Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Bắc Bộ
Hội thảo "Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ" do Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chiều 21/11 đã thu hút sự tham dự của đại diện 20 doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong vùng.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những hướng đi quan trọng mà nhiều nước quan tâm đầu tư và phát triển. Công nghiệp hỗ trợ có một thế mạnh là tạo ra rất nhiều sản phẩm, hàng hóa phong phú, đa dạng và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động, nhất là đối với lao động lứa tuổi thanh niên.
Công nghiệp hỗ trợ cũng mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước, cũng như doanh nghiệp, phù hợp với sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đánh giá khách quan, Việt Nam đã và đang có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho các khách hàng khó tính như Toyota, Honda... Các doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới công nghệ, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và ngày càng được các khách hàng khó tính chấp nhận, đánh giá cao.
Tuy vậy, Chính phủ chưa thực sự có cơ chế, chính sách quan tâm đúng mức với ngành này. Chẳng hạn, vấn đề tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp còn khó khăn, doanh nghiệp phải tự bươn chải tìm kiếm đối tác. Thêm vào đó, nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay diễn ra phức tạp mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng quyền lợi lên tiếng chưa được cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng.
Cho dù Nhà nước đã có hàng loạt quyết định, nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng ngành công nghiệp này vẫn cần có những chính sách cụ thể và bổ sung những điều kiện để sát với thực tế. Cơ quan hoạch định chính sách, viện nghiên cứu cần làm tốt công tác dự báo về nhu cầu thị trường, đặc biệt có giải pháp tạo sự liên kết, hợp tác, kết nối trong mạng lưới sản xuất, giữa doanh nghiệp lắp ráp với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm.
Nguyễn Trọng Lịch
vietnam+
|