Thứ Năm, 15/11/2012 22:59

Trái phiếu chính phủ được gộp vào tăng trưởng tín dụng

“Tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến khoảng 10%. Trong đó, 5% từ tín dụng thông thường của hệ thống ngân hàng và khoảng 5% từ việc các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu chính phủ”. Đây là điểm mới được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói trước Quốc hội, trong phiên trả lời chất vấn chiều 13-11.

 

Trước nay, tăng trưởng đầu tư trái phiếu chính phủ của hệ thống ngân hàng không được tính vào tăng trưởng tín dụng của hệ thống. Nếu thống kê như vậy, thì năm 2012 sẽ là năm đầu tiên Việt Nam tính tăng trưởng tín dụng có gộp cả phần đầu tư trái phiếu Chính phủ của ngân hàng thương mại.

Ông Bình nói: “Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 10 đã đạt 3,3%. Dự tính cả năm 2012 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ được khoảng 5%. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng đã mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh hơn 183 ngàn tỉ từ đầu năm. Ước tính tăng trưởng tín dụng 5%, cộng thêm đầu tư gián tiếp qua trái phiếu chính phủ khoảng 5% nữa thì năm nay đầu tư của ngân hàng bằng tín dụng ước tính 10%”.

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch: “Kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 15-17% vậy mà tại sao Thống đốc nói tăng trưởng tín dụng 5% vẫn hợp lý?”, ông Bình nói rằng: “Trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đây chỉ là một mục tiêu điều hành. Năm 2011 tăng trưởng tín dụng 14% nhưng ta không mua được trái phiếu chính phủ, toàn bộ tiền từ ngân hàng ra dồn vào tín dụng. Một phần tiền năm nay đầu tư gián tiếp qua trái phiếu chính phủ và tốc độ đó với trình độ của nền kinh tế hiện nay tôi cho là hợp lý”.

Bộ Tài chính tuần qua vừa cho biết, Kho bạc Nhà nước qua 10 tháng đầu năm đã huy động trái phiếu chính phủ đạt tổng số 115.883 tỉ đồng, bằng 96,56% kế hoạch huy động vốn điều chỉnh năm 2012 (120.000 tỉ đồng) và bằng 180,8% so với cùng kỳ 2011. Nhưng theo Thống đốc thì các tổ chức tín dụng đã đổ hơn 183.000 tỉ đồng vào trái phiếu chính phủ. Số tiền chênh lệch giữa 115.883 tỉ đồng và 183.000 tỉ đồng được Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh lý giải rằng có thể các ngân hàng đã đổ vào trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và một phần nhỏ đổ vào trái phiếu chính quyền địa phương.

Thực ra, trái phiếu chính phủ về bản chất là một “tài sản thanh khoản lỏng”, là công cụ dự trữ thanh khoản thứ cấp để các ngân hàng khi cần có thể cầm cố tại Ngân hàng Nhà nước lấy vốn về bù đắp thanh khoản ngắn hạn.

Ở đây, ông Bình đã coi việc các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ là một hình thức các ngân hàng cho chính phủ vay, cung vốn cho các dự án của chính phủ để phục vụ đầu tư công, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

“Đầu tư tín dụng qua việc rót vốn vào các doanh nghiệp hay qua trái phiếu chính phủ, cái nào cũng quan trọng nhưng trong những điều kiện kinh tế trầm lắng, đầu tư của chính phủ được coi là đầu tư mồi, kích thích đầu tư tư nhân bởi đầu tư tư nhân luôn cẩn trọng hơn, lùi lại ngay khi có những dấu hiệu khó khăn. Các khoản tiền hệ thống ngân hàng rót vào trái phiếu chính phủ cuối cùng sẽ quay lại nền kinh tế thông quá các dự án đầu tư của chính phủ”, ông Quỳnh nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online .

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông Quỳnh cho rằng cần rà soát, quản lý và giám sát chặt hơn các dự án đầu tư công dùng vốn trái phiếu chính phủ sao cho hiệu quả, khắc phục những yếu kém của đầu tư công thời gian qua.

Thực tế, tiền các ngân hàng đổ vào trái phiếu chính phủ sẽ không đến ngay với nền kinh tế bởi tiến độ giải ngân dòng vốn này rất chậm. Hiện nay, chỉ tiêu giải ngân vốn trái phiếu chính phủ năm 2012 vẫn chưa đạt kế hoạch. Độ trễ của dòng vốn này thường tính bằng năm.

Trên thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp hiện có gần 15 tổ chức tín dụng, chủ yếu là các ngân hàng thương mại lớn trong nước và ngân hàng nước ngoài, đang hoạt động tích cực nhất.

Hồng Phúc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   VNĐ qua “lăng kính” tỷ giá (15/11/2012)

>   Tìm lợi nhuận từ phi tín dụng (15/11/2012)

>   Nợ xấu và trách nhiệm HĐQT (15/11/2012)

>   Áp lực "hút" vàng bù thanh khoản của ngân hàng vẫn nóng (15/11/2012)

>   M&A ngân hàng: 3 vấn đề nóng (15/11/2012)

>   Navibank tăng vốn chủ sở hữu (15/11/2012)

>   Phát huy công năng chính sách tiền tệ (15/11/2012)

>   Sẽ sớm có thông tin về chương trình xử lý nợ xấu (15/11/2012)

>   Lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn trên 12 tháng giảm (14/11/2012)

>   CTG: Lãi ròng hợp nhất quý 3 đạt 2,708 tỷ đồng, tăng 72% cùng kỳ (14/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật