Đường về chông chênh
“Hiện người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở các tỉnh phía Bắc, không còn thích sử dụng đồ nội thất Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đồ gỗ khai thác thị trường nội địa. Tuy nhiên, có đến hơn 95% kiến trúc sư thiết kế căn nhà thật đẹp nhưng phải chỉ chủ nhà đến các cửa hàng đồ nội thất “nhặt” từng món về, thậm chí phải đi nhiều nơi mới mua được món hàng phù hợp, may mắn thì gần giống với bản vẽ ban đầu, không thì phải chịu” - ông Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho biết về thực trạng của thị trường đồ gỗ nội địa hiện nay.
Lâu nay, DN đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang cả trăm thị trường nhưng lại bỏ ngỏ thị trường nội địa. Nay muốn quay về sân nhà thì lúng túng không biết tiếp cận thị trường thế nào. Sản phẩm nội thất làm ra mặc dù độc đáo nhưng không được người tiêu dùng biết đến và hoàn toàn chưa có sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà thiết kế.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), DN Việt xuất khẩu đi hàng trăm thị trường, khách hàng đòi hỏi rất khắt khe về mẫu mã, chất lượng và mẫu mã mới ra đời thường xuyên. Các DN hoàn toàn có thể phát triển mẫu, cải tiến mẫu và hoàn toàn có đủ khả năng làm hàng cho thị trường nội địa.
Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Hội Kiến trúc sư tại một số nhà máy sản xuất cho thấy các kiến trúc sư rất bất ngờ, thích thú trước sản phẩm của DN sản xuất. Kiến trúc sư rất cần các thông tin về nhà cung cấp, mẫu mã mặt hàng đa dạng, nguồn cung đáng tin cậy, chất lượng tốt, giá cạnh tranh với hàng nhập khẩu... Nhà sản xuất thì cần các thông tin về xu hướng, thị hiếu người tiêu dùng đối và đầu ra sản phẩm. Vì vậy, nếu DN sản xuất và kiến trúc sư liên kết với nhau và mở rộng liên kết các cửa hàng bán lẻ đồ gỗ nội thất thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Quan ngại lớn nhất của các DN là DN xuất khẩu quen sản xuất hàng loạt, nếu sản xuất theo đặt hàng của nhà thiết kế thì phải đầu tư nhà xưởng, sản xuất số lượng ít, giá thành sẽ cao. Ngoài ra, phần lớn người Việt còn nặng tâm lý “không đụng hàng”; chưa có nhiều người tiêu dùng chịu chi cho nội thất nên không có nhiều “đất sống” cho các DN khi quay về nội địa. Nhà sản xuất muốn quay về thị trường nội địa phải hình dung tất cả khó khăn liên quan đến năng lực thiết kế, đánh giá thị trường, hệ thống bán lẻ (hiện chưa có hệ thống bán lẻ nội thất chuyên nghiệp).
Thanh Nhân
Người lao động
|