VNĐ qua “lăng kính” tỷ giá
Sự dịch chuyển tiết kiệm từ USD sang VNĐ đem lại hiệu ứng tích cực cả về mặt tâm lý lẫn thực tiễn, hạn chế hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ của các tổ chức, góp phần bình ổn thị trường ngoại hối và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành tỷ giá.
Tính đến ngày 12/11 tỷ giá bình quân liên ngân hàng tiếp tục giữ ở 20.828 đồng/USD. Mức tỷ giá này đã được giữ nguyên từ 24/12/2011 đến nay. Chỉ còn hơn một tháng nữa năm 2012 sẽ kết thúc và dù phải đối mặt không ít khó khăn do bối cảnh kinh tế trong nước cũng như thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng đến thời điểm này, đa số ý kiến đồng tình năm 2012 tiếp tục là một năm thành công của NHNN trong điều hành tỷ giá.
VNĐ có vị trí vững chắc trong tâm lý người dân, các NHTM vẫn mua ròng ngoại tệ.
|
Tại một cuộc gặp gỡ báo chí đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, với kinh nghiệm làm việc trong ngành Ngân hàng trong nhiều năm ông nhận thấy một điều: nếu Chính phủ và NHNN có sự điều hành nhất quán thì tỷ giá sẽ ổn định. Năm 2012, ngay từ đầu năm, NHNN đã chủ động công bố định hướng điều hành tỷ giá với mức biến động không quá 2% – 3% trong năm 2012. Thông điệp đã khẳng định, NHNN theo đuổi mục tiêu kiểm soát tỷ giá, hạn chế kỳ vọng về sự mất giá của đồng VNĐ; hạn chế hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ gây bất lợi cho tỷ giá… để đi đến mục tiêu cuối cùng ổn định giá trị, nâng cao vị thế của đồng VNĐ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Đó cũng là lý do từ đầu năm đến nay, NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành luôn theo hướng hỗ trợ cho giá trị của VNĐ, củng cố vị thế của VNĐ. Lãi suất huy động USD đối với dân cư được NHNN quy định trần 2%/năm, lãi suất VNĐ ngắn hạn ở mức 9%; và các NHTM thường huy động kỳ hạn dài với lãi suất trên 11%. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, mức chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD từ 7% – 10% thừa sức hấp dẫn cũng như bù đắp lợi ích cho người giữ VNĐ cho dù nếu có phải phá giá tiền đồng.
Và tính đến ngày 19/10/2012, trong khi huy động VNĐ tăng tới 28,76% thì huy động USD giảm 5,53% so với cuối năm 2011 đã minh chứng cho điều này. Sự dịch chuyển tiết kiệm từ USD sang VNĐ đem lại hiệu ứng tích cực cả về mặt tâm lý lẫn thực tiễn, hạn chế hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ của các tổ chức, góp phần bình ổn thị trường ngoại hối và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành tỷ giá.
Và nếu như những năm trước, vàng luôn là kẻ “phá bĩnh” trong điều hành tỷ giá, thì năm nay điều đó đã không xảy ra. Mặc dù vấp phải biến động mạnh của giá vàng quốc tế, sự chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, nhưng với sự chủ động, NHNN đã chuẩn bị những công cụ cần thiết để hạn chế tác động của thị trường đối với tỷ giá như: Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Dự trữ ngoại hối cũng liên tục được bổ sung qua việc NHNN tăng cường mua USD từ các NHTM.
Bên cạnh đó, NHNN đẩy mạnh tín dụng phục vụ xuất khẩu đã góp phần tích cực khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu và giảm áp lực về cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Qua đó góp phần quan trọng hỗ trợ bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối. Một trong những điểm nhấn chính sách tỷ giá từ đầu năm đến nay là NHNN đã triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu giảm dần quan hệ huy động – cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ; giảm tình trạng đô la hóa và tăng niềm tin vào đồng VNĐ như: thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các TCTD; quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của các tổ chức kinh tế và cá nhân tại TCTD; ban hành Thông tư mới quy định việc mua, bán ngoại tệ của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...
Với các biện pháp nêu trên, NHNN đã thành công trong ổn định tỷ giá VNĐ/USD. Cụ thể, tỷ giá và thị trường ngoại hối chuyển biến theo hướng tích cực. Cho đến thời điểm này, khi bắt đầu vào vụ kinh doanh cuối năm của các đơn vị sản xuất, cung ứng dịch vụ, nhưng thị trường không diễn ra tình trạng căng thẳng, tỷ giá diễn biến khá ổn định, linh hoạt theo cung cầu ngoại tệ trong biên độ tỷ giá cho phép. Tỷ giá giao dịch của các NHTM không có nhiều biến động.
Báo cáo hoạt động của NHNN trong những tuần gần đây tiếp tục khẳng định thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện. Doanh số mua bán ngoại tệ giữa TCTD với khách hàng diễn biến theo hướng tích cực. NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ từ các TCTD để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Thị trường ngoại tệ tự do hầu như không còn hoạt động, các TCTD chấp hành tốt các quy định về mua bán ngoại tệ, tâm lý thị trường ổn định hơn, các nhu cầu ngoại tệ cấp thiết đã được đảm bảo.
Cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu USD tăng cao hơn theo yếu tố mùa vụ, nhưng, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó có thể xảy ra việc điều chỉnh tỷ giá. Bởi trên thực tế nhu cầu USD của DN tuy có tăng song không đột biến. Thậm chí, theo TS. Lê Xuân Nghĩa dù có yếu tố đột biến thì với lượng dự trữ ngoại hối tăng thêm 10 tỷ USD từ đầu năm đến nay, NHNN đủ sức can thiệp để bình ổn thị trường.
Huyền Thanh
Thời báo ngân hàng
|