Gãy quy hoạch, công nghiệp xi măng vỡ trận
Đầu tư ồ ạt, đi trước quy hoạch, hạn chế trong công tác nghiên cứu, dự báo thị trường đang khiến ngành xi măng có nguy cơ vỡ trận, khi một số doanh nghiệp lớn đã phải giãn hoặc tạm dừng sản xuất, còn các doanh nghiệp nhỏ thì lâm vào tình trạng sống dở, chết dở.
Sự chuyển từ trạng thái sốt và thiếu thường xuyên sang tranh bán và tồn kho lớn đã đặt ra câu hỏi lớn về định hướng phát triển bền vững cho ngành công nghiệp xi măng trong Quy hoạch Phát triển ngành xi măng giai đoạn 2005-2010, định hướng đến năm 2020.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Ngày 18/6/2005, đúng một tháng sau khi Quy hoạch Phát triển ngành xi măng giai đoạn 2005-2010 được phê duyệt, Tổng công ty Vinaconex khởi công xây dựng Nhà máy Xi măng Cẩm Phả, với tổng mức đầu tư gần 4.740 tỷ đồng, công suất thiết kế 2,3 triệu tấn xi măng bằng lò quay theo phương pháp khô, sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hoá ở mức cao. Đặt tại Quảng Ninh, Nhà máy có thể sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn nguyên liệu từ các mỏ đá Quang Hanh, mỏ sét Hà Chanh, than Quảng Ninh. Đồng thời, Nhà máy còn nằm cạnh cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tài 15.000 tấn - nơi trung chuyển thuận lợi sản phẩm đầu ra.
Vào thời điểm ấy, khái niệm “cạnh tranh trên thị trường xi măng” không làm chủ đầu tư bận tâm, bởi lẽ, với vị thế là một doanh nghiệp xây dựng quy mô nhất nhì cả nước, “chỉ cần cung cấp đủ cho nhu cầu nội bộ, thì năng lực 2,3 triệu tấn... vẫn còn nhỏ”. Thậm chí, có người lo xa đã nghĩ đến việc, có lẽ phải soạn ngay luận chứng kinh tế để làm dây chuyền tiếp theo để có thể thỏa mãn nhu cầu xi măng.
Sau đó hơn một năm, ngày 16/10/2006, Nhà máy Xi măng Đồng Bành tiếp tục được khởi công xây dựng. Dự án được đầu tư bởi các cổ đông sáng lập là Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (Mie), Công ty Xi măng Lạng Sơn. Dự án có công suất 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm, tổng vốn đầu tư 1.288 tỷ đồng. Nhưng do tiến độ thi công bị chậm mất 2 năm, nên mức đầu tư dự án đã đội lên thành 1.505 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, ngay từ thời điểm đầu tư Dự án này, ngành chức năng đã có những cảnh báo về nguy cơ dư thừa nguồn cung xi măng. Thế nhưng, dù không “khoẻ” như Vinaconex, sau 24 tháng thi công, Nhà máy Xi măng Đồng Bành được kỳ vọng “sẽ trở thành trụ cột công nghiệp của Lạng Sơn”.
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, Xi măng Cẩm Phả chưa kịp định vị thương hiệu; Xi măng Đồng Bành còn chưa được hưởng niềm vui “hàng xuất đi - tiền thu về”, thì cả hai niềm kỳ vọng ngày nào đã cùng mang chung một tên gọi: “Chúa Chổm”. Trong đó, Xi măng Cẩm Phả có dư nợ tính đến ngày 31/3/2012 là 2.950 tỷ đồng, thua lỗ sau 3 năm hoạt động 1.259 tỷ đồng; Xi măng Đồng Bành có dư nợ 1.298 tỷ đồng, thua lỗ 177 tỷ đồng.
Thế là, những thành tích được viết đi viết lại trong hầu hết các bản báo cáo và được phát hành khắp mọi nơi kiểu như “trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành xi măng đã có sự tăng trưởng đáng kể, đưa nước ta từ chỗ phải nhập khẩu xi măng, trở thành quốc gia có công suất thiết kế lớn nhất ASEAN”, hoặc “năm 2009 là năm đầu tiên ngành xi măng đã chủ động được nguồn cung xi măng, không phải nhập khẩu”... bỗng chốc chuyển thành mối lo.
Tồn kho do vỡ quy hoạch
Năm 2011, tổng công suất ngành xi măng là 67 triệu tấn. Tuy nhiên, do tiêu thụ trong nước chỉ đạt 49,1 triệu tấn (giảm 1 triệu tấn so với năm 2010), nên các nhà máy đều khai thác dưới công suất thiết kế. Đầu năm 2012, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã thừa nhận, “cung lớn hơn cầu đang diễn ra trong ngành xi măng”.
Trong khi đó, Quy hoạch Phát triển ngành xi măng giai đoạn 2005-2010, định hướng đến năm 2020 đã đưa ra mức dự báo về nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2010 là 46,8 triệu tấn, năm 2015 là 62,5 triệu tấn và đến năm 2020 là 68-70 triệu tấn.
Như vậy, bất chấp điều đã được khẳng định là Quy hoạch “đã tính toán khá chính xác nhu cầu sử dụng xi măng, có tính tới phần dư thừa để bình ổn thị trường và cho xuất khẩu”, ai cũng có thể nhận thấy rằng, ngành công nghiệp xi măng đã đi trước quy hoạch khá xa.
Đến thời điểm hiện tại, mức dư thừa của ngành xi măng đã không chỉ dừng ở con số trên dưới 3 triệu tấn của năm 2009. Năm 2012, dự báo tiêu thụ xi măng cả nước là 48 - 49 triệu tấn, trong khi đó, với công suất thiết kế lên đến 72 triệu tấn và dù chỉ hoạt động cầm chừng để cho ra lò 67 triệu tấn, thì vẫn còn hơn chục triệu tấn xi măng tồn kho.
Công suất xi măng lớn, trong khi đầu ra thu hẹp, nên tồn kho xi măng bị đẩy lên cao ngất là điều tất yếu. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, 10 tháng đầu năm 2012, tồn kho tăng 51,3% so với cùng kỳ, ước chừng ở mức 4 triệu tấn, trong đó riêng Tổng công ty Công nghiệp xi măng (Vicem) đã đóng góp 1,4 triệu tấn.
Còn theo số liệu của Bộ Tài chính về kết quả thanh tra 17 dự án xi măng sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, tính đến đầu tháng 4/2012, giá trị xi măng tồn kho tại 16 dự án đã lên tới 1.988.383 triệu đồng. Thế là, trong khi các cơ quan còn đang “bàn xem hướng đi như thế nào cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng”, thì do sức chịu đựng có hạn, hàng loạt doanh nghiệp xi măng... đã ra đi!
Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, được đưa ra để lý giải cho tình trạng cung vượt cầu nêu trên. Về khách quan, đó là khủng hoảng kinh tế, cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tín dụng và đóng băng thị trường bất động sản, chỉ cần đơn cử trường hợp của Vicem thì, tiêu thụ xi măng trong toàn xã hội giảm 10-15%, riêng trong các công trình có vốn ngân sách đã giảm tới 40%.
Về mặt chủ quan, đó là năng lực sản xuất lớn hơn, thậm chí lớn hơn rất nhiều nhu cầu tiêu thụ. Nói một cách khác, việc thực hiện Quy hoạch Phát triển ngành xi măng giai đoạn 2005-2010, định hướng đến năm 2020 không nghiêm túc. Vì sao lại có thể thẳng thắn đưa ra kết luận như vậy, xin thưa, trong số hàng trăm nhà máy xi măng, đã bao giờ Bộ Xây dựng phát hiện ra một nhà máy nào xây dựng vi phạm Quy hoạch?
Ngoài ra, có lẽ cùng cần thiết phải nhắc tới quan niệm của doanh nghiệp, khi họ nhận thấy sự “lạ lẫm” của bản Quy hoạch, đó là trường hợp của Vicem. Theo đó, với vai trò “dẫn dắt, bình ổn thị trường và chiếm 34% thị phần”, nhưng đại diện Vicem cho rằng, họ chưa bao giờ được tham gia góp ý kiến trong việc lập quy hoạch phát triển ngành.
Hiện tại, hệ luỵ của câu chuyện vỡ quy hoạch xi măng đã được thấy rõ qua số lượng tồn kho của ngành xi măng và hàng loạt doanh nghiệp lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần, không thể thanh toán được nợ vay đầu tư…
Hải Yến
đầu tư
|