Xuất khẩu gạo: Để đi vững trên cả "hai chân"
Năm 2012, xuất khẩu gạo hướng tới kỷ lục 7,7 triệu tấn, đứng đầu thế giới, nhưng xét về kim ngạch xuất khẩu, trong số 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay thì Việt Nam lại đứng hạng cuối.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Thái Lan, 9 tháng đầu năm 2012, Thái Lan xuất khẩu 5.3 triệu tấn, thu về 3.5 tỷ USD. Ấn Độ, trong cùng thời điểm, xuất khẩu 5.8 triệu tấn, kim ngạch đạt 3 tỷ USD.
Tiến nhanh về "lượng"
Từ đầu tháng 10, Việt Nam đã vươn lên vị trí số một thế giới về xuất khẩu gạo, tiếp theo là Ấn Độ với 5.8 triệu tấn và Thái Lan 5.3 triệu tấn... Lũy kế 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất được gần 6.5 triệu tấn gạo, trị giá trên 2.9 tỷ USD.
Đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì được ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Theo kế hoạch, hai tháng cuối năm, cả nước sẽ xuất tiếp khoảng 1.05 triệu tấn. Như vậy, dự kiến cả năm đạt 7.5 triệu tấn, thậm chí 7.7 triệu tấn gạo xuất khẩu.
Trong 3 năm trở lại đây, lúa gạo Việt Nam liên tục bứt phá để phá vỡ những kỷ lục mới trong xuất khẩu. Cụ thể, năm 2009, xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 6 triệu tấn/năm, tăng gần 1.4 triệu tấn so với năm 2008. Sang năm 2010, gạo xuất khẩu Việt Nam chiếm đến 21.4% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới với 6.75 triệu tấn gạo xuất khẩu. Còn kết thúc năm năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu 7.105 triệu tấn gạo, đạt giá trị 3.651 tỷ USD. Trong năm 2012, nếu xuất khẩu gạo có thể đạt 7.7 triệu tấn thì đây sẽ là dấu ấn tiếp theo của ngành lúa gạo Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường thế giới và cũng mở ra cơ hội lớn để Việt Nam trở thành “vựa lúa” của thế giới.
Nhưng điều đáng nói, khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo 25% tấm (tức loại phẩm cấp thấp), gạo 5% tấm hiện vẫn chưa sánh được với gạo Thái Lan, trong khi gạo phẩm cấp thấp bị cạnh tranh quyết liệt bởi gạo Ấn Độ và Myanmar.
Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như nông dân dù ký được những hợp đồng với khối lượng lớn nhưng lợi nhuận thu về không tương xứng.
Và theo các chuyên gia, sản lượng lúa gạo của Việt Nam đã đạt đỉnh, và để có thể duy trì vị thế xuất khẩu trên thị trường thế giới, chúng ta chỉ còn cách nâng cao chất lượng hạt gạo, thay vì tập trung tăng khối lượng xuất khẩu; đồng thời xây dựng những doanh nghiệp mạnh về năng lực chế biến, kho tồn trữ, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, xây dựng thương hiệu… để vươn lên các phân khúc thị trường gạo chất lượng cao.
Chỉ có thể cân bằng giữa lượng và chất thì gạo Việt mới có thể vững chãi trên thị trường thế giới, tận dụng được những “cơ hội vàng” trong tương lai.
Để đi vững về "chất"
Đánh giá của nhiều nhà chuyên môn tại hội nghị: “Tổng kết điều tra nông hộ tạm trữ lúa” và được tổ chức đầu tháng 11/2012, tại Đồng Tháp, cho thấy hiện khả năng tồn trữ lúa gạo ở Việt Nam yếu kém bởi vì áp lực nguồn cung lúa hàng hóa lớn khi vào vụ thu hoạch rộ, trong khi đó, doanh nghiệp xuất gạo ít quan tâm chịu đầu tư kho tồn trữ vì không có vùng nguyên liệu, hầu như chỉ đi thu gom xuất khẩu khi ký được hợp đồng.
Hệ thống kho chứa yếu kém khiến gạo Việt Nam luôn bị động khi ký các hợp đồng xuất khẩu
|
Điều này khiến gạo Việt Nam luôn yếu thế trước các nhà xuất khẩu gạo nước ngoài là doanh nghiệp rất thiếu kho chứa vì vậy dẫn đến áp lực phải giải quyết lượng gạo bằng mọi giá (kể cả với giá rẻ) mỗi khi đến vụ thu hoạch.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, muốn gạo Việt Nam có thương hiệu, được các thị trường biết đến rõ nét hơn, trước hết phải có được một hệ thống logistic hoàn thiện từ xây dựng vùng nguyên liệu đến kho chứa, nhà máy xay xát, sấy khô, dịch vụ giao nhận…
Và để làm được điều này, việc phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn hiện nay không thể dừng lại ở cung cấp vật từ và bao tiêu sản phẩm cho người trồng lúa một cách đơn thuần như hiện nay.
Đồng tình với ý kiến của ông Dũng, TS Lê Văn Bảnh (Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long) cho rằng nếu doanh nghiệp lương thực tham gia vào xây dựng cánh đồng mẫu lớn thì sẽ có được vùng nguyên liệu ổn định để xuất khẩu, tiến tới xây dựng chất lượng hạt lúa và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhưng hiện nhiều doanh nghiệp lương thực lại không mặn mà vì thiếu vốn; khó khăn về nhà máy xay xát, kho tàng tồn trữ.
Những bất cập trên là những nguyên nhân chủ yếu khiến 23 năm qua kể từ khi hạt gạo Việt Nam xuất hiện trên thị trường thế giới (năm 1989) câu hỏi “Đến bao giờ và làm thế nào hạt gạo Việt Nam mới có thương hiệu vững chắc trên thương trường quốc tế”, vẫn đang đi tìm câu trả lời thích đáng.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, ngày 12/11, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận đây là công việc khó. Để có được thương hiệu gạo Việt Nam, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bên cạnh việc sắp xếp và quy hoạch lại sản xuất các vùng trồng lúa, áp dụng các giống có chất lượng cao hơn, năng suất cao hơn… thì quan trọng không kém là sự chủ động của các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng, các chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường lúa gạo thế giới, các doanh nghiệp chính là những đầu tàu dẫn dắt cả chuỗi giá trị xuất khẩu gạo, thể hiện năng lực cạnh tranh của quốc gia trong ngành hàng này.
Và lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam chỉ có thể được xác lập một cách mạnh mẽ và bền vững thông qua xây dựng được một chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh, có sự phối hợp từ quy trình sản xuất đến quy trình chế biến tương ứng với tiêu chuẩn, yêu cầu của từng thị trường, nhất là những thị trường cao cấp. Để cả doanh nghiệp và người trồng lúa bớt dần lận đận với những hợp đồng “lượng nhiều, đô ít”.
Phương Nguyên
CHÍNH PHỦ
|