Ngân hàng lách để hút đầu vào tăng
Tín dụng trì trệ, tổng số dư tiền gửi của các NHTM tăng đều, nhưng trên thị trường vẫn diễn ra tình trạng lách trần lãi suất huy động để hút vốn.
“Săn” tiền gửi tận nhà
Phòng giao dịch của Ngân hàng Bắc Á ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM đã gửi thư ngỏ đến khách hàng để mời chào gửi tiền lãi suất cao. Đơn vị này cho biết nhân sinh nhật lần thứ 18, NH có chương trình khuyến mại với nhiều quà tặng tùy vào số tiền gửi của khách hàng và lãi suất hấp dẫn lên đến 13%/năm, áp dụng kể từ ngày 26-9.
Nhân viên NH này cho biết lãi suất 13%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, còn nếu khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng, trên hợp đồng vẫn ghi lãi suất 9%/năm nhưng NH sẽ linh hoạt chi trả thêm qua khuyến mại. WesternBank cũng đưa ra mức lãi suất 13%/năm cho kỳ hạn tiết kiệm trên 1 năm. Cùng với đó, nhiều NHTM nhỏ khác cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại cho khách hàng gửi tiết kiệm, với kỳ vọng hút được lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Không chỉ các NHTM nhỏ, cuộc đua huy động vốn diễn ra mạnh mẽ ở các NHTM lớn. Cụ thể, tại NH V., nhân viên tư vấn khách hàng chỉ cần gửi kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất 11-13%/năm được chuyển vào tài khoản, không phải chờ đến cuối kỳ mới lãnh.
Ngoài ra, với số tiền 500 triệu đồng trở lên nếu gửi kỳ hạn 24 tháng, sau 12 tháng không rút gốc sẽ nhận lãi suất 12%/năm, đến tháng 13 người gửi có thể rút gốc bất kỳ lúc nào mà vẫn nhận lãi suất 12%/năm, còn để gốc đến tháng 24 lãi suất lên đến 13%/năm. Ngoài ra, người gửi còn được tham gia các chương trình dự thưởng trị giá 1,2 tỷ đồng cùng với bốc thăm thẻ cào trúng thưởng ngay 50.000-200.000 đồng.
Tại một NHTM ở quận 1, khi gửi tiết kiệm 10.000USD trở lên, người gửi sẽ được mời tham gia chương trình khuyến mại quay số trúng thưởng qua máy vi tính trị giá 1 chỉ vàng. NH sẽ quy đổi 1 chỉ vàng thành 4,75 triệu đồng rồi chi trả trực tiếp cho người gửi tiền, tính ra lãi suất tiền gửi bằng USD lên tới 3-4%/năm.
Chưa hết, nhân viên NH còn điện thoại đến khách hàng mời gọi "chỉ cần gửi trên 100 triệu đồng kỳ hạn 3-6 tháng sẽ được trả thêm 2,5% so lãi suất quy định (9%/năm). Thực tế cho thấy thông qua các chương trình ưu đãi, các NHTM không chỉ chạy đua, cạnh tranh lẫn nhau ở những kỳ hạn ngắn (3-6 tháng) mà còn tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng cho khách lên 13-14%/năm nhằm thu hút người gửi tiền và cố tình lách trần lãi suất.
Phòng thanh khoản cuối năm?
Theo số liệu của NHNN, trong 9 tháng năm 2012 tăng trưởng huy động vốn của hệ thống NHTM cao gấp 10 lần so với tăng trưởng tín dụng. Ghi nhận tại nhiều NHTM nhỏ cũng cho thấy huy động vốn vẫn tăng mạnh trong khi tín dụng hầu như không tăng.
Cụ thể, tại Navibank (NVB) huy động vốn 9 tháng đã tăng 16.560 tỷ đồng (tăng 11,73% so với đầu năm). Tuy nhiên NH không cho vay ra nhiều, dư nợ cho vay chỉ đạt 12.450 tỷ đồng, giảm 3,58% so với đầu năm. Theo tổng giám đốc một NHTMCP, dù thanh khoản đang dồi dào, nhưng NH không thể giảm lãi suất tiết kiệm nhằm giữ chân khách hàng cũ và thu hút nguồn tiết kiệm mới, cho dù tăng trưởng tín dụng của NH đang trong tình trạng âm.
Lý do các NHTM nêu là phải tăng cường huy động tiền gửi trong quý IV nhằm bảo đảm an toàn vốn, chuẩn bị giải quyết nhu cầu vốn vay cho sản xuất, kinh doanh mùa cuối năm. Tuy nhiên, khác những năm trước đây, từ tháng 9 đến nay nhiều NHTM nhỏ khó vay trên liên NH nên buộc phải huy động trên thị trường dân cư để bù đắp nguồn vốn thiếu hụt này.
Điều này có thể thấy tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tại NVB qua liên NH đã giảm tới 98% trong 9 tháng, từ 3.475 tỷ đồng đầu năm xuống còn 54,8 tỷ đồng ở thời điểm 30-9. Để gia tăng thanh khoản chắc chắn NH này phải thu hút trên thị trường dân cư.
Một lãnh đạo Sacombank cho rằng, với các chính sách của Nhà nước, cũng như hành động của các NH và doanh nghiệp, nền kinh tế đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi. Vì vậy, ở một số ngành, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vốn. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động của các NH đến từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau, từ dân cư, doanh nghiệp, từ các định chế tài chính khác.
Việc thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ giúp NH giảm vay từ các định chế tài chính khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc huy động ồ ạt nhưng cho vay nhỏ giọt đã làm tắc nghẽn dòng vốn lưu thông, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nếu các NHTM còn tái diễn tình trạng lách trần lãi suất, khả năng lãi suất cho vay khó có thể giảm mà sẽ còn tăng thêm theo xu hướng lạm phát, nhất là dự báo những tháng cuối năm lạm phát có thể tăng trở lại.
Thanh Như
sài gòn đầu tư tài chính
|