Thứ Năm, 01/11/2012 14:01

Ngân hàng co cụm đầu ra cuối năm

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII tuần này, nhiều đại biểu đề xuất giảm ngay lãi suất NHTM xuống 11%/năm và tăng cho vay tiêu dùng để kích cầu nền kinh tế; đổi mới cơ chế để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp... Tuy nhiên, thực tế tại nhiều NHTM, cái khó của tín dụng hiện nay không chỉ là lãi suất và cơ chế vay vốn.

E dè tín dụng mới

Gần đây, các NHTM đưa ra nhiều gói lãi suất khá thấp, bình quân 9,9%/năm với tín dụng tiêu dùng cố định trong 3 tháng đầu. Với các doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên như xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, lãi suất cho vay VNĐ 9-10%/năm, cho vay USD 4-5%/năm. Hấp dẫn là vậy, nhưng nhiều NHTM cho biết tín dụng vẫn tăng rất chậm dù còn 2 tháng nữa kết thúc năm tài chính 2012.

Theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, đây là thời điểm tích trữ nguyên liệu cho cuối năm nên nhu cầu tín dụng tăng hơn so với 9 tháng qua, nhưng sẽ không nhiều so với cùng kỳ năm ngoái vì sức mua giảm, hàng nguyên liệu tồn đọng nhiều, nên doanh nghiệp sẽ sử dụng nguyên liệu ấy thay vì nhập thêm.

Hạ lãi suất chưa thể giải quyết được bài toán tín dụng mà cần phải cấu trúc lại nợ vay. Muốn làm vậy phải khơi thông hàng tồn kho, thành lập công ty mua nợ, lúc đó NH mới dám cho vay. Còn nếu bơm thêm tiền là “chết” cả doanh nghiệp và NH.

TS. CAO SỸ KIÊM

Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang khó khăn về dòng tiền nợ, cứ 10 doanh nghiệp thì 8 đơn vị có nợ liên quan đến bất động sản, dẫn đến mất khả năng trả nợ. Vì thế, dù các doanh nghiệp này có nhu cầu vay, NH cũng không thể đáp ứng được.

“Năm nay ACB đặt mục tiêu giữ ổn định tín dụng, không tăng và thanh khoản là ưu tiên số một. Chúng tôi muốn bảng cân đối của ACB khỏe hơn đến 31-12-2012 để xây dựng kế hoạch kinh doanh 2013-2014” - ông Toàn cho biết.

Một lãnh đạo NH cổ phần lớn ở TPHCM cho biết từ nay đến cuối năm sẽ không phát triển khách hàng mới, chỉ đảm bảo tín dụng khách hàng cũ. Một số doanh nghiệp kêu không vay được vốn nhưng thực tế họ không thuộc đối tượng để NH nhắm đến tăng trưởng tín dụng.

Đó là chưa nói đến nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng đang có những món nợ NH “dính” trong bất động sản. Lãnh đạo NH này cho biết, một công ty chuyên làm đậu phộng da cá với thương hiệu rất lớn ở Việt Nam mất hàng chục năm để xây dựng thương hiệu và giá trị thương hiệu theo đánh giá của nước ngoài xấp xỉ 1 triệu USD.

Nhưng họ “chết” vì không đầu tư củng cố thương hiệu đang lên, mà lại tập trung phát triển sản phẩm khác. Bên cạnh đó, có doanh nghiệp mở rộng mua đất ở Bình Dương. Những doanh nghiệp như vậy, NH sẽ khó cho vay vì rủi ro cao.

Kéo dài “sự sống” khi lối ra chật vật

Đầu năm 2012, NHNN ban hành Quyết định 780 yêu cầu các NHTM cơ cấu, gia hạn lại nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận lãi suất hợp lý để duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển. Theo số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM, đến đầu tháng 9 tổng dư nợ của các NHTM trên địa bàn theo Quyết định 780 chỉ đạt 71.018 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng dư nợ.

Tỷ lệ này không lớn so với tổng dư nợ hiện nay của NHTM nhưng cũng là sự nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế cơ cấu nợ hiện nay giống như lấy “băng keo” dán lại “vết thương”, trong khi bản chất là tìm lối thoát cho doanh nghiệp. NH muốn gỡ cho doanh nghiệp phải có hướng xử lý, chứ không thể bóc nợ nơi này qua nơi khác. Theo đó, NH sẽ cơ cấu nếu như dòng tiền doanh nghiệp còn tốt, còn doanh nghiệp bế tắc thì buộc phải xử lý.

Theo lãnh đạo một NHTM, liên NH phân khách hàng làm 3 nhóm: nhóm 1 bình thường, nhóm 2 phải cơ cấu, nhóm 3 không thể cơ cấu. Trong đó nhóm 2 phân làm 2 nhóm: cơ cấu sống được và cơ cấu cũng sẽ chết. Nhóm 2 cũng được chia ra theo thời gian: cơ cấu nhưng “chết” sau 1 năm, cơ cấu nhưng “chết” sau 6 tháng…

Lý giải điều này, lãnh đạo này cho rằng nếu dồn xử lý vào kỳ cuối, quy mô nợ xấu tăng NH cũng “chết”. Vì thế cách tốt nhất là dãn thời gian, kéo dài “sự sống” của doanh nghiệp để NH và doanh nghiệp cùng tìm biện pháp hỗ trợ nhau.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng kinh tế Việt Nam giống như kinh tế Nhật Bản cách đây 14 năm. Khi kinh tế tăng trưởng nóng, doanh nghiệp nào vay tiền mua đất làm nhà xưởng, đầu tư bất động sản, đất lên họ lời, nhưng khi đất giảm họ lỗ nặng. Còn ở Việt Nam, nguồn vốn hiện nay trong hệ thống NH vẫn còn dư, nhưng muốn vực dậy thị trường tín dụng phải có gói kích cầu thị trường bất động sản.

Bởi thực tế hiện nay thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng mất cân đối cung cầu. Để tháo gỡ khó khăn, về phía NHNN có chủ trương đưa ra gói tín dụng riêng dành cho người mua nhà. Đồng thời, kết hợp với các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp hiệu quả nhất để vực dậy thị trường.

Hiện nay các NHTM chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn để cho vay đầu tư dài hạn, trong khi nhà ở thuộc dạng đầu tư dài hạn 5-10 năm, thậm chí 20 năm. Lãi suất có thời điểm biến động mạnh nhưng hầu hết khách hàng chỉ gửi tiền thời hạn 1-3 tháng.

Đây là bài toán khó của các NHTM. Theo một lãnh đạo DongA Bank, thực tế khi nền kinh tế khó khăn, thu nhập người dân sụt giảm so với lạm phát và không ổn định, cán bộ, công chức hay người lao động vẫn ngại vay vốn mua nhà và cũng khó đủ điều kiện mua nhà hay căn hộ, còn người có tiền chỉ ưu tiên mua nhà phố để ở hoặc mua để bán lại, cho thuê… nên cầu về căn hộ chung cư vẫn rất ít.

Vì vậy, chính sách kích cầu tín dụng cho nhà ở là căn hộ nói riêng và thị trường bất động sản nói chung không dễ thực hiện trong thời điểm hiện nay.

Mai Thảo

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Phó TGĐ IMF: Chỉ ổn định vĩ mô và tăng trưởng là chưa đủ (01/11/2012)

>   Lương nhân viên ngân hàng sụt giảm (01/11/2012)

>   Doanh nghiệp khó vay vốn USD (01/11/2012)

>   Lập lại trật tự “chợ” liên ngân hàng (01/11/2012)

>   “Ngân hàng phải tự giải quyết nợ xấu của mình!” (01/11/2012)

>   CTG và NH Đầu tư Châu Âu tài trợ dự án biến đổi khí hậu 2012 (31/10/2012)

>   Kỳ hạn ngắn chiếm 81% tổng giao dịch liên ngân hàng (31/10/2012)

>   Nợ xấu dưới góc nhìn Bí thư Nguyễn Bá Thanh (31/10/2012)

>   Thống đốc: 'Lợi nhuận ngân hàng phải dành để xử lý nợ xấu' (31/10/2012)

>   Nên thay đổi cách thức với tín dụng bất động sản (31/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật