài, thậm chí là “bùng” nợ, từ giữa năm 2011 đến nay, SaigonPost đã đưa vào áp dụng các chính sách để giảm thiểu nguy cơ trên. Thay vì cho phép khách hàng sau 2-3 tháng mới phải thanh toán nợ cước, hiện SaigonPost yêu cầu khách hàng thanh toán nợ cước vào cuối tháng. Đặc biệt với khách hàng lớn, hàng tháng SaigonPost đều gửi thông báo nợ ngay; không để “thả nổi” như giai đoạn trước, sau khoảng trên 3 tháng khách hàng chưa trả nợ mới gửi thông báo nợ.

Bên cạnh đó, trước khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng DN mới, SaigonPost đều kiểm tra tư cách pháp lý, năng lực tài chính của khách hàng nhằm hạn chế tối đa tình trạng bị đối tượng khách hàng xấu lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn để “chây ỳ”, nợ đọng cước kéo dài. Quá trình thu hồi công nợ của các khách hàng cũng được DN này kiểm soát chặt chẽ hơn, “quy hoạch” khách hàng thành từng nhóm như: khách hàng DN điện tử, khách hàng DN tân dược… để có biện pháp thu hồi nợ phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Tú - TGĐ Tín Thành cũng chia sẻ, từ cuối năm 2011, Tín Thành đã triển khai hàng loạt giải pháp để kiểm soát kỹ công tác thu hồi công nợ như: quy định rõ thời hạn thu hồi nợ của từng nhóm khách hàng; xây dựng chính sách thưởng - phạt, khoán doanh số, kết quả thu hồi công nợ cho các đơn vị, thậm chí tới từng nhân viên kinh doanh… Với các khách hàng yêu cầu sử dụng dịch vụ số lượng lớn, một trong những điều kiện để Tín Thành quyết định cung cấp dịch vụ là khách hàng đó phải đủ “sức khỏe”, có khả năng chi trả. Thậm chí, từ đầu năm nay, Tín Thành đã chấp nhận trả phí hàng năm để trở thành thành viên 1 tổ chức đánh giá tín dụng của nước ngoài, nhờ đó DN có thêm nguồn thông tin về tình hình tài chính của khách hàng. “Thực tế, có nhiều đơn vị đã yêu cầu Tín Thành đảm trách vận chuyển hàng cho họ nhưng chúng tôi không dám làm vì nhận thấy khả năng thanh toán của họ gần như không có. Đến nay, toàn bộ khoản nợ cước của khách hàng từ tháng 1 đến khoảng tháng 8/2012 đều đã cơ bản được thu đủ", ông Tú nói.

M.T

ICTnews

Các tin tức khác

>   Kiểm soát thép Trung Quốc, cứu thép Việt (12/11/2012)

>   Thanh tra việc hoàn thuế trong tạm nhập, tái xuất xăng dầu (12/11/2012)

>   Carlsberg tham vọng mở rộng thị phần (12/11/2012)

>   Gãy quy hoạch, công nghiệp xi măng vỡ trận (12/11/2012)

>   Nhật sẽ đầu tư mạnh vào dịch vụ (12/11/2012)

>   Doanh nghiệp “ngoại” nở nồi, nội teo tóp (12/11/2012)

>   EVN phát hành trái phiếu để trả nợ (12/11/2012)

>   Đường về chông chênh (11/11/2012)

>   Giá xăng giảm 500 đồng một lít (11/11/2012)

>   Doanh nghiệp xăng dầu sai phạm sẽ bị xử lý (11/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật