Thứ Bảy, 17/11/2012 09:19

“Vực thẳm tài khóa” Mỹ và bài học từ khủng hoảng nợ châu Âu

Khi bong bóng bất động sản bắt đầu bùng phát vào năm 2006, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã ngay lập tức nhớ tới bài học từ Nhật Bản để đưa ra những phản ứng của mình. Và hiện tại, họ tiếp tục nhìn sang những gì đang diễn ra tại châu Âu để có thể vạch ra kế hoạch đối phó kịp thời với tình trạng thâm hụt ngân sách hay nguy cơ “vực thẳm tài khóa” đang đếm ngược từng ngày.

Từ khủng hoảng nợ châu Âu…

Khi Hy Lạp rơi vào khủng hoảng và đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Chính phủ Hy Lạp đã buộc phải liên tục đưa ra các biện pháp khắc khổ nhằm thu hẹp tình trạng thâm hụt ngân sách cũng như đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cứu trợ quốc tế.

Hậu quả là nền kinh tế Hy Lạp đã phải trả một giá rất đắt. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, Hy Lạp có thể rơi vào suy thoái trong vòng 6 năm liên tiếp kể từ năm 2013 với tốc độ sụt giảm trung bình hàng năm lên tới 4.2%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại đây đã lên tới 25%. Tình hình cũng rất khó khăn khi Bồ Đào Nha buộc phải thực hiện các chương trình khắc khổ nhằm giảm thâm hụt.

Những gì diễn ra tại Hy Lạp và Bồ Đào Nha cho thấy, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên chủ động đưa ra các phương án nhằm kìm hãm tốc độ tăng trưởng nợ trước khi nhà đầu tư buộc họ phải làm như vậy. Khi đó, chi phí để giải quyết khủng hoảng sẽ vô cùng lớn.

Một bài học khác mà Mỹ có thể học được từ Vương quốc Anh. Mặc dù không phải thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng khi nợ công bùng nổ, lợi suất trái phiếu tăng cao nhưng Chính phủ của Thủ tướng David Cameron vẫn công bố các biện pháp cắt giảm chi tiêu "nghiệt ngã" nhất trong vòng nhiều thập kỷ khi đứng trước sức ép tài chính lớn nhất kể từ sau thế chiến thứ 2.

Hậu quả là tốc độ suy thoái tại Anh mạnh gấp đôi và nền kinh tế chỉ có thể bắt đầu hồi phục từ năm 2013 sau khi Chính phủ nước này bắt đầu thực thi một số biện pháp nới lỏng tiền tệ.

Nariman Behravesh, nhà kinh tế học tại IHS Inc cho rằng: “Người Anh đã để lại một bài học sâu sắc rằng, nền kinh tế có thể chịu thiệt hại nặng nề nếu đột ngột cắt giảm chi tiêu mà không đi qua giai đoạn củng cố tài chính, đặc biệt trong trường hợp nền kinh tế vẫn đang yếu ớt”.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau khi xem xét việc thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng tại 28 quốc gia bao gồm cả châu Âu và Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, việc “thắt” quá mạnh và đột ngột sẽ có tác động tiêu cực lớn hơn đối với nền kinh tế so với các biện pháp vĩ mô truyền thống.

Jacob Kirkegaard, chuyên gia kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson giải thích: “Việc thắt chặt tài khóa quá mức sẽ làm giảm đáng kể tính hiệu quả của chính sách lãi suất thấp gần 0% của Mỹ”.

… đến hành động của Mỹ

Một trong những bài học lớn nhất mà Mỹ học được từ khủng hoảng nợ châu Âu là: “Đừng để nước đến chân mới nhảy”, điều này đồng nghĩa với việc những hành động ngân sách phải đến trước khi thị trường tài chính đòi hỏi điều đó. Việc cắt giảm chi tiêu khổng lồ một cách đột ngột không phải là cách tốt nhất để giảm thâm hụt và các ngân hàng trung ương luôn phải sẵn sàng hành động để có thể bù đắp sự thiếu hụt vốn cho nền kinh tế.

Alice Rivlin, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng cho biết: “Bài học từ châu Âu là không chờ đợi cho đến khi khủng hoảng hình thành mới bắt đầu đưa ra hành động. Hãy hành động ngay. Một bài học khác là chính sách thắt lưng buộc bụng không phải là đơn thuốc tốt cho các nền kinh tế yếu kém”.

Ngân sách Mỹ đã rơi vào tình trạng thâm hụt 11 năm liên tiếp, đáng chú ý mức thâm hụt trong 4 năm gần đây là trên 1,000 tỷ USD. Hệ quả là nợ công của Mỹ trong năm nay tăng vọt lên 67% GDP so với mức chỉ 36% vào năm 2007. Theo số liệu từ Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ, thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2012 kết thúc ngày 30/09 tương đương với 7% GDP.

Tuy nhiên, may mắn hơn các nước đang ngập chìm trong khủng hoảng tại châu Âu, lợi tức trái phiếu của Mỹ không tăng “phi mã” do nền tảng kinh tế vững chắc được xây dựng từ lâu và trái phiếu Mỹ vẫn luôn được coi là một loại tài sản an toàn bậc nhất.

Tổng thống vừa tái đắc cử Barack Obama cũng đã xem mục tiêu giảm thâm hụt là ưu tiên hàng đầu trong số những thách thức mà ông cần giải quyết trong 4 năm tiếp theo tại Nhà Trắng.

Trong phiên họp đầu tiên sau khi tái đắc cử, ông Obama cho biết sẽ cân nhắc những yêu cầu từ đảng Cộng hòa trong thỏa thuận chung nhằm ngăn chặn “vực thẳm tài khóa” vào đầu năm sau. Ông cho rằng “Mỹ cần phải kết hợp việc cắt giảm chi tiêu với thu ngân sách”.

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố chương trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp bằng cách tung ra gói QE3 với kế hoạch chi ra 40 tỷ USD mỗi tháng để mua chứng khoán thế chấp. Chương trình sẽ được thực hiện đều đặn cho tới khi kinh tế Mỹ xuất hiện dấu hiệu phục hồi đáng kể.

Jack Ablin, Giám đốc đầu tư của BMO Private Bank quản lý khoảng 65 tỷ USD tài sản cho rằng: “Thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi nếu Mỹ có thể tránh được “vực thẳm tài khóa” vào cuối năm và các lãnh đạo chính trị đạt được thỏa thuận để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Một kế hoạch đáng tin cậy sẽ vực lại lòng tin của giới đầu tư”.

Đến thời điểm hiện tại, cả Mỹ và châu Âu đều đã nhìn thấy tầm quan trọng của việc đưa ra một kế hoạch dài hơi và đáng tin cậy nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt cũng như tránh “vực thẳm tài khóa” mà nhiều khả năng sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào vòng xoáy suy thoái mới.

“Vực thẳm tài khóa” và ảnh hưởng

“Vực thẳm tài khóa” sẽ được kích hoạt vào nửa đêm ngày 31/12/2012 - thời điểm các điều khoản của Đạo luật kiểm soát ngân sách trong năm 2011 chính thức có hiệu lực. Khi đó, Mỹ sẽ phải chấm dứt cắt giảm thuế lương và tăng thuế đối với người lao động lên 2%. Ngoài ra, điều luật giảm thuế cho các doanh nghiệp sẽ chấm dứt. Các điều luật cắt giảm thuế được áp dụng trong giai đoạn 2001-2003 cũng được hủy bỏ, trong khi đó các loại thuế liên quan đến luật chăm sóc y tế của Tổng thống Barack Obama bắt đầu được áp dụng. Cũng trong đêm 31/12, chương trình cắt giảm chi tiêu của chính quyền Tổng thống Obama - một phần trong thỏa thuận nâng trần nợ trong năm 2011 - cũng bắt đầu có hiệu lực.

Hậu quả: Nếu chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu có hiệu lực vào năm 2013, ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế có thể vô cùng nặng nề. Dù việc tăng thuế và giảm chi tiêu có thể giúp Chính phủ Mỹ giảm thâm hụt khoảng 600 tỷ USD, song Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính chương trình này cũng sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ giảm gần 4% trong năm 2013, đồng nghĩa kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái do tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, chương trình cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng gần 1%, đồng nghĩa nước Mỹ sẽ mất thêm 2 triệu việc làm.

Hương Giang (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   EU ngừng trợ cấp thất nghiệp tại 7 nước thành viên (16/11/2012)

>   GS đoạt Nobel 2007 chia sẻ về tái cấu trúc kinh tế (16/11/2012)

>   Thủ tướng Nhật Bản Noda tuyên bố giải tán Hạ viện (16/11/2012)

>   IMF hối thúc châu Âu giúp Hy Lạp giảm bớt "núi nợ" (16/11/2012)

>   Trung Quốc khó cải tổ mạnh với lãnh đạo mới (16/11/2012)

>   Ông Obama quyết đánh thuế nhà giàu (16/11/2012)

>   Thế kỷ 21: Kỷ nguyên của các ông trùm (15/11/2012)

>   Cải cách giữ vai trò chính đối với kinh tế châu Á (15/11/2012)

>   Suy thoái gõ cửa Eurozone lần hai kể từ khủng hoảng tài chính (15/11/2012)

>   Nam Âu sôi sục tổng đình công (15/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật