Obama gỡ 'bom hẹn giờ' nợ công thế nào?
Sau chiến thắng vang dội, tổng thống Mỹ vừa tái đắc cử, ông Barack Obama, sẽ ngay lập tức phải đối mặt với vấn đề fiscal cliff - một thỏa hiệp ngân sách có thể khiến nước Mỹ trở lại suy thoái trong năm 2013.
Fiscal Cliff là gì?
Việc cắt giảm chi tiêu chính phủ nằm trong một "thỏa hiệp" năm 2011 sau khi chính quyền Obama không thể đạt được thỏa thuận với Quốc hội Mỹ nhằm tăng trần nợ công và cắt giảm thâm hụt ngân sách từ trong dài hạn.
Được biết, thỏa hiệp này sẽ kết thúc cuối năm 2012 và các nhà kinh tế lo ngại rằng, nếu không đạt được đồng thuận chính trị mới về thỏa hiệp tài khóa, cái gọi là fiscal cliff sẽ đưa kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đầu năm 2013.
Không chỉ kinh tế Mỹ mà cả kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Sự đổ vỡ này sẽ tệ hơn thời điểm tháng 8/2011 khi S&P hạ tín nhiệm nợ Mỹ từ mức AAA.
Mùa hè năm ngoái, với việc đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ Mỹ với các điều kiện kèm theo như tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, Quốc hội Mỹ đã đặt một quả bom hẹn giờ nổ vào tháng 1/2013 và đồng hồ hẹn giờ vẫn đang tích tắc, tích tắc.
Nếu Quốc hội Mỹ sẽ không nhân nhượng ông Obama, việc cắt giảm chi tiêu chính phủ sẽ tự động được áp dụng tháng 1/2013 và chương trình cắt giảm thuế của chính quyền Bush trước đây cũng sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2012.
Theo Goldman Sachs, nếu Quốc hội không làm gì cả (để thỏa thuận diễn ra như kế hoạch), kinh tế Mỹ sẽ chắc chắn rơi vào suy thoái đầu năm 2013 vì việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ sẽ "tiêu tốn" sạch 4% tăng trưởng GDP của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2013, trong khi dự kiến GDP Mỹ chỉ tăng 3% năm 2013.
Cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế trị giá khoảng 607 tỷ USD trong năm 2013 như thỏa hiệp trong năm ngoái giữa chính phủ Obama và Quốc hội Mỹ là cái gọi là fiscal cliff.
Fiscal cliff là cụm từ chỉ câu hỏi hóc búa nước Mỹ sẽ đối mặt cuối năm 2012 khi các điều khoản trong thỏa thuận kiểm soát ngân sách năm 2011 có hiệu lực. Theo đó, thuế thu nhập người lao động sẽ tăng 2% trong khi ngân sách cho hơn 1.000 chương trình chính phủ sẽ bị cắt giảm mạnh.
Ông Obama sẽ thuyết phục được Quốc hội Mỹ?
Ngay sau khi ông Obama tái đắc cử, chỉ số chứng khoán Dow Jones đã giảm hơn 300 điểm, một trong những mức giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ, khi các nhà đầu tư tin rằng ông Obama sẽ không dễ dàng đạt được thỏa thuận với Quốc hội Mỹ.
Ngay bây giờ ông Obama sẽ phải đưa ra quyết định làm việc với những nghị sỹ đảng Cộng hòa đối lập tại Quốc hội về vấn đề fiscal cliff. Sau kết quả bầu cử, đảng Dân chủ của ông Obama vẫn tiếp tục kiểm soát Thượng viện Mỹ và đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát Hạ viện Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện Mỹ, ông Max Baucus, nói rằng ông hy vọng ông Obama tuần này sẽ yêu cầu Quốc hội Mỹ sớm thông qua một kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách trong đó bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.
Ông Obama muốn chương trình miễn giảm thuế sẽ chỉ kết thúc với những người có thu nhập cao (vẫn miễn giảm thuế đối với tầng lớp thu nhập thấp và trung bình), tuy nhiên, đảng Cộng hòa thì không muốn thế và họ muốn áp dụng với tất cả mọi người.
"Ông Obama chắc chắn sẽ phải là người tiên phong trong việc giải quyết vấn đề fiscal cliff", Steve Bell, giám đốc cao cấp của dự án Chính sách Kinh tế tại trung tâm Chính sách Bipartisan, nói.
Câu hỏi được đặt ra là mức độ mà ông Obama hay đảng Cộng hòa sẽ đạt được từ lực lượng đối lập trong Quốc hội về vấn đề tăng thuế là như thế nào.
"Hai năm qua, Hạ viện Mỹ đã bảo vệ người dân Mỹ trong việc chống lại chi tiêu và vay mượn quá nhiều của chính phủ Mỹ", John Boehner, người phát ngôn Hạ viện Mỹ, nói.
Boehner ám chỉ rằng trước bầu cử Tổng thống Mỹ, Hạ viện đã sẵn sàng thông qua các quyết định pháp lý ngắn hạn cho các thảo luận rộng hơn về việc chuyển việc cắt giảm chi tiêu chính phủ trong năm 2013 sang thập kỷ tới.
"Obama có trách nhiệm phải tiến hành mọi việc nhanh chóng và cần bày tỏ quan tâm đặc biệt của ông về những gì ông muốn xảy ra trong tháng 12 tới và Quốc hội sẽ phản ứng về quan tâm của ông ta," Eric Ueland, một nghị sỹ đảng Cộng hòa nói.
"Chiến thắng của ông Obama gây sức ép cho ông trong việc đạt được thỏa thuận giữa các đảng phái," ông Ueland nói.
Theo các nhà quan sát, cơ hội thành công của ông Obama phụ thuộc vào mong muốn của ông Obama trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nhà lập pháp trong nhiệm kỳ thứ 2 mà ông không có được trong nhiệm kỳ thứ nhất của mình.
Nguyên Hưng
vietnamnet
|