Tăng lãi suất kỳ hạn dài là để cơ cấu lại nguồn vốn
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về cung cầu vốn cũng như tình hình hoạt động của ngân hàng trên địa bàn Thành phố những tháng cuối năm.
Thưa ông, lãi suất tiết kiệm có dấu hiệu gia tăng, đồng thời cạnh tranh huy động gay gắt. Điều đó có phải thanh khoản của các ngân hàng đang bị thiếu hụt?
Tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố đến hết tháng 9/2012 mới đạt 1,75% so với đầu năm. Còn đối với tiền gửi, tháng 9/2012 nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn giảm 1% so với tháng 8, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động của khu vực TP.HCM là 5,63%. Vì thế, lãi suất tiền đồng kỳ hạn dài được một số ngân hàng điều chỉnh là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn từ ngắn sang dài ngày. Hiện tỷ lệ vốn huy động dài ngày của các ngân hàng được cải thiện từ mức chỉ chiếm 10% trong tổng vốn huy động trước đây đã tăng lên tới 30%.
Nhưng thực tế thị trường vẫn tồn tại tình trạng “xé rào” kỳ hạn tiền gửi ngắn?
Huy động vốn là vấn đề sống còn của các ngân hàng, muốn đảm bảo thanh khoản tốt, các ngân hàng phải gia tăng thị phần huy động tiết kiệm. Mặt khác, thường theo chu kỳ vào thời điểm gần cuối năm nhu cầu vốn của thị trường tăng nên các ngân hàng đã tăng huy động để đáp ứng vốn cho doanh nghiệp. Nhưng theo quy định hiện nay, trần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 – 12 tháng chỉ được áp dụng ở mức 9% và thả nổi lãi suất kỳ hạn dài. Vì thế, nếu ngân hàng nào vi phạm sẽ bị xử lý.
Theo ông, nhu cầu vốn cuối năm có đột biến và khả năng lãi suất có giảm thêm?
Cầu vốn của doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong những tháng cuối năm thường cao hơn các quý trước đó. Tuy nhiên, do tình hình thị trường còn khó khăn và hàng tồn kho chưa giảm được thì khả năng hấp thụ vốn có phần hạn chế. Hiện tín dụng ngoại tệ có dấu hiệu tăng, do tính chu kỳ của nhu cầu sản xuất kinh doanh dịp lễ tết.
Nhu cầu vốn cuối năm tăng, nhưng phần lớn các doanh nghiệp thích vay ngoại tệ hơn tiền đồng, theo ông, điều đó có gây áp lực lên tỷ giá?
Nhu cầu vay ngoại tệ tăng do lãi suất thấp hơn nhiều so với tiền đồng và tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào có nhu cầu vốn và muốn vay ngoại tệ là sẽ được đáp ứng. Vì theo quy định hiện nay, chỉ với những doanh nghiệp có đủ nguồn thu ngoại tệ từ sản xuất, kinh doanh để trả được nợ vay thì ngân hàng mới rót vốn USD. Mặt khác, huy động vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng thời gian qua giảm mạnh, do tỷ giá ổn định. 9 tháng đầu năm 2012 huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM giảm 9,62% so với cuối năm 2011 và theo như Thống đốc NHNN tỷ giá chỉ tăng 2% cho cả năm, thì cuối năm sẽ ở mức 24.500 VND/USD.
Tình hình kiều hối khu vực TP.HCM năm nay như thế nào, thưa ông?
Tính đến cuối tháng 9/2012, doanh số chi trả kiều hối qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt gần 2,9 tỷ USD. Theo kế hoạch dự kiến của NHNN - TP.HCM, trong năm nay, kiều hối khu vực TP.HCM ước đạt 3,4 tỷ USD so với con số đã đạt được của cả năm trước là 3,2 tỷ USD.
Vân Linh
đầu tư
|