Giải quyết nút thắt của tăng trưởng tín dụng
Nếu hàng tồn kho không được giải quyết, DN không có nhu cầu mở rộng SXKD – mà đây là kênh chính, do đó chúng ta muốn hướng tín dụng vào thì rõ ràng sẽ rất khó khăn cho việc TTTD trong những tháng còn lại của năm nay và cả năm sau.
Chất cần, lượng cũng cần
Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng hiện nay là do trước đây, tăng trưởng tín dụng (TTTD) thường xuyên được đẩy ra ở mức cao tới trên 30%/năm. Thực tế đó cho thấy, chất lượng TTTD cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy ngay từ đầu năm 2012, NHNN đã đặt ra mục tiêu TTTD chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, việc TTTD đang từ những mức rất cao trước đây lại bị tụt giảm mạnh trong năm nay – theo dự báo của nhiều chuyên gia chỉ tối đa ở mức 6% - 7% (thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra đầu năm của NHNN). Đây có thể coi là một cú sốc đối với các DN và nền kinh tế. Nếu TTTD quá thấp, vốn không đến được với các DN trong một thời gian dài, thì nguy cơ DN gặp khó khăn hơn trong sản xuất kinh doanh (SXKD), khiến nợ bình thường biến thành nợ xấu; dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh hơn cũng là điều cần tính đến.
Như vậy vấn đề đặt ra: một mặt, cần tăng chất lượng tín dụng, nhưng mặt khác cũng cần giữ TTTD ở mức hợp lý mới giúp các DN vượt qua được thời kỳ khó khăn, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này không dễ. Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO: Không như trong các lĩnh vực khác, khi chất là chất, lượng là lượng; trong lĩnh vực ngân hàng, chất và lượng “trộn” lẫn với nhau. Vị luật sư này cho rằng nợ xấu gần đây được nhìn nhận là tăng lên một phần do “lượng” TTTD giảm đi.
Cùng quan điểm này, lãnh đạo của một công ty kinh doanh bất động sản đang có các dự án sắp hoàn thành cho biết: Hiện nay nợ của công ty mình vẫn là nợ “đẹp”, nhưng nếu không tiếp tục được vay vốn để hoàn thiện các dự án và bán ra thu tiền về thì chỉ một thời gian ngắn nữa, nợ “đẹp” trên có thể sẽ thành nợ quá hạn, nợ xấu.
Tháo nút thắt SXKD
Những ngày này, trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội, đa số quan điểm của các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, hai nút thắt lớn nhất khiến TTTD khó khăn là nợ xấu và hàng tồn kho. Đối với vấn đề nợ xấu thì NHNN đã xây dựng xong đề án xử lý và đang đẩy nhanh các biện pháp để triển khai. Nhưng rõ ràng nợ xấu không phải chỉ là câu chuyện giữa các ngân hàng với DN mà nó còn đến từ hàng tồn kho, từ thị trường bất động sản bế tắc, từ nợ đọng trong xây dựng cơ bản…
Vì vậy, một trong những vấn đề trước mắt và cấp bách nhất lúc này có lẽ là phải tìm cách tháo gỡ nút thắt của SXKD. “Nợ xấu là của cả nền kinh tế nên muốn giải quyết được thì đầu tiên là phải giải tỏa được hàng tồn kho, kích cầu, gia tăng tiêu thụ; và kéo theo đó mới là gia tăng sản xuất. Khi chưa giải quyết được nút thắt ấy thì cũng chưa thể nói gì đến tăng dư nợ tín dụng được” – luật sư Đức nhìn nhận.
Để có thể khơi thông tín dụng cho SXKD thì vấn đề nan giải đặt ra hiện nay là giải quyết vấn đề hàng tồn kho, tạo “hứng thú” cho các DN trong việc đẩy mạnh mở rộng SXKD trở lại. Theo Bộ Công Thương, chỉ số hàng tồn kho công nghiệp chế biến, chế tạo đến ngày 1/10/2012 là 20,3%, giảm so với mức 34,9% thời điểm 1/6/2012. Việc chỉ số hàng tồn kho giảm thời gian qua được coi là dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, chưa hẳn đáng mừng vì hai lý do: Một là mức giảm không nhiều qua các tháng. Hai là, theo một số chuyên gia kinh tế, mức giảm ấy chủ yếu là vì các DN không sản xuất hoặc giảm sản xuất đi đáng kể. Khi hàng sản xuất mới không tăng thêm, hàng tồn bán được đi chút đỉnh nên mới giúp hàng tồn kho giảm đi như vậy. Hiểu theo nghĩa này thì việc hàng tồn kho giảm đi trong những tháng trở lại đây là điều vừa mừng, vừa lo. Điều đó cho thấy, nếu hàng tồn kho không được giải quyết, DN không có nhu cầu mở rộng SXKD – mà đây là kênh chính, do đó chúng ta muốn hướng tín dụng vào thì rõ ràng sẽ rất khó khăn cho việc TTTD trong những tháng còn lại của năm nay và cả năm sau.
Hướng nào cho TTTD 2013?
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận TTTD năm 2013 sẽ cải thiện hơn, song không nhiều so với năm nay, do kinh tế trong và ngoài nước vẫn khó khăn. Nhiều dự báo cho rằng, với kinh tế Việt Nam cũng như một số nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác, năm 2012 là đáy của khó khăn, sau đó kinh tế sẽ hồi phục và dần tăng trưởng tốt hơn. “TTTD năm tới có thể sẽ cao hơn năm nay khoảng 1% - 2%” – TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định.
Lý do mà chuyên gia này đưa ra là kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm tới. Bên cạnh đó, sang năm khi các DN, nếu đã trải qua được các khó khăn của năm nay sẽ vững tâm hơn để tiếp tục SXKD. Quan trọng hơn, khi Chính phủ và các Bộ ngành liên quan quyết tâm đẩy mạnh công cuộc tái cơ cấu thì triển vọng kinh tế cũng sẽ rõ ràng và tích cực hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN vẫn nên có trần TTTD chung cho hệ thống trong năm tới trên cơ sở phù hợp hài hòa với các mục tiêu chi tiêu ngân sách, tài khóa. Từ đó, phân bổ hạn mức TTTD cho phù hợp với từng nhóm ngân hàng. Như vậy sẽ khuyến khích được các ngân hàng thuộc diện “khỏe mạnh” tăng cường được khả năng bơm vốn ra nền kinh tế, trong khi quản lý giám sát tốt hơn với các ngân hàng yếu kém.
Một cách cụ thể hơn, luật sư Đức cho rằng, có thể nghiên cứu đưa thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất gồm các ngân hàng yếu kém nhất thì “cấm” TTTD, thậm chí phải yêu cầu giảm dư nợ; Nhóm thứ 2 gồm các ngân hàng được xếp trên nhóm thứ nhất, thì chỉ cho phép TTTD hạn chế để tránh nguy cơ rủi ro lây lan; Nhóm thứ 3 gồm các ngân hàng có sức khỏe tài chính thực sự lành mạnh thì cho TTTD tương đối thoải mái, trên cơ sở tính toán phù hợp với tổng thể mục tiêu TTTD chung toàn hệ thống.
Có một số ý kiến cho rằng, việc đưa ra hạn mức TTTD với các nhóm ngân hàng như năm nay gần như không có ý nghĩa vì có “thả” thoải mái thì tín dụng cũng không tăng. Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng. Việc NHNN đặt ra hạn mức TTTD cho từng nhóm ngân hàng trên cơ sở đảm bảo mục tiêu chung vừa để khuyến khích các ngân hàng nỗ lực hơn, nhưng cũng là để đặt trần TTTD mà chúng ta không nên vượt quá - như những năm trước chúng ta đã mắc phải và dẫn đến hệ quả là tăng trưởng của nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào TTTD.
Việc đặt ra các hạn mức như vậy không phải là bằng mọi cách đạt được mà là để không vượt quá. Còn việc TTTD năm nay không cao là do các yếu tố khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước, như vấn đề SXKD đã nói ở trên.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB:
Nên phân chỉ tiêu theo xếp hạng ngân hàng
TTTD có thể vẫn phân theo nhóm. Nhưng theo tôi, sang năm 2013, khi xếp hạng các ngân hàng hoàn chỉnh hơn, thì TTTD nên gắn với xếp hạng ngân hàng. Theo đó, ngân hàng nào có năng lực quản trị rủi ro tốt hơn thì tăng trưởng nhiều hơn, còn ngân hàng nào năng lực quản trị rủi ro thấp hơn thì tăng trưởng chỉ nên ở mức phù hợp.
Cũng có ý kiến là phân chỉ tiêu TTTD theo tỷ lệ nợ xấu ngân hàng. Nhưng theo tôi đấy chỉ là một yếu tố để xét duyệt, ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như quản lý rủi ro, năng lực tài chính…
Việc phân chỉ tiêu tín dụng tương đối như năm 2012 cũng khó cho ngân hàng nhỏ trong phát triển. Vì thế vừa qua đã có một số ngân hàng xin thêm chỉ tiêu TTTD. Nhưng quả thật, để đưa ra mức TTTD “công bằng” cho tất cả các ngân hàng cũng không phải là điều dễ thực hiện. Với OCB, hiện ngân hàng đang đánh giá khả năng tài chính, quản lý rủi ro… để xác định con số TTTD cho phù hợp.
Còn theo tôi thời điểm này quá sớm để đưa ra kịch bản TTTD toàn hệ thống. Hiện Quốc hội vẫn đang thảo luận mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013. Khi xác định được mục tiêu tăng trưởng; xét trên nhiều góc độ, ví dụ nguồn vốn huy động khác nhau... mới có thể biết sẽ cần bao nhiêu vốn cho nền kinh tế. Từ đó, đưa ra mức TTTD cho toàn hệ thống cho phù hợp.
|
Đỗ Lê
thời báo ngân hàng
|