Bó chân vàng miếng, vàng trang sức rộng đường?
Sau khi thương hiệu SJC thuộc quyền quản lý của ngân hàng Nhà nước (NHNN), cả SJC và PNJ, hai doanh nghiệp tên tuổi trong kinh doanh vàng đều đặt mục tiêu phát triển vàng trang sức.
Triển lãm nữ trang tại hội chợ quốc tế Trang sức Việt Nam.
|
Bước ngoặt từ các quyết định
Ông Nguyễn Thành Long – nguyên tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), hiện đang là chủ tịch hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, người đã gắn bó với SJC kể từ khi thành lập, nhớ lại: “Phải mất gần mười năm SJC mới tìm được chỗ đứng trên thị trường vàng miếng”. Ông Long kể, những năm trước 1975, người dân sử dụng vàng lá như là một loại tiền tệ có giá trị mạnh. Trong đó, phổ biến nhất là vàng lá hiệu Kim Thành, Kim Hoàn mà dân quen gọi là vàng trái núi, vàng sọc. Mỗi lượng vàng lúc đó gồm 2,5 lá vàng mỏng, hàm lượng vàng khoảng 99,97 – 99,98%. Đến tháng 10.1988, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC tham gia kinh doanh vàng theo cơ chế thị trường. Tuy là vàng đúng 9999, tiện dụng để cất trữ, nhưng vàng miếng Rồng vàng SJC vẫn bị đánh giá thấp hơn. Bước ngoặt đáng kể của thương hiệu này, phải kể tới một văn bản của cơ quan nhà nước ban hành năm 1992, trong đó ghi rõ, việc hoá giá nhà tính bằng vàng SJC. Thời đó, giao dịch nhà đất, nhất là giao dịch lớn, chủ yếu đều thanh toán bằng vàng. Mãi tới gần đây, việc sử dụng vàng trong thanh toán nhà đất mới giảm đi. Từ lợi điểm ban đầu, cùng với việc phát triển cửa hàng đại lý lên hơn 80 điểm, vàng SJC chiếm lĩnh thị trường từ sau năm 2000.
Nếu mốc 1992 là khúc quanh tạo đà tăng, thì ngày 25.11.2011 là khúc quanh “ngặt nghèo” do hơn 80% doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp này là từ vàng miếng. Lúc đó, ở diễn đàn Quốc hội, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố: “Kể từ giờ phút này trở đi, SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN”. Lý do SJC được chọn khá đơn giản. Bởi đây là thương hiệu thuộc về một công ty nhà nước, khống chế 93% thị phần.
Chuyển đầu tư vào trang sức
Hơn chín tháng sau đó, ban lãnh đạo công ty SJC đưa ra chiến lược mới, với trọng tâm mở rộng thị phần vàng trang sức. Ông Đỗ Công Chính, tổng giám đốc công ty SJC, cho biết: “Trong định hướng phát triển lâu dài, tập trung vào ngành nữ trang, SJC sẽ tập trung xây dựng cơ sở vật chất quy mô tại TP.HCM”. Tuy nhiên, họ sẽ phải cạnh tranh với thương hiệu đang dẫn đầu thị trường trang sức Việt Nam hiện nay là PNJ. Vào ngày 18.10 vừa qua, PNJ vừa mới đưa xí nghiệp sản xuất trang sức quy mô hiện đại và công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay – đạt 4 triệu sản phẩm/năm vào sản xuất.
Cũng như SJC, khi mất đi cơ hội kinh doanh vàng miếng hiệu Phượng Hoàng, doanh thu PNJ sụt giảm mạnh. Báo cáo tài chính quý 3 của PNJ cho thấy doanh thu chín tháng đầu năm chỉ đạt 4.885 tỉ đồng, giảm đến 65,8%. Bà Cao Thị ngọc Dung, chủ tịch hội đồng quản trị PNJ, cho biết: “Tầm nhìn của PNJ sẽ là công ty chế tác và bán lẻ trang sức hàng đầu tại châu Á, giữ vị trí số một trong tất cả các phân khúc thị trường mà PNJ nhắm tới tại Việt Nam”.
Đáng chú ý, cả SJC và PNJ đều đặt mục tiêu tăng doanh thu xuất khẩu trang sức. Trong lĩnh vực này, PNJ có lợi thế nhờ đội ngũ hàng trăm nghệ nhân có tay nghề cao được đào tạo và tích luỹ kinh nghiệm trong gần 25 năm qua.
BÍCH NGA
sài gòn tiếp thị
|