Cải cách giữ vai trò chính đối với kinh tế châu Á
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Haruhiko Kuroda, nói rằng các nền kinh tế châu Á nên tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế để duy trì nhịp độ tăng trưởng khi phải đối mặt với những "cơn gió ngược" thổi đến từ các nước tiên tiến.
Phát biểu ngày tại trường Đại học Hong Kong Polytechnic University 14/11 về vấn đề làm thế nào để giải quyết tình hình do cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) gây ra, ông Haruhiko Kuroda lưu ý cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng ở Eurozone và mối đe dọa mang tên "vách đá tài chính ở Mỹ" đã tạo nên những nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.
Các nền kinh tế châu Á cũng cảm nhận được tác động của tình trạng tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế tiên tiến. Tốc độ tăng trưởng của hai người khổng lồ ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang chậm lại đáng kể.
Theo Chủ tịch ADB, hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt vẫn yếu. Mỹ đã không thể tạo được đà tăng trưởng, trong khi kinh tế Eurozone vẫn tiếp tục đi xuống. Các động thái gần đây của châu Âu như việc đưa Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) vào hoạt động và Ngân hàng Trung ương châu Âu triển khai chương trình Giao dịch Tiền tệ Công khai (OTM) trên khía cạnh nào đó đã giúp bình ổn thị trường tài chính toàn cầu, củng cố lòng tin và giảm rủi ro từ Eurozone. Mặc dù vậy, triển vọng Eurozone vẫn chưa có gì chắc chắn.
Vấn đề mà châu Á đang phải đối mặt là làm thế nào để vượt qua môi trường ngoại cảnh khá tiêu cực. Ông Haruhiko cho rằng các nhà hoạch định chính sách châu Á cần phải tập trung vào ba vấn đề là đối phó về mặt vĩ mô trước tác động trước mắt của tình trạng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, tìm kiếm các động cơ tăng trưởng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, và quản lý rủi ro thông qua việc phối hợp thị trường khu vực và toàn cầu để tăng cường khả năng mau chóng phục hồi cho các nền kinh tế châu Á.
Ông Haruhiko nhận định kinh tế châu Á đang tăng trưởng chậm lại với nhịp độ nhanh hơn so với dự báo, do tác động của môi trường kinh tế yếu kém ở bên ngoài.
Theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á mà ADB công bố gần đây, tăng trưởng GDP ở châu Á đang phát triển sẽ chậm lại mức 6,1% trong năm 2012 so với 7,2% năm 2011. Tuy nhiên, chừng nào còn duy trì được đà tăng trưởng trên 6%, triển vọng tăng trưởng của châu Á vẫn được coi là lành mạnh.
Các nước Đông Á có định hướng xuất khẩu, nhất là các nền kinh tế Đông Nam Á, nhìn chung vẫn mau chóng phục hồi trong năm nay, tuy chưa thể chắc chắn rằng liệu họ có thể miễn nhiễm trước tình hình kinh tế toàn cầu và hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đang tăng chậm lại. Ông Haruhiko cho rằng hầu hết các nước vẫn còn các công cụ tiền tệ và tài chính trong tay để đối phó với các cú sốc trong và ngoài khu vực.
Theo quan điểm của ông Haruhiko, các nền kinh tế châu Á nên coi môi trường kinh tế yếu kém bên ngoài như là cơ hội để tiến hành cải cách nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng của châu lục này.
Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu đã cho thấy thực tế rằng theo đuổi tốc độ tăng trưởng cao bằng cách thức phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu đã cho thấy sự thiếu ổn định. Môi trường tăng trưởng trong tương lai trở nên kém thuận lợi do tình hình kinh tế yếu kém tại các nước công nghiệp chủ chốt.
Trong tình hình này, các nền kinh tế trong khu vực phải thích nghi bằng cách đẩy nhanh quá trình tái cân bằng, cải thiện năng suất và hiệu quả.
Trên thực tế, kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát, châu Á đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tái cân bằng nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình tái cân bằng vẫn còn một con đường dài phía trước. Châu lục này vẫn cần tiến hành cải cách cơ cấu vì lợi ích riêng và tranh thủ cơ hội xúc tiến phát triển và tăng trưởng bền vững.
Theo Chủ tịch ADB, một khu vực dịch vụ năng động hơn là yếu tố chủ chốt cho tăng trưởng trong tương lai ở châu Á đang phát triển.
Như Mai
vietnam+
|