Thứ Năm, 01/11/2012 22:23

Kiến nghị tạm xuất vàng miếng, tái nhập vàng khối

UBND TPHCM đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giải pháp cho phép tạm xuất vàng miếng và tái nhập vàng khối theo đề xuất của các đơn vị kinh doanh vàng.

Theo thông báo của UBND thành phố ngày 30-10 về giải quyết vướng mắc hoạt động kinh doanh vàng, việc tạm xuất vàng miếng và tái nhập vàng khối giúp đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng vàng của các thương hiệu khác khi thực hiện chuyển đổi sang thương hiệu SJC, đảm bảo cung ứng đủ nguồn cung vàng cho thị trường, góp phần kéo giảm chênh lệch giá vàng, giảm thiệt hại cho các tổ chức tín dụng và người dân.

Ngoài ra, UBND thành phố còn đề xuất Ngân hàng Nhà nước chấp thuận kiến nghị của Công ty SJC liên quan đến việc cấp giấy phép mở (không xác định về số lượng và thời gian dài hơn), để thuận lợi trong việc sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC từ nguồn vàng SJC móp méo, không đủ tiêu chuẩn lưu thông nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngày 27-4-2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 12/2012/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng chỉ được huy động vốn thông qua hình thức phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng, để đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng khi tồn quỹ và thu nợ không đủ chi trả, thời hạn phát hành chứng chỉ vàng phải chấm dứt vào ngày 25-11-2012.

Theo UBND thành phố, trong những năm gần đây, trước bối cảnh giá vàng biến động mạnh, hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt hiện tượng cho vay vàng để đầu cơ diễn ra phổ biến với quy mô lớn, không những làm tăng rủi ro cho các tổ chức tín dụng mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường vàng.

Việc quản lý hoạt động vàng theo các quy định mới ban hành gần đây đã có những tác động tích cực, hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới hầu như không xảy ra khi giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch, nhờ đó tỷ giá và thị trường ổn định.

Tuy nhiên, UBND thành phố lại cho rằng đang phát sinh một số vấn đề vướng mắc liên quan đến thanh khoản vàng của các tổ chức tín dụng và vấn đề vàng giả, nhái thương hiệu SJC.

Do vậy, UBND thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ động thông tin chính xác, kịp thời về định hướng, kế hoạch quản lý thị trường vàng để ổn định tâm lý người dân. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành liên quan truy tìm, ngăn chặn nguồn gốc cung cấp vàng miếng giả, nhái nhãn hiệu SJC để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu vàng quốc gia.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết cơ quan này đã nhận được kiến nghị của Ủy ban Nhân dân TPHCM về các giải pháp đối với thị trường vàng, trong đó có phương án cho phép tạm xuất vàng miếng, tái nhập vàng khối.

Theo ông Hưng, hiện tại một số ngân hàng và doanh nghiệp đang tồn một lượng vàng lớn với nhiều thương hiệu khác nhau, đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép dập thành vàng miếng SJC. Nhưng máy móc của SJC không đủ sức để kiểm định nhanh chóng tất cả số vàng bị tồn, gần 400.000 lượng, vì vậy, một số doanh nghiệp đã đề xuất các cách thức để nhanh chóng chuyển đổi được.

Tạm xuất vàng miếng, tái nhập vàng khối có nghĩa là doanh nghiệp sẽ xuất số lượng vàng miếng của họ ra nước ngoài, vàng này sẽ được chuyển thành vàng khối, sau đó nhập về. Việc này sẽ khiến cho chất lượng vàng được đảm bảo, vì đã được tổ chức nước ngoài phân kim. Sau đó, số vàng này sẽ được đưa đến SJC để dập lại, không mất thời gian kiểm định.

Tuy vậy, theo ông Hưng, đây không phải là việc đơn giản, dễ làm. Đầu tiên, nó sẽ vướng về mặt pháp lý, vì theo Nghị định 24, chỉ Ngân hàng Nhà nước mới được phép xuất nhập khẩu vàng. Nếu muốn làm việc này, thì phải thông qua một hợp đồng ủy thác rất phức tạp. Hai là, với giá cả, chi phí dập thế nào chính doanh nghiệp phải chấp nhận, Ngân hàng Nhà nước sẽ không đứng ra chịu các chi phí này, vì đây là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Phương pháp thứ hai là doanh nghiệp tự nấu lại thành khối, dưới sự kiểm định chất lượng của SJC, sau đó SJC sẽ dập luôn thành vàng miếng mà không cần kiểm định lại. Vì trên thực tế, với công suất 50.000 lượng/ngày, SJC sẽ không mất quá nhiều thời gian để dập. Việc chậm trễ trong thời gian qua chủ yếu do công ty này phải kiểm định chất lượng từng lượng vàng.

Còn một biện pháp nữa là Ngân hàng Nhà nước sẽ ứng trước vàng SJC cho các doanh nghiệp, ngân hàng, sau đó khi nào sản xuất xong vàng SJC thì sẽ thu hồi lại. Nhưng việc này lại vướng ở chỗ vàng mà Ngân hàng Nhà nước có nằm trong dự trữ ngoại hối, là tài sản của Nhà nước, vì vậy, phải cân nhắc để không chịu bất cứ rủi ro nào. Đồng thời, muốn đưa ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng phải dập số vàng theo tiêu chuẩn quốc tế thành vàng miếng SJC, nên cũng không thể thực hiện thật nhanh được.

Ông Hưng cho rằng, hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc các phương án, nhưng vẫn chú trong phương án cho phép doanh nghiệp tự nấu lại vàng khối, vì sẽ dễ thực hiện hơn. Do đó, thị trường cần chờ đợi thêm một thời gian để việc chuyển đổi vàng miếng được giải quyết nhanh chóng hơn.

Văn Nam - Thanh Thương

tbktsg online

Các tin tức khác

>   Thua lỗ vì vàng: Đắt sao vẫn cố mua? (01/11/2012)

>   Giá vàng tăng hơn 400.000 đồng (01/11/2012)

>   Vàng rớt 3.1% trong tháng giảm giá đầu tiên từ tháng 5 (01/11/2012)

>   Nhu cầu mua vàng giảm (31/10/2012)

>   Quản lý thị trường vàng với phương án chống vàng hóa  (31/10/2012)

>   Vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới: Người dân đang chịu thiệt (31/10/2012)

>   Mô hình quản lý cho thị trường vàng (31/10/2012)

>   Thống đốc NHNN trần tình về “độc quyền” vàng miếng (31/10/2012)

>   Giá vàng xuống dưới 46 triệu đồng (31/10/2012)

>   Vàng lướt nhẹ qua 1,710 USD/oz sau gói QE bổ sung của Nhật (31/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật