Thứ Tư, 31/10/2012 13:25

Nên thay đổi cách thức với tín dụng bất động sản

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay cầu về nhà, nhất là loại nhà cho số cán bộ, nhân viên, những gia đình trẻ có giá khoảng 1 tỷ đồng vẫn nhiều nhưng thiếu khả năng thanh toán, nhất là thanh toán bằng tiền mặt 100%.

Vì vậy, trước mắt, để giải quyết hàng tồn kho BĐS, cần thay đổi cách làm là bơm tiền cho vay người trực tiếp mua nhà thay vì cho vay phát triển thêm dự án.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Ngọc Hòa - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết:

Thời gian gần đây có một điểm tích cực đáng quan tâm là lãi suất ngân hàng đã giảm. Công bố mới nhất của NHNN đưa ra tính đến 19/10, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 2,77%, huy động tiền gửi dân cư toàn hệ thống tăng 14,02% so với đầu năm 2012. Dù nguồn vốn tín dụng vẫn chưa đẩy ra thị trường được nhiều, nhưng điều này cũng cho thấy kênh gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn hấp dẫn nhất trong bối cảnh BĐS đóng băng, thị trường chứng khoán èo uột, còn thị trường vàng đang được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa

Những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng bao giờ cũng lớn hơn bởi thông thường đây là thời điểm nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh tăng. Nhưng như nhiều ý kiến đã nói, chúng ta đang vướng nợ xấu và hàng tồn kho nên vốn đẩy ra sản xuất kinh doanh chưa được tương xứng với tỷ lệ huy động. Vì vậy, điều trước mắt và cấp thiết hiện nay, theo tôi, chúng ta nên thực hiện các biện pháp khoanh nợ, phân loại nợ. Bởi cũng là nợ xấu nhưng mỗi doanh nghiệp (DN) lại có những “khẩu vị” riêng khác nhau. Có những DN nợ xấu không nhiều, có DN đang rơi vào thiếu vốn lưu động, DN đang có đơn hàng xuất khẩu, có đầu ra thị trường tốt nhưng gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản... thì ngân hàng nên linh động, để “hà hơi tiếp sức” vốn kịp thời cho DN.

Ông từng đề cập đến việc nên giảm, giãn tiền sử dụng đất cho DN BĐS. Vậy theo ông, cần có biện pháp gì để hỗ trợ thị trường này?

Trước mắt, để giải quyết hàng tồn kho BĐS, nên cấp tín dụng cho người mua, hạn chế cho vay phát triển thêm dự án. Bởi hiện nay nguồn cung đang khá nhiều. Ngoài ra, DN cũng nên chọn phân khúc thị trường bình dân, những căn hộ có diện tích nhỏ. Hiện nay cầu về nhà, nhất là loại nhà cho số cán bộ, nhân viên, những gia đình trẻ có giá khoảng 1 tỷ đồng vẫn nhiều nhưng thiếu khả năng thanh toán, nhất là thanh toán bằng tiền mặt 100%. Vì vậy, cần thay đổi cách làm là bơm tiền cho vay người trực tiếp mua nhà.

Chẳng hạn, căn hộ có giá 1 tỷ đồng, khách hàng có thể trả trước 30%, còn 70% ngân hàng cho vay trực tiếp người mua nhưng với điều kiện là căn nhà đó chưa thuộc sở hữu của người mua cho tới khi trả nợ hết ngân hàng. Cách thức mua bán này ở nước ngoài họ đã làm và ở Việt Nam có thể áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề này phải có sự rõ ràng về pháp lý. Với cách thức mua nhà này, nếu người mua nhà chậm thanh toán tiền vài kỳ thì chủ đầu tư và ngân hàng có thể thu nhà lại, bán cho người khác có khả năng tài chính và nhu cầu hơn. Làm được như vậy, dòng tiền trong BĐS sẽ luân chuyển nhanh, không bị đóng băng.

Tín dụng đối với người mua nhà là một giải pháp quan trọng để kích cầu. (Ảnh: H.Giáp)

Nói như vậy, trong bối cảnh hiện nay yếu tố thị trường là rất quan trọng?

Đúng vậy, với các mặt hàng thiết yếu cần tăng cường kiểm soát thị trường để tránh nâng giá bất hợp lý. Cùng với đó, phải tạo hệ thống phân phối hàng hóa rộng khắp thị trường để tránh việc đầu tư nâng giá. Tuy nhiên, trong công tác điều hành vĩ mô, điều hành giá cần cẩn trọng tới một số mặt hàng quyết định đến yếu tố đầu vào trong sản xuất kinh doanh như xăng dầu, điện… Chẳng hạn, ngay cả với giá đất hiện nay, chúng ta bị bong bóng BĐS đẩy lên, nên có thể giảm, giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất, giúp DN giảm chi phí đầu vào. Bởi chúng ta đã ban hành Luật Giá nên phải kiểm soát giá bằng các biện pháp hữu hiệu, song hành với chống hàng giả, hàng lậu.

Một tổng giám đốc NHTM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay tìm được DN tốt rất khó?

Đúng là ở đâu và thời điểm nào đi tìm DN tốt cũng khó. Nhưng trong bối cảnh hiện nay ngân hàng cần xem xét yếu tố thị trường, đầu ra của DN đó. Ngân hàng phải tìm cách để hỗ trợ. Ngân hàng phải cùng đồng hành với DN để vượt qua khó khăn này.

Cần kích cầu để phá băng thị trường BĐS. (Ảnh: Hoàng Giáp)

Nhưng bản thân DN cũng phải thay đổi tư duy, nâng cao sức cạnh tranh, thưa ông?

Điều lo lắng nhất hiện nay là khả năng sản xuất của DN nội địa. Ngoài việc chưa giải quyết được bài toán về vốn, vì phần lớn nguồn vốn chủ yếu dựa vào kênh ngân hàng thì khả năng cạnh tranh, giữ thị trường và phát triển thị trường của các DN trong nước còn yếu. Theo số liệu 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 18,9% nhưng chủ yếu tăng do khối FDI. Không loại trừ khả năng khối FDI có lợi thế từ thị trường công ty mẹ, nhưng điều đó cho thấy khả năng cạnh tranh của DN trong nước chưa được cải thiện.

Xin cảm ơn ông!

Chí Kiên

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Thống đốc NHNN trần tình về “độc quyền” vàng miếng (31/10/2012)

>   Nhân viên ngân hàng nơm nớp lo bị sa thải (31/10/2012)

>   Nợ xấu và lợi nhuận: Khi đồng xu rơi… (31/10/2012)

>   Được - chưa được trong điều hành vàng (31/10/2012)

>   Agribank: Mới chỉ có Fitch “dòm ngó” xếp hạng tín nhiệm (30/10/2012)

>   VCB: Nợ xấu quý 3/2012 có thực sự đang giảm? (31/10/2012)

>   'Mình Thống đốc không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu' (30/10/2012)

>   Tiêu chí ngân hàng yếu chưa minh bạch (30/10/2012)

>   Huy động sức vàng: Không hẳn hết cách (30/10/2012)

>   Doanh nghiệp không mặn mà vay vốn (30/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật