Thứ Năm, 15/11/2012 23:06

Thế kỷ 21: Kỷ nguyên của các ông trùm

Chưa bao giờ thế giới có nhiều người siêu giàu như hiện nay và cũng chưa bao giờ khoảng cách giàu nghèo trên thế giới lại gia tăng như vậy.

Đừng nói với Carlos Slim về Rockefeller.

 

Ai là người giàu nhất trong lịch sử?. Người ta không thể so sánh những cỗ xe ngựa với máy bay riêng nên câu hỏi này thật khó trả lời. Nhưng vẫn có những nhà kinh tế tìm kiếm câu trả lời bằng những phương pháp đo lường và so sánh khoa học, như Adam Smith đã đưa ra, dựa vào thu nhập hàng năm của những người đồng bào của họ.

Câu trả lời họ tìm ra không phải là Marcus Crassus, người sở hữu số tài sản tương đương với tổng ngân khố của Đế chế La Mã. Nếu so với những hào phú ngày nay, thu nhập của ông thật không đáng kể, chỉ tương đương thu nhập hàng năm của 32.000 công dân La Mã. Cũng không phải là những nhà tư bản giàu có ở Mỹ thời kỳ cơn sốt vàng – như Andrew Carnegie, người mà tài sản đỉnh điểm hồi năm 1901, tương đương 48.000 công dân Mỹ bình thường. Thời đó, ông trùm tư bản John D Rockefeller có mức lợi tức hàng năm tương đương 116.000 người đồng hương của mình.

Tài sản của những người giàu lừng danh trong lịch sử thật ra không ấn tượng gì khi so sánh với những tay tài phiệt khệnh khạng ở phố Wall, những tỷ phú đam mê công nghệ ở Thung lũng Silicon và những nhà buôn chính trị phất lên trong thời kỳ tư nhân hoá ở nước Nga. Đứng đầu trong số họ là Carlos Slim, ông trùm viễn thông có tài sản hơn 67 tỷ USD, tương đương với tài sản của 400.000 người Mexico.

Trong thời kỳ nào cũng tồn tại khoảng cách giàu nghèo nhưng những con số trên là một dấu hiệu cho thấy khoảng cách này đã gia tăng rất nhanh trong vài thập kỷ qua. Một tầng lớp mới, phổ biến trên toàn cầu đang ngày càng gạn hớt, tích luỹ cho mình số tài sản khổng lồ tăng theo cấp số nhân.

Đây chính là chủ đề cuốn sách mới của cựu Phó Tổng Biên tập tờ Financial Times bà Chrystia Freeland đề cập tới. Ở đây, bà không nói về số 1% những người giàu nhất mà chỉ nói là tầng lớp siêu giàu, chiếm 0,1%, đang kiếm lợi một cách nhanh chóng và vô lý so với đại đa số những người khác. Bà cũng trích dẫn một con số gây sốc: cách đây 30 năm, lương một giám đốc ở Mỹ cao gấp 42 lần lương bình quân của công nhân, nhưng ngày nay tỷ lệ này đã vọt lên 380 lần. Và điều trớ trêu nhất là khi càng giàu thì mức đóng góp theo thu nhập lại càng giảm.

Vậy họ là những người nào? Họ hầu hết là những người đàn ông khởi nghiệp với lòng say mê, hy sinh cuộc sống gia đình trong công cuộc tìm kiếm một gia tài. Một trong những giám đốc tài chính, người thường dành một phần ba thời gian trong năm để di chuyển đã nói: "Chúng tôi là những người gặp và trò chuyện với các tiếp viên hàng không còn nhiều hơn cả với vợ mình”.

Thường xuất thân từ tầng lớp trung lưu và thường là những nhà toán học, họ tự kiếm tiền chứ không dựa vào thừa kế. Họ học ở những trường đại học tốt nhất và tạo dựng cơ nghiệp từ rất sớm. Không có gì ngạc nhiên khi các lãnh đạo ngành ngân hàng, tài chính chiếm đa số trong câu lạc bộ này. Tiếp sau đó đến các thần đồng công nghệ, những ông trùm người Nga, những gã Do Thái thông minh... và đa số họ là người nhập cư.

Thậm chí, như những con cá thuyền hay bơi cùng cá mập, những người phục vụ cho tầng lớp này như luật sư, chuyên gia tài chính, hay cả bác sĩ nha khoa cũng gia nhập vào câu lạc bộ những người giàu có. “Những người giỏi nhất làm việc cho những người giàu nhất, vì thế họ cũng kiếm được rất nhiều tiền”.

Phát hiện của Freeland được bổ sung với những nghiên cứu, thống kê đầy thuyết phục. Bà cho rằng công nghệ và toàn cầu hoá đã tạo những siêu sao “thắng ăn cả” trong đủ mọi lĩnh vực. Những người này toả ra khắp thế giới. Họ tham gia những sự kiện giống nhau, sử dụng những dịch vụ, tiện nghi giống nhau. Giữa họ với nhau có nhiều điểm chung hơn với bất cứ người đồng bào nào của họ, dù cho họ đến từ châu Phi, châu Á hay phương Tây.

Một số người trong họ cực kỳ ngạo mạn. Mikhail Khodorkovsky, người một thời giàu nhất nước Nga đã từng nói :”Nếu một người đàn ông không phải là một tay trùm, thì người đó có vấn đề” – tuy nhiên, cách nhìn của ông có lẽ đã khác đi kể từ khi phải ngồi tù. Trên thực tế, quá giàu kết hợp với quá tự cao là một hỗn hợp gây nổ. Tại Trung Quốc, ít nhất 14 tỷ phú đã bị kết án trong vòng 10 năm qua.

Freeland nhấn mạnh nguy cơ với thế giới khi một nhóm nhỏ những người tự mãn, vị kỷ có ảnh hưởng lớn đối với tiếng nói của công chúng, sau đó tìm cách thiết lập hệ thống có lợi hơn nữa cho họ. Một nhà tỷ phú, tài trợ cho Đảng Cộng hoà đã nói :”Tôi cho rằng những người rất giàu thường có đủ tầm ảnh hưởng”. Một người khác cho rằng thuế thu nhập với người giàu nên bị huỷ bỏ, bởi chính phủ nên ghi nhận đóng góp cho xã hội của những người như Bill Gates hay Steve Jobs. “Những người trong top 1% giàu có có thể đóng góp cho xã hội nhiều hơn 99% số người còn lại”, ông ta kết luận.

Tất nhiên, những người siêu giàu không phải quỷ dữ. Có thể họ thực sự nghĩ rằng những gì tốt cho họ thì cũng tốt cho cả xã hội. Điều trớ trêu, như tác giả cuốn sách đã chỉ ra, một chính quyền ưa can thiệp thường là bạn thân nhất của những ông trùm giàu có và quyền thế, cho dù đó là ở một nước xã hội chủ nghĩa ở châu Á hay tư bản chủ nghĩa ở phương Tây. Hãy thử nhìn lại lịch sử và cả hiện tại, chúng ta sẽ thấy những ông trùm ngân hàng đã vận động để chính quyền can thiệp vào thị trường, hòng hiệu chỉnh lại những tai hoạ họ gây ra. Mặc dù, họ không chịu khiển trách gì nhưng tất cả những người nghèo, những người đã mua sản phẩm của họ đã phải gánh chịu hậu quả.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu lộ diện, những bộ óc thông minh nhận ra điều đó trước tiên và sẽ chạy theo dòng tiền. Với quyền lực và tài sản của mình, những người này thường điều khiển thành công thị trường theo hướng có lợi cho mình, nhưng họ cũng phá huỷ sự ổn định của tầng lớp trung lưu và vòng quay truyền thống của xã hội.

Dương An - (theo Forbes)

vnmedia

Các tin tức khác

>   Cải cách giữ vai trò chính đối với kinh tế châu Á (15/11/2012)

>   Suy thoái gõ cửa Eurozone lần hai kể từ khủng hoảng tài chính (15/11/2012)

>   Nam Âu sôi sục tổng đình công (15/11/2012)

>   Fed có thể tung gói kích thích mới vào đầu 2013 (15/11/2012)

>   BoE hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh trong 2013 (15/11/2012)

>   "Không cần thêm biện pháp với tài chính công Italy" (15/11/2012)

>   Thặng dư thương mại của Đức cao kỷ lục năm 2012 (15/11/2012)

>   EU thông qua hỗ trợ tài chính 5 tỷ euro cho Ai Cập (14/11/2012)

>   Nợ công của Italy lại tăng lên mức cao kỷ lục mới (14/11/2012)

>   CPI của Anh đã tăng cao trở lại trong tháng 10 (14/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật