Thua lỗ vì vàng: Đắt sao vẫn cố mua?
Giá vàng đắt hơn thế giới 3 triệu đồng, người mua kêu ca bị thiệt hại nặng. Vậy tại sao, biết đắt vẫn cố mua nhưng mua lại kêu bị thua thiệt như thể mình bị lừa?
Quan điểm này được một chuyên gia kinh tế đặt ra khi ông đề cập một cách nhìn lạ. Theo ông, điều đáng lo nhất hiện nay là giá cả miếng ăn, thu nhập và đời sống của đại đa số người dân đang ngóng tăng mấy trăm ngàn tiền lương. Còn vàng, dù giá tăng nhưng không mất ngoại tệ nhập khẩu, không làm tăng tỷ giá… thì ai mua nấy chịu.
Ai đang mua vàng?
Giá vàng ngày 31/10 tiếp tục giảm theo giá thế giới và đã có lúc xuống dưới ngưỡng 46 triệu đồng/lượng. Trong khi giá trong nước đã giảm theo một sự “liên thông tương đối” thì vẫn còn một điểm khác biệt của giá vàng Việt Nam là khoảng chênh giá trong nước với giá thế giới vẫn trên 3 triệu đồng.
Vàng đắt và mua vào là lỗ, vậy ai đang cố mua vàng? Không khó để thấy nguồn cầu lớn nhất đến từ ngân hàng. Với việc vẫn còn thiếu đến 20 tấn vàng sau khi đã mua vào đến 40 tấn để bù đắp trạng thái thì các ngân hàng vẫn phải mua vàng.
Hơn nữa, dù đã được gia hạn thời gian đáo hạn các chứng chỉ vàng đến 30/6/2013 nhưng các ngân hàng chỉ được hát hành chứng chỉ huy động đến 24/11/2012 nên các ngân hàng hiểu rằng nhiệm vụ duy nhất lúc này là mua vàng vào.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tiết lộ, tháng trước giá vàng sốt ở đỉnh, các ngân hàng vẫn phải cắn răng mua vào, nay giá hạ càng phải tranh thủ mua. Còn việc gia hạn chỉ là giảm bớt áp lực thanh khoản hiện tại chứ không trông chờ nhiều vì trước sau gì cũng phải trả. Nên đã lỡ tiêu thì phải mua càng sớm càng tốt.
Có cầu mua, các DN vàng sẽ bán để kiếm lãi. Tuy nhiên, sẽ không có một DN nào kể cả SJC có đủ dự trữ hàng tấn vàng để bán cho các ngân hàng mà buộc họ phải đẩy giá lên để huy động vàng từ dân cư. Mua đắt và bán đắt, đó chính là nguồn gốc của khoản chênh 3 triệu đồng trong suốt thời gian qua.
Trong 1 năm qua, không được nhập vàng, lại không được dập vàng miếng mới nên các DN chỉ còn cách huy động vàng dân cư, bán cho các ngân hàng để ăn chênh lệch trung gian 100 – 150 ngàn/lượng.
Điều này đã được lý giải là trong cơn sốt vàng gần đây và tính suốt cả thời gian qua là người dân đã liên tục bán vàng ra để chốt lãi. Con số từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ tháng 4 trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã mua 60,1 tấn vàng.
Trong khi đó, những con số lỗ sau quý 3 từ các ngân hàng có nguyên nhân từ vàng mà cụ thể là việc phải mua vàng bằng mọi giá nhằm bù đắp trạng thái đáp ứng thời điểm đóng cửa huy động cho vay vàng.
Rõ ràng, các ngân hàng đang “bỏng tay” vì vàng, nhưng trước thực tế này, chính đại diện Ngân hàng đã bày tỏ quan điểm, các ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm, họ đã kiếm lợi khá lớn từ việc chuyển vàng sang tiền cho vay thì nay phải chấp nhận chịu lỗ khi giá lên cao đúng quy luật của cuộc chơi.
Cũng tương tự, đối với các nhà đầu cơ và đầu tư trên thị trường, họ bỏ tiền ra để sở hữu tài sản tài chính này trên cơ sở tự quyết định và thỏa thuận mua bán. Vì thế, biết giá vàng đắt mà vẫn quyết định mua, bất chấp mọi khuyến cáo của quản lý và chuyên gia thì chuyện “lời ăn, lỗ chịu’ là cái giá của một đầu tư mạo hiểm mà cả BĐS hay chứng khoán cũng chung số phận.
Tuy nhiên, khác với những lần trước, mỗi khi vàng sốt kéo lan sang tỷ giá biến động thì nay dù đã có nhiều sức ép nhưng hơn 1 năm qua Ngân hàng Nhà nước đã kiên trì với quan điểm không xuất ngoại tệ để nhập vàng. Và điều đáng nói hơn là dù sốt vàng, dù nhu cầu tăng lên nhưng đã không còn hiện tượng tỷ giá bị chi phối bởi giá vàng.
Và không phải không có lý khi một chuyên gia Ngân hàng Nhà nước kiên quyết từ chối nhập vàng để hạ sốt vì điều này là không cần thiết, và càng không thể chi ngoại tệ nhập vàng chỉ để thỏa mãn nhu cầu của một bộ phận ngân hàng hay giới đầu cơ.
Vàng đang trở về đúng nghĩa với một tài sản, và tuân theo quan hệ mua bán thì nguyên tắc lời ăn lỗ chịu. Và tất nhiên, khi vàng đắt giá mà vẫn cố mua thì thật không sòng phẳng khi tìm kiếm một lý do để đổ lỗi cho thua thiệt của mình. Từ đây mới thấy, cách đặt vấn đề hơi lạ của vị chuyên gia trên đây trở nên có cái lý riêng.
Bình ổn vàng nhìn từ tỷ giá
Từ năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu mạnh tay thực hiện các giải pháp siết chặt thị trường ngoại hối nhằm tạo ra sự bình ổn dài hạn cho thị trường này. Trong hơn một năm qua, ngoại hối đã có được một sự bình ổn đáng giá bấp chấp những biến động của vàng hay trên thị trường tiền tệ. Lời cam kết giữ tỷ giá biến động không tăng quá 3% trong năm 2012 đến nay chắc chắn đã thực hiện được.
Con số thống kê cho thấy, tính đến 19/10, tăng trưởng huy động vốn đạt 14,02%, trong đó huy động tiền đồng tăng 17,52%, ngoại tệ giảm 1,55%. Riêng khu vực dân cư, tiền gửi vào ngân hàng tăng 23,31% so với đầu năm, trong đó tiền gửi VNĐ tăng 28,76% và ngoại tệ giảm 5,53%. Một con số khác cho thấy, 6 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước mua ròng 10 tỷ USD Mỹ. Riêng ngày 25/10, số mua vào lên tới 100 triệu USD.
Thực tế cho thấy, sự ổn định của tỷ giá đã tạo ra một hiệu ứng trên thị trường khi người đầu cơ hay cầm nắm ngoại tệ bắt đầu chuyển qua VND khi lãi suất USD thấp và không còn cơ hội kiếm lợi khi tỷ giá không có “sóng”.
Điều đó không chỉ khiến hệ thống ngân hàng hưởng lợi khi có được nguồn ngoại tệ dồi dào mà chính Ngân hàng Nhà nước cũng được hưởng lợi cuối cùng khi 6 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước mua ròng 10 tỷ USD Mỹ để gia tăng dự trữ ngoại hối. Riêng ngày 25/10, số mua vào lên tới 100 triệu USD.
Và dường như chiêu bài này đang được áp dụng với vàng. Các bước đi vừa qua của Ngân hàng Nhà nước từ cuối năm ngoái đến nay đang tạo ra rất nhiều xáo trộn trên thị trường nhưng đang hướng đến một mục tiêu cuối cùng làm giảm cơ hội kiếm lợi và gây bất ổn từ vàng. Làm giảm sự hấp dẫn của vàng để hướng nguồn lực này chuyển hóa sang các kênh đầu tư khác có lợi cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đã công khai quan điểm không khuyến khích người dân mua và găm giữ, ngăn chặn việc vàng hóa trong nền kinh tế… Có lẽ vì thế, trong ý định mới được tiết lộ, Ngân hàng Nhà nước cho biết có thể đề xuất vào việc đánh thuế đối với vàng.
Điều này bước đầu đã gây ra phản ứng của nhiều người nhưng với quan điểm cái gì không khuyến khích thì sẽ được đánh thuế cao thì nhiều chuyên gia tài chính lại cho rằng đó là một giải pháp cần tính đến. Bên cạnh các giải pháp quản lý thị trường, ổn định VND và gia tăng sự hấp dẫn an toàn của các kênh đầu tư khác.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, đánh thuế vào vàng, VND sẽ được bảo vệ, vị thế đồng nội tệ sẽ tăng lên và NHNN có cơ sở để hạ nhanh lãi suất huy động. Điều này hoàn toàn khả thi kể cả khi nợ xấu ngân hàng tăng. Cách làm này vừa giúp phá băng thị trường bất động sản, vừa xử lý được nợ xấu.
Theo thông lệ thế giới, vàng gồm vàng miếng và vàng trang sức đều được coi là một loại hàng hóa và thường phải chịu 2 loại thuế là thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Nhưng vàng miếng hiện đang được miễn thuế, còn vàng trang sức mức áp dụng quá thấp, chỉ bằng khoảng 0,5% trên giá bán. Như vậy, nếu có đánh thuế cũng là một thông lệ mua hàng thì phải nộp thuế.
Trong khi đó, một so sánh thú vị cũng được nhiều người đưa ra, việc đánh thuế với vàng cũng là công cụ để nắn dòng tiền nhàn rỗi như cách người ta đang bức xúc, tìm cách đánh thuế với biệt thự bỏ hoang để ngăn chặn phần nào những bất cập của BĐS đang được ủng hộ.
Ngọc Sơn
vietnamnet
|