Ông Lê Hùng Dũng: SJC trở thành “người gia công”
Từ chủ sở hữu, nay SJC chỉ là đơn vị gia công vàng miếng nên doanh nghiệp này sẽ tập trung vào lĩnh vực trang sức kim hoàn.
Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Vàng bạc đá quý SJC
|
* Bó chân vàng miếng, vàng trang sức rộng đường?
Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Vàng bạc đá quý SJC, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị: “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sở hữu bốn nội dung. Thứ nhất, quản lý hoàn toàn hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu. Thứ hai, bộ khuôn dập vàng SJC hiện NHNN quản lý. Thứ ba, sản lượng sản xuất và phân phối Nhà nước cũng quyết định: dập cho ai, số lượng bao nhiêu. Cụ thể, khuôn đó đã giao cho NHNN chi nhánh TP.HCM niêm phong cất giữ, khi nào Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu nguyên liệu, cấp hạn mức sản xuất thì họ mở tủ lấy khuôn ra giao cho SJC, rồi xuống xưởng giám sát dập đúng số lượng, xong đem khuôn về cất tiếp. SJC trở thành người gia công thôi”.
Ông nghĩ gì khi nhiều người cho rằng việc xoá bỏ các thương hiệu vàng miếng khác, chỉ để lại SJC dễ khiến Nhà nước độc quyền thị trường vàng miếng?
Tôi nói rõ là không có sự độc quyền nào ở đây. Sự độc quyền này nếu có là thị trường đã chọn SJC. Trước khi Nhà nước ra chính sách quản lý chặt thị trường vàng, họ đi khảo sát năng lực sản xuất và thị phần của sáu thương hiệu vàng miếng AAA, ACB, Đông Á, Bảo Tín Minh Châu, SBJ và SJC. Họ kiểm tra hạn ngạch nhập bao nhiêu, sản xuất và bán ra thị trường như thế nào. Lúc đó họ mới thấy có những ông không có thương hiệu, không có nhà máy sản xuất cũng xin hạn ngạch nhập vàng. Đem về họ đưa qua nhờ dập vàng SJC. Thứ hai, có những đơn vị sở hữu thương hiệu vàng miếng riêng, nhưng họ không sản xuất thương hiệu của họ mà cũng đưa sang SJC, bởi họ dập ra thì bán không được.
SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước song lâu nay ông trực tiếp điều phối, nay thay đổi vậy có khó gì cho SJC?
Tôi không bình luận về chuyện này, nhưng rõ ràng trong việc dập vàng này thì họ có lúng túng. Ví dụ vàng miếng móp méo, trước đây đối với chúng tôi là nghiệp vụ bình thường, nhìn là biết do mình sản xuất ra, dân đem tới trừ tiền bao bì gia công xong là đổi liền. Còn giờ giao cho Nhà nước, Nhà nước mua vàng móp méo vô, đến nay lên tới 600 tỉ đồng rồi. Trong khi xả đầu ra, tôi xin vụ Quản lý ngoại hối cho dập để bán ra thu hồi vốn thì không cho. Đặt trường hợp họ nghi ngờ SJC hợp thức hoá cho vàng lậu, tôi có nói với NHNN chi nhánh TP.HCM cử cán bộ giám sát kiểm tra, để giải quyết nhu cầu của người dân. Việc dập lại vàng miếng móp méo như hoạt động ăn cơm uống nước hàng ngày, giờ giao cho vụ lại thành chuyện. Vụ ngoại hối cứ để hàng tồn, kêu thì mới xả ra một tí. Chính những cái ách tắc mà không ai giải quyết thì tích tụ căng thẳng trên thị trường.
Công ty vàng bạc DoJi là cổ đông lớn của hai công ty cổ phần vàng bạc đá quý Đà Nẵng và Hà Nội, họ có hưởng lợi gì trong thương hiệu vàng SJC không?
Khoảng năm 2004 – 2005, SJC cổ phần một số chi nhánh theo chỉ đạo của Chính phủ, phần lớn là công nhân viên của SJC mua vào, riêng hai công ty này DoJi tham gia. SJC Sài Gòn không có thoả thuận để cho các công ty này sản xuất vàng miếng đóng mác SJC. Tuy nhiên còn lấn cấn ở chỗ Doji được quyền sử dụng logo, thương hiệu SJC đóng vào nữ trang của Doji sản xuất. Mà tuổi vàng của nữ trang rất phức tạp, chúng tôi khó thể đặt bộ máy để kiểm tra, nên chúng tôi đã tính đến việc bán hết cổ phần trong hai công ty đó cho Doji, nhưng Doji không mua. Nếu bán, SJC rút hết thì Doji sẽ không gắn thương hiệu SJC vô được nữa.
HỒNG SƯƠNG (THỰC HIỆN)
sài gòn tiếp thị
|