Thứ Tư, 31/10/2012 13:01

Mô hình quản lý cho thị trường vàng

Thị trường vàng Việt Nam đang gặp nhiều bất cập. Thị giá vàng miếng SJC cao hơn vàng thế giới có lúc đến 3 triệu đồng/lượng. Trạng thái cân đối vàng tại một số ngân hàng thương mại còn âm do trước đây bán vàng huy động ra lấy tiền đồng cho vay. Ngân hàng cho vay vàng khó thu hồi vì chủ yếu “nằm” ở bất động sản … Nhiều mô hình về vàng đang được đặt lên trên bàn nghiên cứu.

Bên cạnh trách nhiệm quản lý, Nhà Nước cần can thiệp, thậm chí bình ổn thị trường vàng theo hướng quyền tự do sở hữu vàng của người dân cần được tôn trọng, thị trường vàng không là mảnh đất béo bở của “đầu cơ, làm giá SJC”, hạn chế những rủi ro về vàng đối với nền kinh tế và tạo điều kiện cho người mua bán vàng đóng góp vào xây dựng đất nước.

Bước cơ bản đầu tiên để đạt được những ý nguyện trên là Nhà Nước cần xem vàng là ngoại hối (như Đô la Mỹ), là tài sản dự trữ quốc gia trong cả cán cân thanh toán quốc tế lẫn can thiệp bình ổn giá trị Việt Nam đồng. Vì vàng là “tiền thật” của 100 năm trước, chớp nhoáng có thể chuyển hóa thành ngoại tệ mạnh nên Nhà Nước có thể cân đối một tỷ lệ đáng kể vàng trong rổ dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Xu hướng trên đang được một số quốc gia quan tâm, nhất là khi mặt hàng dự trữ ngoại tệ này sẽ thoát khỏi “những lệnh phong tỏa tài sản quốc tế” khi vàng dự trữ tại Kho bạc trong nước. Để thực hiện, Nhà Nước chấp nhận “lời, lỗ” theo thăng trầm của giá vàng thế giới. Có thể thấy, thực hiện dự trữ bằng USD thời gian qua vẫn lỗ đáng kể vì USD xuống giá sâu so với một số ngoại tệ mạnh khác.

Bước thứ hai là Nhà Nước trực tiếp độc quyền xuất nhập khẩu vàng vật chất. Điều này thuận lợi vì chỉ thay đổi cơ cấu rổ dự trữ ngoại tệ, khác với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp vì phải mua ngoại tệ cho nhập vàng.

Chủ trương này cũng đảm bảo độ “linh động” trong can thiệp thị trường và đảm bảo việc huy động cần thiết vào ngân sách quốc gia. Nói cách khác, chênh lệch 3 triệu đồng mỗi lượng SJC mà những nhà đầu cơ, thậm chí buôn lậu xuyên biên giới đang hưởng sẽ được huy động một phần vào ngân sách quốc gia, một phần trả lại cho thị trường khi Nhà Nước bán ra vàng SJC với giá chênh lệch chỉ 1 triệu đồng/lượng so giá vàng quốc tế.

Bước thứ ba là Nhà Nước đứng ra trực tiếp “điều hòa” nhu cầu vàng trong nước. Nói cách khác là liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế.

Với vị trí độc quyền xuất nhập khẩu vàng, Nhà Nước đảm bảo cung ứng và thu mua đủ nhu cầu vàng trên thị trường theo hướng “tạo điều kiện để người mua bán vàng không phải gặp giá quá chênh, đồng thời có đóng góp vào xây dựng đất nước”. Chẳng hạn ở mức chênh lệch khoảng 1 triệu đồng cho vàng Nhà Nước bán ra, khoảng 500 ngàn đồng cho vàng Nhà Nước mua vào. Như thế, buôn lậu vàng qua biên giới sẽ hạn chế.

Bình ổn thị trường vàng hiện nay tương đối thuận lợi vì chỉ còn thương hiệu SJC. Chỉ cần “quốc hữu hóa” xưởng đúc vàng SJC và đặt dưới sự điều hành của Kho Bạc như Nhà máy in tiền đặt dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà Nước.

Mặt khác, mặc dù không khuyến khích người dân nắm giữ vàng nhưng Nhà Nước cũng không nên “nao lòng” nếu phải dùng ngoại tệ nhập vàng về để đáp ứng nhu cầu mua vàng trong nước. Chúng ta có một nguồn ngoại tệ “khá khổng lồ” là kiều hối. Nhà Nước đã bỏ ra đồng Việt Nam để mua vào kiều hối thì cũng chấp nhận dùng một phần lượng kiều hối này nhập vàng về thu lại đồng Việt Nam nhằm bảo vệ giá trị tiền đồng. Một tư duy cũng cần xem xét là vàng trong dân, tuy không nằm trong Kho bạc nhưng vẫn là “dự trữ quốc gia” ở góc độ gián tiếp nào đó vì Nhà Nước có thể huy động một phần lượng vàng này khi cần thiết bằng cách dùng đồng Việt Nam mua vàng giá cao.

Thực hiện mô hình này, hệ thống Kho Bạc cả nước sẽ là Tổng đại lý mua bán vàng SJC, giá cả thay đổi linh hoạt theo giá vàng thế giới. Mỗi thời điểm, gần như Kho bạc chỉ mua (khi thị trường bội cung) hoặc bán (khi thị trường bội cầu). Sự can thiệp này sẽ làm thị trường vàng “bớt nóng”, tạo điều kiện cùng những giải pháp khác khuyến khích người dân đưa tiền vào đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Chủ trương “ngừng huy động và cho vay vàng” của Ngân hàng Nhà Nước, bên cạnh việc hạn chế rủi ro cho ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vay vàng, còn có ý nghĩa lớn trong việc củng cố giá trị đồng Việt Nam, tạo điều kiện cho những kênh đầu tư vào sản xuất kinh doanh thêm thuận lợi khi gọi vốn từ xã hội.

Chủ trương Nhà Nước huy động khối lượng vàng khổng lồ trong dân đưa vào phục vụ phát triển kinh tế cần xem xét cẩn trọng vì khi người dân đồng loạt rút vàng khi giá vàng “lên quá cao” thì Nhà Nước sẽ cân đối nguồn gì để trả mà không phải phát hành tiền mua vàng? Để không “ảnh hưởng lớn” đến giá trị Việt Nam đồng? Không ai đảm bảo rằng giá vàng không “phi mã” khi quy mô tiền trong thị trường đầu cơ vàng thế giới quá nhỏ so kênh trái phiếu chính phủ. Chỉ cần 1% đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ được chuyển nhanh sang vàng thì vàng lại phi mã.

Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Thống đốc NHNN trần tình về “độc quyền” vàng miếng (31/10/2012)

>   Giá vàng xuống dưới 46 triệu đồng (31/10/2012)

>   Vàng lướt nhẹ qua 1,710 USD/oz sau gói QE bổ sung của Nhật (31/10/2012)

>   Được - chưa được trong điều hành vàng (31/10/2012)

>   Giải pháp thì dễ, vấn đề là niềm tin! (31/10/2012)

>   Huy động sức vàng: Không hẳn hết cách (30/10/2012)

>   Giá vàng giao dịch dưới 46,30 triệu đồng mỗi lượng (30/10/2012)

>   Các thương hiệu vàng miếng “có phép” vẫn lưu thông bình thường (30/10/2012)

>   Lãi suất và giá vàng đều giảm (30/10/2012)

>   Vàng giảm phiên thứ 4 trong 5 ngày (30/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật