Thứ Năm, 22/11/2012 06:12

Tháo vòng luẩn quẩn nợ nần của doanh nghiệp

Các biện pháp thu hồi nợ thuế chỉ có hiệu quả đối với doanh nghiệp còn hoạt động. Trường hợp doanh nghiệp đã bỏ trốn, cơ quan thuế gần như bó tay

Doanh nghiệp giải trình việc nợ thuế với cán bộ Cục Thuế TPHCM.

Tập trung thu hồi nợ thuế là nhiệm vụ mà cả ngành thuế đưa ra trong phương hướng hoạt động những tháng cuối năm 2012.

Chịu thua DN “mất tích”

Tại TPHCM, Cục Thuế TPHCM đặc biệt nhấn mạnh các biện pháp thu hồi nợ thông qua việc thường xuyên ban hành thông báo nợ thuế để có các biện pháp xử lý, thu hồi nợ kịp thời và đôn đốc nhắc nhở các khoản nợ mới phát sinh.

Đồng thời đẩy mạnh công tác cưỡng chế nợ thuế, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, công an, ngân hàng (NH)… rà soát, xác định lại các khoản nợ thuế để điều chỉnh các khoản nợ chờ xử lý, kiểm tra chính xác các khoản nợ còn được gia hạn, tập trung thu các khoản nợ dây dưa kéo dài, làm việc với các doanh nghiệp (DN) có khoản nợ lớn…

Tuy nhiên, theo các cán bộ ngành thuế, các biện pháp thu hồi nợ thuế chỉ có hiệu quả đối với các DN còn hoạt động. Thông thường, cơ quan thuế sẽ đốc thúc DN nộp thuế hoặc xác minh tài khoản của DN tại các NH để tiến hành thu hồi tiền thuế. Trường hợp DN không còn tiền ở NH, cơ quan thuế sẽ phối hợp với sở kế hoạch - đầu tư các tỉnh, TP thu hồi giấy phép kinh doanh…, sau đó ban hành quyết định cưỡng chế.

Riêng đối với DN đã bỏ trốn thì cơ quan thuế gần như bó tay buộc phải chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chưa hiệu quả bởi sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ. Về lâu dài, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, rõ ràng và chế tài đủ mạnh đối với các trường hợp chây ì, chậm nộp thuế hoặc cố tình trốn thuế, né thuế.

Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, từng cho biết kẽ hở của quy chế một cửa trong cấp phép kinh doanh đã vô tình góp phần “giúp” DN bỏ trốn, mất tích. Trước đây, khi DN thành lập mới, đăng ký mã số thuế tại cơ quan thuế thì cơ quan thuế rà soát kỹ, không cấp phép cho DN có giám đốc hoặc thành viên góp vốn thành lập DN là giám đốc/thành viên của DN bỏ trốn, mất tích.

Thế nhưng hiện tại, với quy chế một cửa, cơ quan thuế cấp mã số thuế cho DN theo danh sách Sở Kế hoạch - Đầu tư đưa sang, không có điều kiện kiểm tra, rà soát. Điều này đồng nghĩa với việc chủ DN bỏ trốn dễ dàng “xù” nợ thuế rồi ung dung lập DN khác để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Chờ kinh tế phục hồi

Về hiện tượng DN nợ dắt dây lẫn nhau, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây không phải là vấn đề mới nhưng đặc biệt bùng nổ trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Chính quyền địa phương nợ DN thông qua những dự án, DN sản xuất nợ DN cung cấp nguyên liệu, DN phân phối nợ nhà sản xuất, chủ đầu tư nợ nhà thầu, khách hàng nợ chủ đầu tư…

Nợ kéo nợ, nợ dồn nợ… cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát khiến DN nào cũng nợ nần, kiệt quệ. Tình hình càng tồi tệ hơn khi kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút, tồn kho nhiều, DN không làm ăn được nên càng không có tiền trả nợ.

Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn (TPHCM), cho rằng mặc dù chưa có thống kê cụ thể nào về các khoản nợ xấu giữa các DN với nhau nhưng chắc chắn đó là con số không nhỏ. Số DN nợ nhau trên thực tế cao hơn gấp nhiều lần số DN nhờ đến sự can thiệp của pháp luật để đòi nợ…

Theo các chuyên gia kinh tế, trong tình hình hiện nay không dễ để xử lý nợ của DN với nhau. Lâu nay, hình thức đòi nợ phổ biến nhất mà các DN sử dụng là nhờ các tổ chức đòi nợ thuê. Hiện tại, nhiều DN chỉ bán hàng, cung cấp dịch vụ cho đối tác thanh toán tiền mặt và thanh toán phần lớn giá trị hợp đồng. Với cách làm này, DN tránh được khả năng nợ xấu nhưng đồng thời cũng có mặt chưa tích cực là khiến thị trường co cụm hơn. Chỉ khi nào kinh tế bớt khó khăn, DN mới tháo gỡ được phần nào gánh nặng nợ nần.

Kiện để làm dịu các sức ép khác

So với nợ xấu của NH, nợ xấu của DN nguy hiểm hơn, khó đòi hơn vì DN chỉ ràng buộc nhau bởi hợp đồng, thậm chí nhiều hợp đồng quá đơn giản vì trước đây DN chưa hình dung hết những rắc rối từ nợ nần và chủ yếu làm việc với nhau bằng chữ tín (trong khi vay NH phải có tài sản thế chấp). Ngay cả khi đã kiện ra tòa, chịu án phí, tiền thuê luật sư thì khả năng thu hồi nợ cũng rất thấp. “Thông thường, DN kiện nhau ra tòa không chỉ vì mục đích đòi nợ mà còn vì làm dịu các sức ép khác. Có thể đó là sức ép từ phía các cổ đông của công ty hoặc từ… chủ nợ. Kiện để chứng tỏ rằng “chúng tôi đã cố gắng hết sức” trong nỗ lực thu hồi nợ là chính” - luật sư Lê Thành Kính cho biết.

T. Nhân


Thanh Nhân - Thy Thơ

người lao động

Các tin tức khác

>   Starbucks vào Việt Nam (22/11/2012)

>   Hãng tàu nước ngoài chiếm 40% vận tải nội địa (22/11/2012)

>   Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Bắc Bộ (21/11/2012)

>   VNPT và Viettel tiếp tục thống lĩnh thị trường viễn thông (21/11/2012)

>   Năm 2013: Thị trường ôtô sẽ tăng trưởng từ 5-10% (21/11/2012)

>   Gần 10% doanh nghiệp SME phải rút khỏi thị trường (21/11/2012)

>   Vinachem rút vốn khỏi Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (21/11/2012)

>   Tập đoàn Dầu khí đứng đầu bảng nợ (21/11/2012)

>   Chủ tài sản “chết đứng” trên đống tài sản (21/11/2012)

>   Cơ chế bó kiểm soát (21/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật