Chủ Nhật, 04/11/2012 14:40

Rót vốn vào đâu?

Trước sức nóng từ nghị trường Quốc hội, ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp báo về những thông tin dư luận đang quan tâm nhất: vàng và nợ xấu. Nhưng biết tình hình rồi thì làm gì?

Trong khi chờ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế, chúng ta sẽ làm gì khi: vàng - nơi trú ẩn an toàn nhất; tiền đồng - lãi suất đang cao nhưng nếu lạm phát tăng mạnh sẽ mất giá; đô la Mỹ - lãi suất thấp, nhưng thanh khoản cao; bất động sản: giá đang giảm và sẽ còn giảm tiếp cho đến khi có những cú hích đủ mạnh từ giải pháp tổng thể của Chính phủ và bộ, ngành liên quan.

Giá vàng: Vẫn không thể kiểm soát?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ xem xét cho phép lùi thời hạn chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên thời hạn này là không lâu, chỉ tính bằng tháng. Nghĩa là các ngân hàng thương mại lại sẽ tiếp tục được phép mua vàng vào cho đủ 20 tấn còn thiếu? Vậy giá vàng sẽ như thế nào? Ngân hàng Nhà nước chắc chắn không cho nhập khẩu vàng, vậy chỉ có thể huy động vàng trong dân, mà vấn đề này đã được đề cập đến từ lâu nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp. Cầu lớn ắt giá sẽ tăng, nếu cộng với sự tăng giá của vàng thế giới thì chắc chắn giá vàng trong nước sẽ còn những đợt tăng giá nữa, trước khi Ngân hàng Nhà nước thực sự đóng cửa kênh vàng của các tổ chức tín dụng.

Mặt khác, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục lùi thời hạn tất toán tài khoản vàng của các ngân hàng thương mại, tuy "không phải là chùn tay mà là vì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hệ thống…", nhưng cái mất cũng không nhỏ. Đó là lòng tin, là cái uy bị suy giảm của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Ngân hàng Nhà nước. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng muốn đưa mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về khoảng 400 ngàn đồng/lượng; muốn nhanh chóng áp dụng quy định mới về quản lý thị trường vàng nhằm ổn định thị trường, chấm dứt vai trò là phương tiện thanh toán; là hàng hóa đặc biệt, thiết yếu…của vàng. Đến giờ, những điều này đã không thực hiện được.

Ba ngân hàng thương mại - "chủ nhân" của 8 tấn vàng cần mua vào - đã quá tay trong kinh doanh vàng sẽ thoát nạn khi được gia hạn? Sự nương tay của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại này sẽ tạo tiền lệ xấu cho công tác quản lý sau này. Chủ trương dừng huy động và cho vay bằng vàng đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ lâu. Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước ra ngày 29/4/2011 qui định các tổ chức tín dụng phải chấm dứt việc huy động và cho vay vốn bằng vàng vào ngày 1/5/2012. Một năm sau, bằng Thông tư 12 ra ngày 27/4 /2012, Ngân hàng Nhà nước lại nhắc các tổ chức tín dụng không được huy động vốn bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng phải chấm dứt vào 25/11/2012. Các tổ chức tín dụng đã có rất nhiều thời gian để chuẩn bị, chấp hành qui định này. Mặt khác, sẽ là thiếu công bằng đối với những tổ chức tín dụng đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Họ nghĩ gì khi cho đến tận ngày 25/10, chỉ 1 tháng trước khi qui định về đóng tài khoản vàng có hiệu lực, trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố cho phép gia hạn…ACB vẫn phát hành chứng chỉ huy động vàng có kỳ hạn một tháng và hai tháng với lãi suất 1,40%/năm (cộng thêm lãi suất thưởng khi lượng gửi nhiều). Và đến ngày 26/10 - ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ xem xét gia hạn thời hạn dừng cho vay, huy động vàng, trên website của ACB đã thấy có thông tin về chứng chỉ huy động vàng ghi danh, thời hạn:1, 2, 3, 6, 9 và… thậm chí 11 tháng (?!).

Trong vòng nguy hiểm: Còn những NHTM nào?

Nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm cuối tháng 10/2012 chiếm từ 8,8% -10% tổng dư nợ
Thông tin đáng chú ý được Ngân hàng Nhà nước phát ra là sẽ trình Chính phủ Đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu trước ngày 15/11. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng. Danh sách "mươi" tổ chức tín dụng yếu kém được đưa vào diện tái cấu trúc mà Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói đến từ tháng 2/2012 đã chính thức được công bố: Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn (3 ngân hàng đã thực hiện hợp nhất), Habubank (đã sát nhập vào SHB), Đại Tín, Nam Việt, Phương Tây, TienPhongBankGPBank. Nhưng trong những ngân hàng này, có bao gồm 3 ngân hàng đang gặp vấn đề trong kinh doanh vàng không?

Câu trả lời là chưa rõ. Ví dụ, với mức lỗ hơn 1.144 tỷ đồng ở mảng kinh doanh ngoại hối và vàng, quý 3/2012 ACB đã lỗ sau thuế 496,2 tỷ đồng. Tùy thuộc vào giá vàng trong thời gian tới, số lỗ có thể phát sinh thêm trong quý 4/2012. Tổng tài sản giảm, nợ xấu tăng, huy động vốn giảm… Bức tranh hiện tại và cả trong tương lai của ACB thực sự rất đáng lưu tâm. Ngoài ACB, báo cáo tài chính của một loạt ngân hàng thương mại vừa công bố cho thấy, nhiều ngân hàng đã và đang tiếp tục lâm vào hoàn cảnh khó khăn với nợ xấu tăng, tín dụng tăng trưởng âm, huy động vốn giảm, đe dọa mất khả năng thanh khoản khi nhu cầu vốn cuối năm thường tăng. Vậy, sau "mươi" sẽ là bao nhiêu tổ chức tín dụng nữa cần tái cấu trúc?

Nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm cuối tháng 10/2012 chiếm vào khoảng từ 8,8% -10%/ tổng dư nợ. Nếu đúng trong tháng 11/2012 đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu được trình Chính phủ, cho dù có được duyệt ngay, thì cũng còn quá nhiều việc cần làm để tổ chức này có thể đi vào hoạt động. Như vậy là cần thêm không ít thời gian để làm tan được "cục máu đông" - nợ xấu của ngành ngân hàng. Công ty mua bán nợ sẽ xử lý khoảng 60 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Vấn đề là, nợ xấu sẽ còn tăng. Một điểm đáng chú ý nữa: 84% nợ xấu là có tài sản đảm bảo và chủ yếu là bất động sản. Như vậy, vấn đề lại nằm ở thị trường bất động sản. Từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Xây dựng nhằm đưa ra những phương án giải cứu thị trường này. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra, có thể thấy thị trường bất động sản đã vượt ra khỏi tầm quản lý của hai cơ quan này. Cùng với những ngân hàng thương mại "chết" vì vàng, sẽ là những tổ chức tín dụng lâm nguy vì bất động sản!

Vậy giờ phải làm gì? Ngân hàng Nhà nước tất nhiên phải làm tiếp những gì chưa làm được. Bản thân tổ chức tín dụng chính là người biết rõ nhất "mình là ai". Động thái công bố sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường của một số ngân hàng thương mại là một trong những minh chứng rõ ràng cho việc này. Vì vậy, thời gian tới, chắc chắn sẽ có chuyển biến thực sự của ngành ngân hàng trong lộ trình tái cơ cấu.

Nên phân tán rủi ro vào các kênh khác nhau, các chuyên gia bảo vậy! Tất nhiên là cất tiền vào đâu, hay mạo hiểm đầu tư, còn tùy vào sở thích và sở trường của mỗi người.

Bài: Thái Thanh - Ảnh: T.L

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Hết thời gian gửi vàng tại ngân hàng, nắm giữ vàng ra sao? (03/11/2012)

>   Vàng đổ dốc, xuống dưới 46 triệu (03/11/2012)

>   Vàng chìm nghỉm hơn 40 USD/oz, giảm tuần thứ tư liên tiếp (03/11/2012)

>   Gia công 40.000 lượng vàng SJC móp méo (02/11/2012)

>   Ông Lê Hùng Dũng: SJC trở thành “người gia công” (02/11/2012)

>   Bó chân vàng miếng, vàng trang sức rộng đường? (02/11/2012)

>   Giá vàng SJC hạ nhiệt sau ngày tăng bất thường (02/11/2012)

>   Móc túi người giữ vàng (02/11/2012)

>   Vàng giảm sau số liệu kinh tế lạc quan của Mỹ và Trung Quốc (02/11/2012)

>   Kiến nghị tạm xuất vàng miếng, tái nhập vàng khối (01/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật