Thứ Hai, 05/11/2012 21:18

Ngoại tệ vẫn lặng sóng

Đã hết tháng đầu tiên của quí 4 nhưng nhiều ngân hàng cho biết nhu cầu vay, mua ngoại tệ của doanh nghiệp để chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm vẫn chưa có đột biến.

Tỷ giá liên ngân hàng từ đầu năm đến nay vẫn ở mức 20.828 đồng, giá đô la Mỹ tại các ngân hàng có tăng nhẹ vài đợt trong năm nhưng chủ yếu vẫn chưa chạm trần 21.036 đồng. Nếu so giá đô la Mỹ tại Vietcombank vào ngày 1-1 năm nay với giá niêm yết của chính ngân hàng này trong ngày 5-11 thì tiền đồng thậm chí còn tăng giá so với đô la Mỹ khoảng 0,8%.

Những điều này cho thấy thị trường ngoại hối đã không còn liên tục biến động như các năm trước. Và như thường lệ, trong quí 4, tỷ giá thường tăng khi nhu cầu vay, mua ngoại tệ của doanh nghiệp tăng cao, nhưng năm nay, mọi chuyện không còn như vậy.

Tín dụng ngoại tệ của TPHCM đến hết tháng 5 tăng hơn 1% so với cuối 2011, nhưng từ tháng 6 trở đi, con số này liên tục âm và cho đến hết tháng 7, tín dụng ngoại tệ đã giảm 4,24% so với cuối 2011. Theo con số mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, trong 10 tháng đầu năm nay, tín dụng ngoại tệ âm 3,6%.

Nói về nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết hiện tại trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng rất tốt, nếu nhu cầu có tăng trong các tháng cuối năm thì bản thân các ngân hàng cũng có thể đáp ứng đủ, còn nếu cần thêm, NHNN cũng có thể hỗ trợ tốt do dự trữ ngoại hối của NHNN đã tăng thêm hơn 10 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Trong khi đó, ở ngân hàng có nguồn cung đô la Mỹ dồi dào như Vietcombank, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc cho biết nhu cầu vay ngoại tệ tại ngân hàng này chưa tăng so với thời gian trước. Việc mua đô la Mỹ để nhập hàng hóa cũng không có dấu hiệu tăng.

Ông Thanh cho rằng, thực tế trong các năm trước, nhu cầu vay đô la Mỹ rồi chuyển thành tiền đồng đưa vào sản xuất kinh doanh được nhiều doanh nghiệp thực hiện, nhưng từ năm nay, đối tượng cho vay chỉ còn hạn chế trong doanh nghiệp xuất khẩu, điều này khiến cho nhu cầu vay không còn lớn như trước.

Ông Thanh cho biết cung ngoại tệ của ngân hàng không thiếu nên kể cả doanh nghiệp có nhu cầu mua đô la Mỹ để nhập hàng, nếu có đủ điều kiện, ngân hàng sẽ cung ứng. Và việc cho vay bằng ngoại tệ cũng được khuyến khích để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

Con số tín dụng chung của Eximbank vẫn âm cho đến hết tháng 10, theo chia sẻ của Tổng giám đốc Trương Văn Phước. Ông Phước cho biết, quy định việc hạn chế đối tượng được vay đô la Mỹ đã khiến nhu cầu vay giảm nhiều so với năm trước. Cùng theo đó, đến hiện tại nhu cầu mua đô la Mỹ của doanh nghiệp chưa tăng nhiều, do trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không còn mạnh tay trong việc nhập thêm hàng hóa hay nguyên liệu sản xuất.

“Tỷ giá không biến động là bằng chứng rõ nhất về tình hình ổn định của cung cầu ngoại tệ hiện tại”, ông Phước nói thêm.

Nói cụ thể hơn, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết hiện tại OCB mới chỉ nhận được hồ sơ vay ngoại tệ của một số doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành như gạo, cao su. Ông Linh cho rằng, khác với mọi năm rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay, năm nay đến thời điểm này nhu cầu chưa tăng là bao. Ông Linh cho rằng nếu có tăng thì sẽ vào cuối tháng 11, khi mà các doanh nghiệp ký kết được nhiều đơn hàng hơn.

Trong khi đó, nhu cầu mua đô la Mỹ để nhập hàng theo ông Linh là rất ít. “Mọi năm, các doanh nghiệp ô tô, sắt thép thường vào thời điểm này đã mua ngoại tệ để nhập hàng về bán, nhưng năm nay không thấy dấu hiệu gì. Có thể tình hình khó khăn nên doanh nghiệp tranh thủ mùa này để bán hàng tồn hơn là nhập hàng mới”, ông Linh nói.

Về nguồn cung ngoại tệ của ngân hàng cho mùa cuối năm, ông Linh cho rằng khả năng ngân hàng sẽ không cần phải có sự hỗ trợ từ phía NHNN do đã có sẵn nguồn ngoại tệ và dự báo nhu cầu cũng sẽ không tăng nhiều.

Nhận định về tỷ giá cuối năm, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng với những con số khả quan như nhập siêu 10 tháng chỉ 357 triệu đô la Mỹ, trong khi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 9 tỉ đô la Mỹ và NHNN tăng dự trữ ngoại hối trong 10 tháng qua thì nguồn cung ngoại tệ không thiếu. Trong khi đó, thị trường vàng được quản chặt hơn khiến nhu cầu ngoại tệ cần để đầu cơ vàng không còn tạo nhiều áp lực lên tỷ giá.

“Chúng tôi cho rằng thị trường ngoại hối sẽ vẫn được duy trì ổn định trong những tháng còn lại của năm 2012 và việc điều chỉnh nhẹ của tỷ giá có thể được NHNN thực hiện khi đồng đô la Mỹ đang có xu hướng tăng nhẹ so với các đồng tiền chủ chốt khác, đồng thời nhà nước muốn tăng tính cạnh tranh về giá của hàng hóa xuất khẩu”, báo cáo của VCBS viết.

Thanh Thương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Lượng vốn bơm trên OMO sụt giảm mạnh (05/11/2012)

>   Chọn mặt gửi… nợ xấu! (05/11/2012)

>   Giải quyết nút thắt của tăng trưởng tín dụng (05/11/2012)

>   Vốn sẽ chảy vào không chỉ 4 lĩnh vực ưu tiên (05/11/2012)

>   Tài sản ngân hàng cổ phần 'bốc hơi' hàng nghìn tỷ đồng (05/11/2012)

>   Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Nên dỡ ngay trần lãi suất huy động (05/11/2012)

>   Tân Chủ tịch Sacombank: Hoạt động gửi - rút tiền vẫn trong tầm kiểm soát (05/11/2012)

>   VPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ (05/11/2012)

>   Ngân hàng không dễ tăng vốn năm nay (05/11/2012)

>   Kiểm toán việc Ngân hàng Nhà nước "bơm" vốn (05/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật