Trung Quốc: Lạm phát giảm thấp nhất trong gần 3 năm
Tổng cục Thống kê
quốc gia (NBS) của Trung Quốc hôm nay công bố các chỉ số kinh tế của nước này
cho thấy tỷ lệ lạm phát trong tháng Mười vừa qua là 1,7%, giảm so với
mức 1,9% hồi tháng Chín và 2% trong tháng Tám.
Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất của Trung Quốc trong gần ba năm qua (từ
tháng 1/2010), và là một điều kiện thuận lợi để Bắc Kinh tiếp tục
chính sách kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng đang
chậm lại hiện nay.
Theo NBS, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của
Trung Quốc trong tháng Mười cũng chỉ tăng 1,7%.
Tính trong 10 tháng đầu năm, CPI tăng 2,7% so với 10 tháng đầu của năm 2011.
Giá lương thực, vốn chiếm gần 1/3 trong tính toán CPI, tăng 1,8% trong
tháng Mười, giảm đáng kể so với mức tăng 2,5% trong tháng Chín.
Một yếu tố lý giải cho thực tế này là chỉ số giá thành sản phẩm (PPI) trong
tháng Mười tiếp tục giảm, xuống mức 2,8% so với tỷ lệ giảm 3,6% trong tháng
Chín, và đây là tháng thứ tám liên tiếp PPI giảm. Chỉ số giá thành sản phẩm là
một trong những yếu tố then chốt quyết định xu hướng giá cả trên thị trường.
Các số liệu của NBS còn cho thấy Trung Quốc đạt tăng trưởng GDP 7,4% trong quý
3 năm nay. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất trong ba năm qua và là quý
thứ bảy liên tiếp, tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Mặc dù Trung Quốc duy trì được tỷ lệ lạm phát thấp hơn mục tiêu đề ra
(dưới 4% cho cả năm), và chỉ số giá thành sản phẩm có nhiều dấu hiệu
lạc quan, song các nhà phân tích vẫn cảnh báo Bắc Kinh cần thận trọng
trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ do lo ngại có thể đẩy giá
xăng dầu lên cao, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều
chính sách như hồi đầu năm đã hai lần liên tiếp hạ lãi suất chỉ trong một
tháng, và ba lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương
mại kể từ tháng 12/2011 nhằm khuyến khích cho vay.
Cùng ngày, NBS cho biết sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong
tháng Mười tăng 9,6% so với mức 9,2% của tháng trước.
Tính trong 10 tháng đầu năm nay, đầu tư tài sản cố định của nước này tăng 20,7%,
đạt 4.640 tỷ USD. Đầu tư tài sản cố định là thước đo chủ yếu mức chi tiêu của
chính phủ cho cơ sở hạ tầng. Cũng trong khoảng thời gian này, đầu tư vào bất
động sản tăng 15,4%.
Vietnam+
|